Từ chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" trong đợt dịch Covid-19 vào tháng 4-2020 đến hàng loạt chương trình trong năm 2021 như "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch", "Tổ quốc cần cả nước chung tay", "Tình thương cho em", "Tết sẻ chia" đã viết tiếp những ký ức đẹp về tình người trong những tháng ngày không thể quên.
Trong bối cảnh dịch bệnh nóng bỏng, với trách nhiệm vì cộng đồng - xã hội của người làm báo, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã khẩn trương thành lập "kho" thực phẩm, vật tư y tế thông qua chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" và "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" góp phần cùng nhà nước hỗ trợ người dân, lực lượng tuyến đầu. Hai chương trình lần lượt ra đời vào tháng 5 và tháng 6-2021.
Chương trình “Tổ quốc cần, cả nước chung tay” hỗ trợ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Ảnh : Quốc Thắng
Bấy giờ, chúng tôi xác định muốn giúp được nhiều hơn trong "cuộc chiến" chống dịch này thì buộc phải dấn thân. Ngay sau khi quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hai chương trình của Báo Người Lao Động đã liên tục mang nhu yếu phẩm, vật tư y tế trao tận tay lực lượng tham gia chống dịch tại các điểm chốt và bà con tại các địa phương này.
Như hàng triệu người Việt lúc bấy giờ vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào mình giữa lúc hoạn nạn, chúng tôi chẳng ngờ sẽ nhận được những hồi âm đầy xúc động. "Cô mừng quá. Nhiều người trong xóm mong nhận được món quà này lắm. Đang cách ly nên không ai làm ra tiền" - cô Điệp (ngụ phường 5, quận Gò Vấp) đã nhắn gửi cho chương trình.
Đó là những động lực thôi thúc bước chân của chúng tôi tiếp tục không quản gian nan, tìm đến nơi cần hỗ trợ. Bất chấp những bữa trưa "nắng đổ lửa trên đầu" hay những cơn mưa chợt đến chợt đi, chương trình vẫn tìm đến với những khu phong tỏa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM… để hỗ trợ vật tư y tế, lương thực thực phẩm. Những món quà được trao tặng nhanh chóng để hạn chế tối đa tiếp xúc, bảo đảm phòng chống dịch. Cả người trao lẫn người nhận đều nhớ mãi không quên những ký ức đẹp về một giai đoạn khó khăn mà mọi người đã trải qua.
Chương trình “Tổ quốc cần, cả nước chung tay” Ảnh: Lê Vĩnh, Quốc Thắng
Tính đến ngày 31-10-2021, Báo Người Lao Động đã trao hơn 6,4 tỉ đồng (gồm vật tư y tế, thực phẩm, tiền mặt) cho 101 địa phương, khu phong tỏa, bếp ăn từ thiện, trong đó có 31 bệnh viện, trung tâm y tế. Thời điểm Báo Người Lao Động khép lại "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" và "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" cũng là lúc TP HCM đang dần nới lỏng giãn cách để bước vào giai đoạn "bình thường mới".
Cùng với niềm hân hoan vì TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội là những câu chuyện đầy xót xa về số phận của hơn 1.500 đứa trẻ không may mồ côi vì dịch Covid-19. Đây là dấu lặng đầy ám ảnh về trận đại dịch chưa từng có.
Một lần nữa, với trách nhiệm phụng sự xã hội, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động, thực hiện chương trình "Tình thương cho em". Chương trình được kêu gọi trong bối cảnh không chỉ những người buôn gánh bán bưng điêu đứng mà nhiều doanh nghiệp cũng đang vất vả tìm cách gượng dậy sau đại dịch. Nhưng bất ngờ thay, rất nhanh, chương trình đã nhận được hơn 2,15 tỉ đồng.
"Thời gian qua, chương trình "Tình thương cho em" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Có những doanh nghiệp đóng góp số tiền lớn, cũng có những nhà hảo tâm thông qua ví điện tử Momo và Zalo ủng hộ một khoản nhỏ. Tất cả đều là tấm lòng thơm thảo hướng về cộng đồng và chúng tôi rất trân quý" – ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu trong một lần trực tiếp đến thăm hỏi, động viên những trẻ mồ tại tại quận 3, TP HCM.
Cũng bởi sự trân quý này, khi nhận được sự đóng góp từ các nhà hảo tâm, chương trình "Tình thương cho em" đã tổ chức thu thập, xác minh thông tin, trực tiếp thăm, hỗ trợ đúng đối tượng trên địa bàn TP HCM và nhiều tỉnh, thành cả nước. Không dừng lại ở giá trị những món quà, chương trình đã trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên từng trẻ mồ côi.
Chương trình "Tình thương cho em"
Chặng đường tìm đến nhà của từng hoàn cảnh cũng chẳng dễ dàng. Và lần nào đến thăm các em, đoàn chúng tôi cũng không kìm được nước mắt khi nhìn những gương mặt non nớt hằn lên nỗi buồn thương như dấu ấn chẳng thể xóa mờ về trận đại dịch lịch sử.
Một hoàn cảnh để lại ấn tượng sâu đậm trong chúng tôi là câu chuyện về cô bé chăm ngoan, học giỏi nổi tiếng khắp xóm lao động nghèo ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè tên T.A., 10 tuổi.
So với bạn bè, T.A có phần còi cọc, yếu ớt nhưng thành tích học tập thì chẳng kém cạnh ai. Từ lúc lọt lòng, T.A. đã không có cha, đợt dịch vừa qua, em lại mất mẹ. Dù có ông bà ngoại động viên, an ủi, chăm sóc nhưng dường như không sao có thể lấp đầy trái tim đau thương của em. Ra về mà ánh mắt đau buồn và giọng nói nấc nghẹn của T.A. cứ ám ảnh chúng tôi: "Con nhớ mẹ lắm".
Nhưng cũng trong những chuyến đi đó, không ít lần chúng tôi bị người nhà từ chối gặp mặt khi đoàn vừa lặn lội tìm đến nơi dù trước đó đã được chính quyền địa phương kết nối. Nguyên nhân là do các gia đình vẫn chưa hết bàng hoàng sau những biến cố vừa ập xuống. Có gia đình mất đi trụ cột kinh tế, có gia đình mất cả ông bà, cha mẹ vì Covid-19. Thấu hiểu nỗi đau mất mát, chúng tôi vẫn kiên nhẫn tìm cách chuyển đến tận tay họ những món quà hỗ trợ là nghĩa tình mà bạn đọc cả nước đã gửi gắm cho chương trình.
Tính đến nay, chương trình “Tình thương cho em” đã trao tặng hơn 170 suất hỗ trợ (mỗi suất 5 triệu đồng) cho trẻ mồ côi vì Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, miền Trung. Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục trao những suất hỗ trợ còn lại.
TP HCM dần hồi sinh, những khốn khó trong đại dịch đã vơi nhưng những người kém may mắn vẫn rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng để được đón Tết vẹn tròn.
Bắt đầu từ ngày 25-1-2022 (tức 23 tháng chạp), Báo Người Lao Động chính thức khởi động chương trình "Tết sẻ chia" nhằm thiết thực chăm lo cho người nghèo, người vô gia cư, cộng tác viên phát hành báo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Chương trình “Tết sẻ chia” thăm, tặng quà người già neo đơn tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc. Ảnh: Thanh Long
Chương trình “Tết sẻ chia” tặng quà Tết tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức)
Thật khó để nhớ chính xác đây là chuyến xe thứ bao nhiêu mà Báo Người Lao Động đã thực hiện để trao tận tay quà hỗ trợ, nhu yếu phẩm cho chính quyền địa phương, lực lượng tuyến đầu và người dân chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 xuyên suốt những ngày dài vừa qua.
Nhưng khác hẳn trước đây, những chuyến xe chở đầy ắp quà Tết hôm nay không còn chất chồng những âu lo của những ngày cao điểm dịch bệnh. Thay vào đó là một tinh thần rất khác: Tinh thần hồ hởi và niềm vui, phấn khởi khi được mang hơi ấm yêu thương để vun tròn Tết cho nhiều người.
Đón đoàn đến thăm, chỉ vào khu vực tiểu cảnh Tết trang trí trên sân, cụ Phùng Văn Phát (70 tuổi) cho biết Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) đã nỗ lực tạo không khí Tết nhưng nơi này vốn hiếm tiếng cười nói. Những ngày cuối năm, các cụ chỉ trông chờ niềm vui từ các đoàn đến thăm, chúc Tết bởi hầu hết các trường hợp ở đây không chỉ bại liệt mà còn không có người thân.
Chung niềm phấn khởi, nghệ sĩ cải lương Nguyễn Thị Thẩn (nghệ danh Lệ Thẩn, 86 tuổi) xúc động bày tỏ: "Thấy đoàn tới là thấy Tết đến. Tết ở đây buồn, tụi tôi không đi đâu nên thấy đoàn đến thăm là mừng lắm. Chúng tôi có quà, có lì xì, muốn ăn gì thì ăn, mua gì thì mua...".
Chương trình "Tết sẻ chia" của Báo Người Lao Động dự kiến trao 957 suất quà, trị giá hơn 478 triệu đồng (mỗi suất quà gồm 200.000 đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 300.000 đồng) cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi vì Covid-19, người bán báo dạo…
Bình luận (0)