ầm trên tay số tiền hơn 2.000 USD cùng 5 triệu đồng, bà thoáng nghĩ: "Với số tiền này, mình làm được biết bao việc, sửa được căn gác cho con út có chỗ nghỉ ngơi…" nhưng rồi nghĩ đến cảnh người nào đó phải lo lắng khi đánh mất số tiền quá lớn và gặp nhiều phiền phức khi làm lại giấy tờ, bà đem trả lại số tiền ấy cho người đánh rơi. Bà là Trần Thị Tuyết Hoa, nhân viên tạp vụ Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, TP HCM.
à Hoa năm nay 56 tuổi, làm tạp vụ tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận được 18 năm. Trước đây, bà Hoa làm nghề bán hủ tíu ở vỉa hè, hôm lời, hôm lỗ. Chồng bà khi ấy làm bảo vệ cho rạp hát Phú Nhuận, lương mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Có ngày bà cầm 10.000 đồng ra chợ đứng tần ngần không biết mua gì. Mỗi sáng, cả nhà đều phải ăn cơm nguội rang lại. Hôm nào sang lắm thì mua tô bánh canh về bỏ cơm nguội vào để 3 mẹ con cùng ăn. Rồi chồng chuyển sang làm bảo vệ Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận. Năm 2000, trung tâm cần tạp vụ, bà xin vào làm.
Mức lương tạp vụ hiện nay là 3.280.000 đồng/tháng, lương bảo vệ của chồng là 3.400.000 đồng/tháng. Thế nhưng bà chưa tham lam cái gì dù rất nhiều lần nhặt được ví tiền, trang sức, điện thoại… của khách bỏ quên.
Mới đây, khi quét dọn phòng diễn kịch, bà thấy có chiếc ví bên trong chứa toàn đô la Mỹ cùng rất nhiều tiền Việt và giấy tờ. Nhớ tới cảnh khó khăn, căn nhà cấp 4 lụp xụp có 28 m2 của mình, bà ước ao có số tiền này. Bà kể: "Đó là số tiền lớn nhất mà trước giờ tôi thấy được. Nếu muốn lấy làm của riêng, tôi chỉ cần bỏ vào giỏ xách, không ai phát hiện được nhưng nghĩ đến cảnh nếu đây là số tiền của người bị đánh rơi đang cần chữa bệnh cho người thân hoặc để mua sắm gì đó, tôi đã đem gửi các anh bảo vệ. Mọi người đếm và lúc đó tôi mới biết có hơn 2.000 USD cùng 5 triệu đồng. Trả được món tiền này cho khách, tôi vui lắm".
Việc trao trả cũng được ban giám đốc trung tâm thực hiện chứ bản thân bà chưa gặp được những người đánh rơi bao giờ. "Nhưng mấy anh bảo vệ kể lại họ gửi lời cảm ơn tôi nhiều lắm"- bà cười hiền lành. Và trong lần mới đây, người đánh rơi số tiền lớn trên gửi tặng bà hộp bánh trung thu. Bà cũng không mang về nhà mà mời tất cả mọi người cùng ăn.
gười cao chưa đầy một mét rưỡi, nặng vỏn vẹn 45 kg thế nhưng bà rất khỏe, nhanh nhẹn. Hơn 18 năm làm việc, bà vẫn cần mẫn bên cái chổi, cây lau, thùng rác, xe rác… Làm việc trong môi trường độc hại, khối lượng công việc khá nhiều, tổ chỉ có người choàng gánh cho nhau thế nhưng bà chưa bao giờ than thở hay bê trễ. Khi hỏi về công việc, bà nở nụ cười thật hiền: "Nghề nào cũng cao quý miễn sao là lao động chân chính".
Công việc hằng ngày của bà bắt đầu từ 6 giờ, quét dọn hội trường, văn phòng, cầu thang, thu gom rác, đổ rác... Không kể thời gian sớm tối, nếu công việc đòi hỏi tăng ca, bà đều ở lại. Mỗi tuần, trung tâm cũng có từ 2-3 tiệc cưới, bà tình nguyện ở lại phục vụ đến khuya. "Mỗi tiệc, tôi được trả thêm tiền phục vụ 60.000 đồng. Nếu chịu khó cũng có thêm ít tiền đi chợ, cải thiện bữa ăn cho cả nhà"- bà tâm sự.
Bà còn được biết đến như người vợ hiền lành, người mẹ đảm đang. Gần 30 năm, ông bà cưới nhau nhưng họ vẫn chưa cự cãi bao giờ. Cô con gái lớn của bà đang là nhân viên bán hàng và có gia đình, cô con gái nhỏ tốt nghiệp cao đẳng và đang làm tại công ty thực phẩm.
Bà bộc bạch: "Cô con gái út bảo mẹ nghỉ đi chứ con không nỡ thấy mẹ cực khổ nhưng tôi thường bảo mẹ còn khỏe lắm. Được lao động, được giúp ích cho xã hội thì phải làm. Tôi không giàu có, không có địa vị trong xã hội nhưng thấy gia đình êm ấm, hai con có việc làm đàng hoàng. Tôi nghĩ như thế là mình may mắn".
Bình luận (0)