Đến Trường Sa hôm nay, dù trên đảo nổi, đảo chìm cũng đều bừng lên đầy sức sống mạnh mẽ, tươi vui, yêu đời của quân, dân đang ngày đêm "bám biển, giữ đảo". Minh chứng rõ ràng nhất là những vườn rau xanh, cây trái trĩu quả ngọt lành.
oOo
Những ngày tháng 4 vừa qua, đoàn công tác Quân chủng Hải quân Việt Nam và 164 đại biểu của TP HCM đến thăm đảo Đá Tây A (thuộc cụm đảo Đá Tây - còn được gọi là "thành phố" của những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà).
Bước chân lên đảo Đá Tây A, có thể cảm nhận được luồng sinh khí của cuộc sống hiện đại, năng động dù cách đất liền hơn 235 hải lý. Đảo có nhiều công trình kiên cố là chùa, trường học, nhà văn hoá đa năng, nhà máy sản xuất nước đá…
Nhưng điều quân, dân đảo Đá Tây A tự hào hơn là những vườn rau đã vươn lên xanh tốt ở nơi đảo xa này. Đặc biệt, họ còn trồng được dưa hấu.
Tại đây, chúng tôi tìm gặp "Mai An Tiêm" Trần Minh Đạt (thuỷ thủ thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - người đã trồng thành công những ruộng dưa hấu xanh mướt, trĩu quả trên đảo Đá Tây A.
Việc trồng được dưa hấu trên hòn đảo mang khí hậu đặc trưng của quần đảo Trường Sa này là một kỳ công khắc chế thiên nhiên mà anh thuỷ thủ "gốc nông dân" đã nỗ lực thực hiện.
Trung tá Lê Hữu Phước , Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, cho biết sau khi tiếp nhận vườn dưa hấu và kỹ thuật trồng dưa từ cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, quân, dân trên đảo đã chăm sóc và phát triển vườn dưa rất tốt.
Ở quần đảo Trường Sa hôm nay, không chỉ qua rồi cảnh "khát nước ngọt, thèm rau xanh" mà còn không lo thiếu nước để tưới cây. Bởi ngoài việc tận dụng nước mưa, nước thu lại từ sinh hoạt thì trên nhiều đảo nổi, đảo chìm còn có máy lọc nước biển thành nước lợ.
Ruộng dưa hấu trên đảo Đá Tây A có 200 dây, có dưa dài có hạt và dưa tròn không hạt. Mỗi dây dưa chỉ để lại một quả phát triển. Đây cũng là bí quyết mà anh Đạt áp dụng để quả dưa có thể đạt được kích thước "khủng" từ 6-8 kg.
Dưa hấu trồng ở đảo, trung bình 65 ngày có thể thu hoạch. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có thể trồng được một vụ, vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, khi sóng êm, biển lặng.
Do đặc thù trên đảo là cát san hô nên cây dưa không những cần nhiều phân bón hơn ở đất liền mà còn cần được tưới nước ít nhất 2 lần mỗi ngày.
Nâng niu những quả dưa hấu "khủng" được tạo ra bởi đôi bàn tay lao động cần cù, chịu khó của chính mình, anh Đạt nở nụ cười hạnh phúc.
Anh Đạt kể 6 năm trước, lần đầu bước chân lên đảo Đá Tây A, anh đã nghĩ đến chuyện tìm cách trồng thêm rau quả để vừa tăng thêm màu xanh cho đảo, vừa cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho mọi người.
Là người có kinh nghiệm canh tác dưa hấu trên đất liền, anh mạnh dạn đặt mua hạt giống gửi ra đảo để trồng thử nghiệm.
Không lâu sau đó, sự chăm chỉ, sáng tạo và tinh thần lạc quan của anh thủy thủ một lòng bám biển, giữ đảo đã được đền đáp xứng đáng bằng những vụ mùa dưa hấu thơm mát, ngọt lành nối tiếp nhau trĩu quả suốt 6 năm qua.
"Anh em trên đảo còn gửi dưa về tặng cho gia đình ở đất liền. Ai nấy đều bất ngờ vì không nghĩ ra đây vẫn trồng được dưa hấu, còn gửi về để làm quà" – anh Đạt nói, cười "tít mắt".
Trung tá Lê Hữu Phước, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, cho biết sau khi tiếp nhận vườn dưa hấu và kỹ thuật trồng dưa từ cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, quân, dân trên đảo đã chăm sóc và phát triển vườn dưa rất tốt.
"Dưa cho quả to và rất ngọt, không khác nhiều so với dưa hấu ở đất liền" - Trung tá Lê Hữu Phước nhận xét.
Tận mắt nhìn thấy vườn dưa hấu "khủng" trên đảo khiến đoàn đại biểu không khỏi thích thú. "Thành quả" này là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần lao động không ngừng, sự lạc quan, vui tươi, yêu đời của quân, dân "bám biển, giữ đảo" - một đại biểu chia sẻ.
Bình luận (0)