Thảo Cầm Viên Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1864, là một trong tám vườn thú cổ nhất thế giới. Nơi đây không chỉ bảo tồn hàng trăm loài động thực vật quý hiếm mà còn là điểm tham quan nổi tiếng ở TP HCM.
Nhân dịp đầu năm mới, hãy khám phá "bộ sưu tập" động vật quý hiếm tại Thảo Cầm Viên, nơi bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm các loài nguy cấp.
Hổ Đông Dương: Hổ Đông Dương là một trong những loài hổ hiếm hoi còn sót lại trên thế giới, hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và săn bắt trái phép. Với vẻ ngoài oai hùng, thân hình săn chắc cùng bộ lông vằn đặc trưng, loài hổ này là biểu tượng của sự uy quyền trong thế giới tự nhiên.
Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, hổ Đông Dương được chăm sóc đặc biệt trong môi trường gần gũi với thiên nhiên, nhằm bảo tồn và nhân giống loài trước nguy cơ suy giảm số lượng. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì sự tồn tại của hổ Đông Dương mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ động vật hoang dã.
Hổ trắng: Hổ trắng, hay bạch hổ, là biến thể sắc tố của hổ Bengal với bộ lông trắng và vằn đen đặc trưng. Năm 2010, Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhập về hai chú hổ Bengal trắng từ vườn thú Elmvale, Canada. Đây là loài đứng đầu trong danh sách động vật cần bảo vệ.
Việc chăm sóc hổ trắng rất khó khăn vì chúng không thuộc loài bản địa tại Việt Nam, nhưng nhờ sự nỗ lực, hai chú hổ Bengal trắng đã sinh ra ba "bạch hổ con" khỏe mạnh.
Hiện tại, cặp hổ trắng Bengal tại Thảo Cầm Viên là hai chú hổ con được sinh ra cách đây 7 năm. Đây là kết quả thành công trong công tác bảo tồn loài hổ trắng.
Gấu chó: Gấu chó là loài nhỏ nhất trong họ gấu, với chiều cao trung bình khi trưởng thành từ 1,2 – 1,5m, trọng lượng dao động trong khoảng 25 – 65kg. Chúng sở hữu bộ lông dày, đen tuyền óng mượt, nổi bật với một mảng lông hình lưỡi liềm màu vàng sẫm trên ngực – dấu hiệu đặc trưng giúp phân biệt với các loài gấu khác.
Một đặc điểm độc đáo của gấu chó là chiếc lưỡi dài từ 20 – 25cm, giúp chúng dễ dàng liếm mật ong, bắt mối và kiến từ các hốc sâu. Đôi tai nhỏ, tròn, ít cử động, cùng đôi chân khỏe khoắn giúp chúng leo trèo thành thạo và thích nghi tốt với cuộc sống trong rừng rậm.
Không giống nhiều loài gấu khác, gấu chó không ngủ đông và có thể hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, khiến chúng trở thành một trong những loài gấu nhanh nhẹn và khó quan sát trong tự nhiên.
Báo lửa: Báo lửa là một trong những loài động vật quý hiếm và đang bị đe dọa trên thế giới. Chúng sở hữu bộ lông có màu đỏ da bò hoặc xám tro đặc trưng, với phần đuôi cùng màu thân và mặt dưới sáng hơn.
Loài báo này phân bố chủ yếu ở các khu vực rừng núi thuộc Ấn Độ, Myanmar, Nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Là loài thích nghi tốt với môi trường sống đa dạng, báo lửa có thể sinh sống ở rừng núi đất hoặc núi đá với các hệ sinh thái rừng khác nhau.
Chúng là những kẻ săn mồi nhanh nhẹn, thường hoạt động về đêm và có tập tính đơn độc. Với khả năng leo trèo điêu luyện, báo lửa thường di chuyển linh hoạt trên cây để săn mồi hoặc ẩn nấp khỏi những mối đe dọa.
Hiện nay, do tình trạng mất rừng và săn bắt trái phép, số lượng báo lửa trong tự nhiên đang ngày càng suy giảm, khiến loài này trở nên đặc biệt quý hiếm.
Voi Châu Á: Là loài động vật lớn nhất trên cạn tại châu Á, voi châu Á không chỉ sở hữu vẻ ngoài đồ sộ mà còn có trí thông minh và khả năng ghi nhớ tuyệt vời.
Hiện nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang chăm sóc 4 con voi đặt tên là: Chuông, Bô, Tôm, Ny. Trong đó, Chuông – "cụ voi" 65 tuổi là thành viên lớn tuổi nhất, trong khi cá thể trẻ nhất khoảng 32 tuổi. Con voi nặng nhất có trọng lượng lên tới 4,5 tấn.
Theo ông Mai Khắc Trung Trực, giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên, mỗi ngày, khẩu phần ăn của một con voi bao gồm 100 – 120 kg cỏ (món chính) cùng nhiều món phụ như: 5 – 10 kg cành cây non có lá, cà rốt, bí đỏ, mía…
Nguồn thức ăn này được đảm bảo đầy đủ và an toàn, trong đó cỏ và cành cây non được trồng tại Củ Chi, còn lại do các đơn vị cung cấp theo tiêu chuẩn dinh dưỡng. Ngoài ra, chúng còn được cho ăn cả bánh mì, khoai lang, cam… để khỏi bị ngán.
Hươu cao cổ: Hươu cao cổ là loài động vật có vú cao nhất trên thế giới, với chiều cao 5 – 6m và trọng lượng có thể lên tới 1.200kg. Điểm đặc trưng của chúng là bộ lông có những đốm nâu lớn, được ngăn cách bởi các đường viền trắng, giúp chúng ngụy trang hoàn hảo giữa thảo nguyên rộng lớn.
Hươu cao cổ sinh sống chủ yếu tại các vùng hoang mạc và thảo nguyên nam sa mạc Sahara – Châu Phi, nơi có khí hậu khô nóng. Chúng thường sống theo đàn từ 10 – 20 con, tạo thành một hệ thống xã hội linh hoạt và an toàn hơn trước kẻ săn mồi như sư tử hay linh cẩu.
Với chiếc cổ dài đặc trưng, hươu cao cổ có thể dễ dàng vươn lên những tán cây cao để tìm kiếm thức ăn, chủ yếu là lá cây, đọt non và đôi khi là các loại trái cây mềm. Nhờ cơ chế tiêu hóa đặc biệt, chúng có thể hấp thụ độ ẩm từ thức ăn, giúp tồn tại ngay cả trong những vùng khô hạn mà không cần uống nước thường xuyên.
Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, du khách có thể chiêm ngưỡng loài hươu cao cổ từ cự ly gần, quan sát cách chúng sử dụng chiếc lưỡi dài đến 50cm để cuốn lấy lá cây một cách điêu luyện. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội để tìm hiểu thêm về tập tính đặc biệt của loài động vật hiền lành này và nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã.
Hà mã: Hà mã là một trong những loài động vật có vú sống bán thủy sinh lớn nhất còn tồn tại trên trái đất, và được xếp vào hàng ngũ những con vật nguy hiểm nhất ở Châu Phi.
Dù sở hữu ngoại hình béo ú và dễ thương, nhưng hà mã lại có sức mạnh đáng kinh ngạc và tính cách rất khó đoán, khiến chúng trở thành một trong những sinh vật đáng sợ trong tự nhiên.
Với thân hình đồ sộ, hà mã có thể nặng lên tới 3.500kg, dài từ 3,5 – 5m và sở hữu bộ hàm mạnh mẽ với chiếc răng nanh sắc bén có thể cắt đứt bất cứ thứ gì cản đường. Mặc dù là loài động vật bán thủy sinh, hà mã dành phần lớn thời gian sống trong nước, đặc biệt là các sông ngòi và hồ nước ở các khu vực Châu Phi hạ Sahara.
Chúng thường di chuyển trong đàn và hoạt động chủ yếu vào ban đêm, khi chúng rời khỏi nước để tìm kiếm thức ăn. Thức ăn của hà mã chủ yếu là cỏ, và chúng có thể ăn tới 40 – 50 kg cỏ mỗi đêm.
Dù hiền lành khi ở trong môi trường tự nhiên, nhưng hà mã lại có thể trở nên cực kỳ hung dữ khi cảm thấy bị đe dọa hoặc xâm phạm lãnh thổ của mình.
Ngoài các loài nổi bật, nơi đây còn có các loài chim, bò sát, động vật lưỡng cư cùng nhiều loài động vật hoang dã khác tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Gấu mèo
Cùng nhiều loại động vật khác - Ảnh: Thảo Cầm Viên
Bình luận (0)