img

Vua ngọc trai Hồ Phi Thủy và cơ ngơi ngọc trai lớn nhất thế giới




Hành trang đến đảo Phú Quốc là 2 bàn tay trắng



Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 1.

Ông Thủy ân cần hỏi thăm chuyên gia người Nhật đang làm việc cho ông

Tiếp tôi trong cơ ngơi Ngọc trai Ngọc Hiền đồ sộ ở xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là người đàn ông rắn rỏi, phong thái đỉnh đạt và đầy khiêm nhường. Có lẽ quá trình làm việc và cộng tác lâu năm với người Nhật Bản khiến ông ảnh hưởng ít nhiều tác phong và cách cư xử của một ông chủ người Nhật.

Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 2.

Mỗi năm cơ sở ngọc trai của ông Thủy sản xuất 1 triệu viên ngọc, xuất ra thị trường quốc tế 1 tấn ngọc

Ông bảo rằng, do bản thân từng là người làm thuê nên ông thấu hiểu tâm tư và nỗi vất vả của người lao động. Từ đó, ông luôn yêu thương, biết ơn và trân trọng người làm việc cho mình, cũng như bao người lao động nghèo ngoài xã hội. "Tôi luôn xem người lao động như đối tác, cùng cộng tác để phát triển, không có khoảng cách địa vị, không phân biệt giàu nghèo. Gặp người làm thuê lớn tuổi hơn mình tôi vẫn phải cúi đầu chào"- ông Hồ Phi Thủy bộc bạch.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em tại miền biển Thạch Hà - Hà Tĩnh, năm 19 tuổi, ông Hồ Phi Thủy tốt nghiệp THPT nhưng không có điều kiện để học tiếp, phải khăn gói rời quê hương tìm sinh kế.


Một lần đang đi trên đường thấy nhóm thợ hồ hì hục dưới cái nắng như thiêu đốt, ông Hồ Phi Thủy dừng xe bước đến cười xã giao, hỏi tốp thợ hồ: “Thu nhập được bao nhiêu tiền một tháng?”. “Hai triệu đồng”. “Đi theo tôi làm ngọc trai, tôi trả bốn triệu đồng một tháng”. “Làm ngọc trai có vất hơn phụ hồ không?”. “Nhẹ hơn”. “Thế sao lại trả lương gấp đôi?”. “Tôi thích thế!”. Mấy người phụ hồ điện thoại cho chủ, rồi thu dọn đồ nghề, phấn khởi theo ông Thủy lên xe.
Ở Phú Quốc, từ dân lao động nghèo cho tới tầng lớp thượng lưu; từ người già đến người trẻ, ai cũng tỏ ra cung kính, ngưỡng mộ tấm lòng thương người và đức tính khiêm nhường của “vua ngọc trai” Hồ Phi Thủy.


"Hồi đó nhà tôi ở quê nghèo lắm, chỉ được ăn cơm trắng 1 bữa trưa, còn lại phải độn khoai. Một ngày giáp Tết như bây giờ, tôi theo bạn bè Nam tiến vào Phú Quốc với hành trang gói gọn chỉ vài bộ đồ và... 2 bàn tay trắng. Thật sự lúc đi tôi không có suy nghĩ cao xa gì, chỉ mong làm việc gì để có cơm ăn ngày 3 bữa, Tết có 3 bộ quần áo mới mang về là đủ"- ông Thủy hồi tưởng.

Buổi đầu ở vùng đất mới, mọi thứ đều xa lạ cho tới con người, nhờ lớn lên ở miền biển và có sức khỏe hơn người, ông nhanh chóng làm quen với công việc của thợ lặn. Ông chọn sống ở nhà người bạn ở Hòn Rỏi, một nơi hoang sơ và vắng vẻ thuộc quần đảo Phú Quốc nhưng được cái sơn thủy hữu tình. Nhà bạn có chiếc ghe nhỏ, hàng ngày ông theo ghe lặn biển mò tìm trai, ốc hoặc vỏ trai bán cho các xưởng sơn mài ở TP HCM và Bình Dương.


Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 3.

Một góc bộ sưu tập dưới đáy đại dương sau hơn 30 năm hoạt động của Công ty Ngọc trai Ngọc Hiền

"Khó có thể diễn tả được nỗi vất vả khi phải lênh đênh trên biển, phải làm việc quần quật nhiều ngày liền với nắng, gió và sóng dữ. Hầu như suốt ngày tôi trầm mình hàng trăm mét dưới đại dương để mò tìm sản vật bán chia đôi với chủ ghe. Đêm về nhức mắt ù tai, đầu óc cứ ong ong… mà thu nhập thì bấp bênh. Hôm nào may mắn thì kiếm được ngọc, được điệp, được cá thì có tiền, có chỉ vàng. Cũng có hôm lên bờ tay trắng"- ông kể.

Sau vài năm quần quật với biển cả, ông tích cóp được một số vốn nho nhỏ, rồi vay mượn thêm người thân, thậm chí vay thêm lãi suất cao để mua chiếc ghe nhỏ làm phương tiện mưu sinh.



Giữa lằn ranh sinh tử



“Bao năm xem thuyền là nhà, biển cả là quê hương”- là thông điệp mà ông Hồ Phi Thủy ghi trên mũi con thuyền được đặt trang trọng ngay sảnh lớn khu trưng bày ngọc trai của Công ty Ngọc Hiền.

Ông Thủy trân quý đặt tên cho con thuyền là “Ngọc”. Bồi hồi nhớ lại khi xưa, ông bảo những có lúc khó khăn ông đã 6 lần đem bán con thuyền của mình, nghĩ khi nào có tiền sẽ mua lại. Thế nhưng, trong cả 6 lần bán đi, con thuyền cứ hoàn về cố chủ như là định mệnh. Tất cả những chuyện ly kỳ xảy ra khiến ông Thủy tin rằng giữa ông và con thuyền có một mối nhân duyên đặc biệt không thể tách rời.

Năm 1997, siêu bão Linda càn quét qua nhiều vùng biển miền Tây và Phú Quốc. Ông Thủy cùng hàng trăm ngư dân đưa tàu đi tránh bão. Thế nhưng, khi bão kéo đến, tàu của ông bị mắc vào dây neo của ai đó vứt lại, không thể di chuyển được. Ông đành phải bỏ ghe, chạy tìm nơi trú ẩn.

Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 4.

Ông Hồ Phi Thủy bên chiếc thuyền đã giúp ông thoát chết trong bão Linda 1997

"Tôi nấp vào một hẻm đá, bất lực nhìn chiếc ghe của mình bị vùi dập trong sóng dữ, hết va vào bờ rồi lại trôi ra xa. Khi bão tan, tôi xót xa nhìn quanh toàn những xác tàu bè vỡ vụn và cả thi thể người trôi dạt lềnh bềnh. Lạ lùng thay, chiếc ghe của tôi chỉ bị vỡ một mảnh nhỏ, cứ như có một bàn tay vô hình che chở"- ông Thủy nhớ lại giây phút kinh hoàng.

Ông Thủy bần thần đứng trên bờ nhìn chiếc ghe và cảnh chết chóc xung quanh mà ứa nước mắt. Ông thầm nghĩ, nếu lúc đó chiếc ghe không vô tình mắc dây ở lại thì chắc ông đã bỏ thây giữa trùng khơi như hàng ngàn con người khác trong cơn bão dữ. Từ đó, chiếc ghe đối với ông là một cái gì đó rất thiêng liêng.

Vậy mà, sau lần đối diện với lằn ranh sinh tử đó, ông Thủy lại muốn đoạn tuyệt với cái nghề lặn biển đầy bất trắc, quyết định bán ghe với giá 20 lượng vàng để lên bờ lập nghiệp.

Nhận cọc bán ghe được 2 lượng vàng, ông Thủy mang số vốn lận lưng đi TP HCM lập nghiệp. Được một thời gian thì người mua bỏ cọc, trả lại ghe, ông lại phải quay về Phú Quốc, tiếp tục những ngày tháng mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió. "Sau đó tôi đã bán ghe thêm 5 lần nữa nhưng bằng cách nào đó, nó vẫn cứ trở về với tôi như là định mệnh. Và bây giờ thì nó đã... lên bờ cùng với tôi"- ông Thủy trần tình.

“Bao năm xem thuyền là nhà, biển cả là quê hương, tôi thấy bình yên với nó. Cũng giống như những người dân vùng biển, dù có phải sinh nghề tử nghiệp họ vẫn gắn chặt cuộc đời mình vào mỗi con thuyền, chìm nổi theo con sóng, ngọn gió”
Hồ Phi Thủy



Tinh thần lập nghiệp khiến người Nhật phải nể


Lần thứ 6 ông Thủy bán ghe là bán cho Công ty Okawa của Nhật, chuyên về nuôi cấy ngọc trai. Qua những lần tiếp xúc, ông chủ người Nhật nhận thấy ông Thủy là người có năng lực nên đề nghị ông vào làm công ăn lương và mua lại ghe của ông.


Đồng ý làm việc cho công ty Nhật Bản nhưng người thanh niên này khiến các ông chủ phải ngỡ ngàng vì từ chối tiền lương. "Người Nhật họ rất quan trọng lương bổng. Làm bất cứ việc gì, điều đầu tiên họ quan tâm là được trả lương bao nhiêu. Tôi từ chối nhận lương làm họ bất ngờ, khó tin. Nhưng thật lòng mà nói thì lúc đó tôi đã nghĩ khác. Tôi rất cần tiền, nhưng cái tôi cần lớn hơn là kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai của họ"- ông Thủy chia sẻ về những buổi đầu khởi nghiệp.


Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 5.

Khu trưng bày ngọc trai của ông Thủy được xác lập kỷ lục thế giới

Công việc của ông Thủy vẫn không tách rời với chiếc ghe đã bán cho công ty, nhiều lúc vẫn phải lặn biển. Do lặn giỏi và mang lại năng suất cao nên ông được ông chủ Nhật Bản tin tưởng giao cho nhiều công việc hơn những công nhân khác. Nhờ đó mà ông có điều kiện học hỏi kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai qua các công việc như lặn biển, thăm dò, kiểm soát vùng nuôi cấy và theo dõi xử lý ngọc trai của công ty.


Không lâu sau thì diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ty ông Thủy đang làm phải tuyên bố phá sản. Các ông chủ người Nhật rút về nước, bàn giao lại cho ông toàn bộ trang thiết bị cùng khoản nợ lương nhân viên.


Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 6.

Ông Thủy ân cần thăm hỏi nhân viên

Tôi biết ơn và trân trọng người làm việc cho mình, cũng như bao người lao động nghèo ngoài xã hội. “Tôi luôn xem người lao động như đối tác, cùng cộng tác để phát triển, không có khoảng cách địa vị, không phân biệt giàu nghèo
Hồ Phi Thủy

Sau nhiều ngày trăn trở, ông Thủy quyết định không bán đi tài sản của công ty để trả nợ lương cho nhân viên mà đưa ra quyết định bước ngoặc của cuộc đời.


Ông dồn hết những đồng vốn tích cóp được của mình, cộng với số tiền vay mượn người thân, người quen để mua lại toàn bộ trang thiết bị của công ty. Số tiền 300 triệu đồng đầu tư ban đầu là quá lớn đối với người thanh niên nghèo ở thời điểm thập niên 90. Ông tâm sự: "Nhiều đêm tôi không ngủ được khi ôm lấy đống đồ nghề và cơ ngơi này. Tôi tự nhủ với lòng chỉ được thành công, không được thất bại. Trong vòng 5 tháng, tôi đã giúp công ty thanh toán lương cho toàn thể công nhân viên. Sau đó, tôi mời ông Horikiri - đại diện công ty Okawa - quay lại Phú Quốc và tự tay giao lại toàn bộ số tiền bán tài sản công ty. Ông Horikiri xúc động nói rằng trong đời làm giám đốc hưởng lương, ông chưa từng cầm một lúc số tiền lớn như vậy"- ông Thủy kể.


Cũng chính nhờ mối hảo giao thâm tình này đã giúp ông Hồ Phi Thủy mời được các chuyên gia người Nhật và những người cộng sự tốt bụng cùng mình thành lập công ty Ngọc trai Ngọc Hiền vào năm 1994.


Làm chủ cơ ngơi ngọc trai lớn nhất thế giới



Trải qua hơn 30 năm, công ty ngọc trai của ông Thủy đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng với du khách trong nước và quốc tế. Ông vẫn không ngừng tham vọng mở rộng các dự án nuôi cấy ngọc trai chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhưng phù hợp với điều kiện tự nhiên.


Chuyện đời ly kỳ của "vua ngọc trai" Phú Quốc- Ảnh 7.

Khu nuôi cấy ngọc trai rộng 1.000 ha của ông Thủy

Hiện, ông Thủy đang triển khai dự án nuôi cấy ngọc trai 1.000 ha tại ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, TP Phú Quốc. Dự án này đạt năng suất khoảng 1 triệu viên ngọc mỗi năm. Kinh phí đầu tư cho dự án là 480 tỉ đồng, bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.


Ông Thủy tự hào khẳng định: "Khu nuôi cấy ngọc trai của chúng tôi hiện có quy mô lớn nhất thế giới. Mỗi năm công ty xuất khoảng 1 tấn ngọc ra các thị trường nước ngoài. Đây cũng là nơi cung cấp nguồn ngọc trai lớn nhất thế giới".


"Con thuyền" Ngọc trai Ngọc Hiền vẫn tiếp tục hướng về biển lớn, vượt sóng gió ra khơi đầy mạnh mẽ như chính ông chủ của nó.


Một lãnh đạo của TP Phú Quốc cho biết ông Hồ Phi Thủy là người đi đầu trong kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc. Vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định cho doanh nghiệp của ông Thủy thuê 1.000 ha mặt nước biển để thực hiện dự án nuôi cấy ngọc trai có quy mô nhất thế giới.

Doanh nghiệp này không chỉ đóng góp rất lớn cho Phú Quốc về mặt kinh tế mà còn về bảo tồn sự đa dạng sinh học khi thường xuyên thả trai giống, rùa… về biển. Đây cũng là một trong những đơn vị đóng góp an sinh xã hội nhiều nhất cho TP Phú Quốc trong nhiều năm qua.

Theo ông Đỗ Thành Trung, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn An Thới, hồi mới ra Phú Quốc lập nghiệp, ông Thủy thuê nhà tại thị trấn An Thới (nay là phường An Thới) để ở. Từ ngày thành ông chủ, năm nào anh Thủy cũng tặng cho bà con An Thới 6 căn nhà tình thương và góp với địa phương kinh phí làm công tác xã hội….

Người dân và các doanh nhân ở Phú Quốc còn truyền tai nhau rằng ông Hồ Phi Thủy mỗi khi ông đi bằng xe ô tô từ Bắc vào Nam và ngược lại, cứ gặp người nghèo, người không kế sinh nhai là ông Thủy dừng lại cho tiền, hỏi thăm hoàn cảnh, rồi mời họ ra Phú Quốc làm việc.

Hiện các cơ sở kinh doanh, nuôi cấy ngọc trai của ông Thủy ở Phú Quốc và một số đảo khác có hơn 300 lao động, phần lớn đều được ông Thủy đưa về theo cách ấy.

Danh Trường, một thanh niên đen sạm, rắn rỏi cho biết hơn 10 năm nay anh đã là một phần của Ngọc trai Ngọc Hiền. "Hồi đó tôi không có việc làm, sống vất vơ vất vưởng, may mắn được chú Thủy nhận vào công ty, giờ tôi đã thành thạo mọi thao tác trong việc nuôi cấy ngọc trai. Khi tôi kết hôn, chú Thủy còn xây riêng cho vợ chồng tôi 1 căn phòng 30m2 tại khu nuôi cấy ngọc trai của công ty làm tổ ấm"- Trường tâm sự.


NỘI DUNG - ẢNH - TRÌNH BÀY

Duy Nhân


Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên