Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP do TAND tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ tháng 9-2019. Nghị quyết này cũng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khởi kiện chủ sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết là điều (Điều 5) quy định về nguyên tắc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018. Theo đó, đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 0 phút ngày 1-1-2018 thì không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 BLHS mà tùy từng trường hợp xử lý như sau:
a) Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
b) Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
c) Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Trước đây, cần phải có uỷ quyền của người lao động tại DN thì công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2018, những hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là tội phạm hình sự.
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp có thể bị phạt tù đến 07 năm, phạt tiền đến 3 tỉ đồng Điều 214 và Điều 215 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi gian lận bảo BHXH, BHTN, BHYT có thể bị phạt tù lên tới 10 năm.
Các hành vi bị xử phạt gồm: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH để hưởng các chế độ bảo hiểm liên quan.
Tùy vào số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại và trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đối với số tiền chiếm đoạt từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hành vi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Hình phạt cao nhất là phạt tù từ 5-10 năm nếu số tiền chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN, BHYT hoặc gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.
Điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù.
Phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm nếu trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người lao động.
Mức phạt tăng lên 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người.
Mức phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
Hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động cũng sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo số tiền, số người lao động bị trốn đóng bảo hiểm.
Đặc biệt, pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.
Bình luận (0)