HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong giai đoạn 2011-2019, TP đóng góp 27,5% ngân sách cả nước. Và để làm nên những thành tựu đó có sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ nhưng rất to lớn của đội ngũ công nhân.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Ở nhiều ngành, nghề, dù điều kiện làm việc vất vả, thu nhập bấp bênh, song các anh chị vẫn bám trụ công việc, tận lực cống hiến sức lực, trí tuệ, tuổi trẻ cho sự phát triển của TP. Nỗ lực ấy của họ xứng đáng được trân trọng, tri ân. Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng người lao động" của LĐLĐ TP HCM, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, từ năm 2018-2019, Báo người Lao Động đã triển khai chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ".
Tổng quan về chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" của Báo Người Lao Động
Trong năm đầu tiên, chương trình đã trao 115 suất học bổng cho con công nhân vệ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP. Đến năm học 2019-2020, chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" được đổi tên thành chương trình "Học bổng Báo Người Lao Động", bổ sung thêm đối tượng chăm lo là con công nhân bị tai nạn lao động, công nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Dịch Covid-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất do không có đơn hàng, từ đó buộc phải cắt giảm lao động, cho công nhân nghỉ chờ việc luân phiên. Tình hình này khiến việc làm, đời sống của công nhân, nhất là công nhân ngoại tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Trước thềm năm học mới, rất nhiều gia đình công nhân không thể gánh nổi các khoản chi phí cho con.
Một trong những buổi Lễ trao học bổng của Báo Người Lao Động
Hướng đến mục tiêu đồng hành cùng chính quyền và tổ chức Công đoàn TP HCM chăm lo cho các trường hợp khó khăn, năm 2020, chương trình tiếp tục trao 110 suất học bổng cho con công nhân bị tai nạn lao động, bệnh hiềm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Điểm chung của 110 em được nhận học bổng là tinh thần vượt khó, vươn lên, dũng cảm đối diện với khó khăn để trở thành con ngoan, trò giỏi. Nhiều em dù xuất phát điểm thua kém bạn bè cùng trang lứa song vẫn biết vượt qua mặc cảm để sống có ích, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhà trường, thầy cô, đặc biệt là cha mẹ - những người luôn phải vất vả lo cái ăn, cái mặc hằng ngày cho các em.
Báo Người Lao Động hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn đón Tết
Báo Người Lao Động đã dày công phát hiện, có những bài viết biểu dương các gương điển hình vượt khó trong con công nhân. Trong số đó, tiêu biểu có em Nguyễn Hoài Thương, học sinh lớp 7 Trường THCS Thị trấn 2, huyện Củ Chi, TP HCM. Dù sinh ra không có chân, tay nhưng em lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, biết phụ giúp cha mẹ và luôn đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Đặc biệt, có 3 anh em ruột mồ côi cha lẫn mẹ là Phan Văn Hiền (14 tuổi), Phan Thị Mỹ Duyên (8 tuổi) và Phan Thị Gia Lam (4 tuổi), ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vụ tai nạn thương tâm xảy ra cách đây 2 tháng đã cướp đi sinh mạng của ba mẹ các cháu là anh Phan Văn Hậu và chị Trương Thị Dung. Anh Hậu và chị Dung cùng lúc ra đi bỏ lại 3 con thơ và người mẹ già hơn 80 tuổi trong ngôi nhà tình thương không tài sản và không có việc gì để kiếm sống. Ngay khi Báo Người Lao Động thông tin, chia sẻ với khó khăn của các cháu, rất nhiều nhà hảo tâm đã liên hệ chung tay chia sẻ, giúp 4 bà cháu sớm vượt qua nỗi đau. Ngoài khoản tiền vận động được chuẩn bị trao cho các cháu 580 triệu đồng, Báo Người Lao Động cũng chọn 3 cháu nhận học bổng Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)