img

(NLĐO) - Tổng giám đốc USAID Samantha Power đánh giá việc ứng dụng app xử lý rác thải nhựa của doanh nghiệp do một phụ nữ làm chủ tại TP HCM là một sáng kiến đổi mới sáng tạo cần nhân rộng. Ứng dụng này có thể áp dụng ngay tại Mỹ

Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power vừa có chuyến thăm Việt Nam (từ 6 đến 10-3) nhằm củng cố quan hệ đối tác Việt Nam - Mỹ vào thời điểm hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Trong thời gian tại Việt Nam, bà đã gặp gỡ sinh viên, cộng đồng người khuyết tật, nông dân, các doanh nghiệp, tổ chức địa phương và các quan chức chính phủ để thảo luận về quan hệ hợp tác hai nước về những ưu tiên chung, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư vào giáo dục đại học và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm.

Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ ấn tượng với app xử lý rác của doanh nghiệp nữ tại TP HCM - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Samantha Power (giữa) trao đổi với báo chí chiều 10-3 ở Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc

"Sau một tuần đến thăm Việt Nam, thăm sân bay Biên Hòa, thăm những người nông dân, đến chợ nổi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; và đã có cơ hội ăn bánh xèo - một món ăn vô cùng ngon, có một trận giao hữu bóng đá với cả các bạn sinh viên tại Việt Nam và có cơ hội được lắng nghe, chia sẻ của rất nhiều cá nhân về việc họ mong muốn đóng góp vào việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu… Tôi có hoàn toàn có thể thấy được triển vọng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam" - bà Samantha Power chia sẻ trong cuộc gặp gỡ với báo chí chiều 10-3 ở Hà Nội.

Nâng tầm từ quan hệ viện trợ lên đối tác thương mại

Bà Samantha Power nhấn mạnh USAID đang phối hợp với các đối tác, hỗ trợ Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, ví dụ ứng phó biến đổi khí hậu, vấn đề dịch bệnh, bảo tồn thiên nhiên môi trường, giáo dục, phát triển kinh tế....

"Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam để tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, để đảm bảo rằng chúng ta có thể xúc tiến thương mại, đầu tư và từ đó tạo ra công ăn việc làm nhất là cho thanh niên. Chúng tôi chờ đợi sự chia sẻ, những ưu tiên từ phía chính phủ Việt Nam, từ những người dân chúng ta. Chúng tôi liên tục tăng cường đối thoại với các bộ, ngành tại Việt Nam để xem ưu tiên của họ là gì. Điều quan trọng là lồng ghép các lĩnh mực, dự án với nhau để từ đó có được sự hỗ trợ tổng thể tốt hơn, toàn diện hơn cho Việt Nam" - Tổng giám đốc USAID nhấn mạnh.

Bà Samantha Power cho biết Mỹ mong muốn có thể hỗ trợ các quốc gia trong việc làm giảm sự phụ thuộc vào tài trợ hai bên, từ đó nâng tầm trở thành mối quan hệ thương mại và đối tác.

Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ ấn tượng với app xử lý rác của doanh nghiệp nữ tại TP HCM - Ảnh 2.

Tổng giám đốc USAID Samantha Power và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Dương Ngọc

"Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này. Không điều gì có thể ngăn trở được chính phủ và người dân Việt Nam. Chúng ta thấy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vô cùng ấn tượng, tỉ lệ nghèo giảm đáng kể. Cho dù đại dịch COVID-19 đã làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng mọi quốc gia khác, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng hai nước Việt Nam và Mỹ có thể chuyển từ mối quan hệ viện trợ để trở thành đối tác thương mại" - bà Samantha Power nói.

Trong tiến trình đó, USAID mong muốn được triển khai các dự án và chương trình tại Việt Nam. "Chúng tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm của mình khi làm việc tại Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Chúng tôi cảm thấy gắn bó với Việt Nam thông qua những chương trình trao đổi về giáo dục, du lịch, tìm hiểu lịch sử… từ đó cảm thấy đồng cảm và gắn bó với người dân Việt Nam. Chúng tôi luôn muốn lắng nghe, tìm hiểu những thách thức, khó khăn mà Việt Nam gặp phải, từ đó chọn ưu tiên để hỗ trợ"- bà Samantha Power khẳng định.

Tập trung giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh

Vào ngày 7-3, tới thăm sân bay Biên Hòa, bà Samantha Power cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, công bố một hợp đồng mới trị giá 73 triệu USD để xử lý và làm sạch đất tại sân bay Biên Hòa. Cũng tại sự kiện, hai bên đã ký bàn giao hoàn trả mặt bằng khu vực đầu tiên thuộc sân bay Biên Hòa sau khi xử lý sạch dioxin cho Bộ Quốc phòng Việt Nam và khánh thành một công viên ngay tại mảnh đất này.

img
img
img
img
img

Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Samantha Power tới thăm sân bay Biên Hòa. Ảnh: USAID

Bà Samantha Power cho biết USAID sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh bao gồm tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, nâng cao năng lực giám định ADN cho các nhà khoa học Việt Nam để tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh Việt Nam, cải thiện các dịch vụ y tế và xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng y tế, ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm… "Hiện nay có nhiều người vẫn mong chờ tìm được hài cốt người thân của mình hi sinh trong chiến tranh, như vậy công việc của chúng ta chưa thể hoàn tất" - bà chia sẻ

Trao đổi thêm về nâng cao năng lực giám định ADN cho các nhà khoa học Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper kể lại câu chuyện về một người mẹ già có con hi sinh trong chiến tranh. Bà chỉ còn 2 chiếc răng thôi, nhưng bà tâm sự bà phải chăm sóc 2 chiếc răng này để từ đó có AND để có thể xác định được hài cốt của con mình. Sau đó, bà đã tìm được hài cốt của con và bà đã qua đời năm 90 tuổi.

"Đây là một lĩnh vực mà chúng tôi hết sức quan tâm và những nỗ lực của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục được tăng cường trong lĩnh vực này để có thể giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Chúng tôi sẽ mang những công nghệ ADN tốt nhất, tiên tiến nhất đến Việt Nam, cho những cơ quan y tế tại Việt Nam, cơ quan giám định tại Việt Nam để có thể phân tích những mẫu mà chúng ta tìm được.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các nhà nghiên cứu tại Việt Nam có thể khai thác các nguồn dữ liệu từ Chính phủ Mỹ và tổ chức nghiên cứu của Mỹ để xác định hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam. Từ đó, hy vọng có thể giúp người dân tìm được con em mình đã hy sinh trong chiến tranh. Đây là quá trình lâu dài và khó khăn, đặc biệt khi quan hệ huyết thống càng xa càng khó xác định, nhưng Chính phủ Mỹ cam kết rất mạnh mẽ" - Đại sứ Marc Knapper khẳng định.

App thu gom, tái chế của doanh nghiệp nữ tại TP HCM có thể dùng tại Mỹ

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan ô nhiễm rác thải nhựa khi Việt Nam thải 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm, bà Samantha Powercho biết đây là vấn đề chúng ta đang phải đối mặt, USAID có rất nhiều hoạt động về vấn đề này.

Tại TP HCM, người đứng đầu USAID đã đến thăm một cơ sở khởi nghiệp do phụ nữ địa phương thành lập và quản lý để nghe giới thiệu về một ứng dụng đang hỗ trợ cho công việc của những người thu lượm ve chai nhằm đẩy mạnh tái chế rác đô thị và ngăn chặn rác thải nhựa đổ vào đại dương.

img
img
img

Bà Samantha Power thăm doanh nghiệp khởi nghiệp do một phụ nữ làm chủ ứng dụng app thu gom rác tại TP HCM. Ảnh: USAID

Chia sẻ ấn tượng với tinh thần doanh nhân của phụ nữ Việt Nam, bà Samantha Power nhắc đến việc doanh nghiệp này đã áp dụng một ứng dụng trên điện thoại (app) khuyến khích người lao động phi chính thức chia sẻ thông tin về chất thải có thể tái chế, đồng thời đã đã tuyển dụng các lao động để thu gom, tái chế rác thải.

Những người lao động tự do, người bán hàng rong, chạy xe thuê... có thể sử dụng ứng dụng này để chia sẻ thông tin về các chất thải có thể tái chế được và những lao động của doanh nghiệp này có thể sử dụng app để biết địa điểm có rác thải nhựa, tính toán được khối lượng có thể thu gom, tính toán xem có thể bán được bao nhiêu tiền...

Từ đó, nguồn rác thải nhựa được thu gom, tái chế chứ không bị đưa vào những bãi chôn lấp hoặc là đưa ra đại dương, đồng thời tạo sinh kế cho những người đi thu gom. Nhờ kết hợp một cách thức rất cổ điển với đổi mới sáng tạo công nghệ, chúng ta có thể giải quyết vấn đề để tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Đồng thời, theo bà, đây cũng là một minh chứng rất cụ thể cho vai trò của tổ chức cộng đồng, của khu vực tư nhân trong việc chung tay cùng Chính phủ giải quyết thách thức về môi trường một cách lâu dài, bền vững, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người cùng tham gia.

"Đây là một phần rất hay trong các chuyến đi này của tôi tại Việt Nam. Một đại diện từ Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia cùng đoàn cũng đã chia sẻ một cách rất nhiệt tình về tầm quan trọng của app này không chỉ đối với TP HCM mà đồng thời nó sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa.

Việc ứng dụng app này là một sáng kiến đổi mới sáng tạo cần nhân rộng. Ứng dụng này có thể áp dụng ngay tại Mỹ" - Tổng Giám đốc USAID khẳng định.

Nhiều lãnh đạo cấp cao Mỹ sẽ thăm Việt Nam

"Chuyến đi này của tôi góp phần minh chứng cho sự phát triển trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Có rất nhiều các lãnh đạo cấp cao từ Mỹ cũng sẽ có những chuyến thăm đến Việt Nam trong năm nay.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng của việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh giữa hai quốc gia. Hiện nay, mối quan hệ đó đã nở rộ, phát triển thành mối quan hệ đối tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả của nền giáo dục, phát triển ngành y tế và thúc đẩy phát triển kinh tế".

Dương Ngọc

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên