Tại Kênh Tân Trụ (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM), sau khi hoàn thành bữa sáng chóng vánh với ổ bánh mì, các bạn trẻ Nhóm Sài Gòn Xanh mặc dụng cụ bảo hộ, mang găng tay và bắt tay vào dọn dẹp. Để nhanh chóng hoàn thành công việc, các thành viên phân công mỗi người mỗi việc và phối hợp khá nhịp nhàng: người cào rác, người hốt rác, người kéo rác lên bờ và những người còn lại gom rác nổi trên bề mặt kênh.
Nhóm Sài Gòn Xanh được thành lập hơn 3 tháng, ban đầu chỉ có 2 thành viên, sau đó kết nạp thêm 7 bạn trẻ để nỗ lực "thay áo" mới cho các kênh rạch ô nhiễm ở TP HCM. Anh Nguyễn Lương Ngọc (27 tuổi), Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh, cho biết nhóm được thành lập vì được truyền cảm hứng từ nhóm Padawara ở Indonesia, những người làm việc "Dơ nhất, khổ nhất và lạ nhất". Thành viên trong nhóm đều là lao động trẻ (nhân viên phục vụ nhà hàng, chạy Grab…) và sinh viên, ở tuổi 9X, 2.000.
Công việc dọn rác của nhóm thường được bắt đầu từ rất sớm, do các thành viên phải đi làm để trang trải cuộc sống. Mỗi tuần, nhóm đi dọn rác, làm sạch kênh rạch khoảng 4-5 lần. Đi đường, thấy rác ở đâu, nhóm lại tập trung đến, dùng điện thoại quay video khảo sát trước rồi lên kế hoạch thu gom. Để đảm bảo an toàn, ngoài một số dụng cụ cơ bản như rổ lớn, bịch nilon và cào, dây..., các bạn trẻ còn phải mang 3 lớp găng tay gồm găng tay y tế trong cùng, tiếp đến là găng chống cắt, ngoài cùng là loại găng tay chống nước.
Hoạt động chưa lâu, nhóm Sài Gòn Xanh đang tìm kiếm các giải pháp tốt để xử lý lượng rác thải sau khi dọn dẹp trên các kênh rạch. Thông thường sau mỗi lần thu dọn, nhóm sẽ liên hệ với địa phương, công ty môi trường đô thị để đưa rác đến các bãi rác. Từ dụng cụ làm việc, đồ bảo hộ đến chi phí tiêm ngừa, các thành viên trong nhóm đều tự trang bị. Chi phí mua túi ni lông để đựng rác (khoảng 1 triệu đồng/lần) cũng do nhóm tự bỏ ra. Tại mỗi điểm, nhóm thu gom trên 10 tấn rác đủ loại, trong đó không ít những vật nguy hiểm, sắt nhọn.
Theo bà Hồ Thị Út, Tổ phó Tổ 108 Khu phố 8, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM, Kênh Tân Trụ thường được dọn vét mỗi năm một lần nhưng do 2 năm liền ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc này không thực hiện. Đoạn kênh Khu phố 8 ở giữa nên rác từ thượng nguồn đổ về, kẹt lại thành một lớp cao. Mỗi khi trời mưa, dòng kênh không chảy được gây ngập úng, người dân rất bất tiện trong sinh hoạt. Bà Út cho hay: "Thấy các em, các cháu chịu cực khổ lặn xuống dòng kênh đen dọn rác, người dân ở xung quanh rất cảm động và sẽ cố gắng để giữ gìn dòng kênh sạch đẹp".
Trong buổi sáng làm việc tại Kênh Tân Trụ, chúng tôi gặp anh Artliras Balynas (người Ba Lan), là giáo viên dạy ngoại ngữ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, đang ngâm mình dưới dòng kênh đen để cào rác. Anh Artliras cho biết tại nơi sinh sống tuy không có nhiều rác như ở Việt Nam nhưng việc dọn dẹp cũng được các bạn trẻ thường xuyên thực hiện. "Khi xem trên Tiktok, tôi thấy việc làm của các bạn quá tuyệt vời nên đăng ký tham gia. Vậy là tôi đã có 2 lần tham gia dọn rác tại các kênh rạch. Không chỉ tham gia, tôi còn truyền tải thông điệp giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường đến các em học sinh mà tôi giảng dạy"- anh Artliras bộc bạch.
Anh Lương Ngọc cho biết hầu hết các loại rác thải dưới kênh rạch đều độc hại, thỉnh thoảng còn có kim tiêm dính máu. Ngoài găng tay, các thành viên của nhóm còn trang bị những trang phục bảo hộ chuyên dụng và tiêm vắc xin uốn ván trước khi xuống kênh dọn rác. Trước khi làm, nhóm đều liên hệ với chính quyền địa phương để tạo điều kiện và nhờ hỗ trợ việc xử lý rác sau khi dọn dẹp nhưng không phải nơi nào nhóm cũng được chào đón nhiệt tình.
Khi làm, nhóm có livetream và đăng trên Facebook, Tiktok mang tên nhóm nhưng bên cạnh các lời động viên cũng có những comment như "Ăn cơm nhà, làm việc người ta", "Những người này rảnh thiệt", "Ngụp lặn dưới kênh đen thúi òm mà không thấy gớm à"… "Nhiều khi chúng tôi cũng chạnh lòng nhưng nghĩ đến hình ảnh dòng kênh sạch rác, TP sẽ xanh, ai cũng vui vẻ trở lại"- chị Lê Ngọc Hà, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tài Chính Marketing TP HCM, chia sẻ.
VIDEO SAI GON XANH
Bên cạnh những comment ác ý thì nhóm cũng được nhiều tình cảm thân thương, những lời động viên, cổ vũ khác. Khi thấy cả nhóm đang vất vả dẹp dọn, có người ship ngay cho các bạn mấy chai nước suối hay vài ổ bánh mì, có người gửi tặng 1 triệu đồng cho bữa ăn trưa của cả nhóm.
Hiện có rất nhiều tình nguyện viên muốn tham gia nhóm nhưng dụng cụ bảo hộ lao động chỉ có 5 bộ nên cũng không đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Anh Lương Ngọc bày tỏ: "Nhóm mong muốn được trang trị thêm dụng cụ bảo hộ và tất cả tình nguyện viên đều được tiêm ngừa uốn ván vì việc trầy xước khi đang làm là không tránh khỏi. Hiện chỉ có 9 thành viên thường trực đã được tiêm ngừa, các bạn còn lại vẫn chưa. Song song đó, nhóm dự định vớt rác trên Sông Sài Gòn nên rất cần áo phao và dây dù để kéo rác".
Khi chia sẻ về dự định tương lai, Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh Nguyễn Lương Ngọc cho hay anh và các thành viên ấp ủ sẽ sửa đường ống thoát nước, tham gia xây dựng nhà vệ sinh các trường học, sơn các bức tường loang lỗ, trồng cây xanh… "Chúng tôi mong muốn tất cả mọi người đều cố gắng để co một TP HCM thật sự xanh"- anh Ngọc chia sẻ.
Dù mới hoạt động nhưng nhóm bạn trẻ đã làm thay đổi diện mạo của nhiều "điểm đen" về rác thải như: Kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) và các kênh rạch ở quận 12, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức… Như đoạn Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), trước nay rác như chai lọ, áo quần cũ, xác động vật... được đổ thẳng xuống kênh. Khi nước ròng, mặt kênh trơ đáy lộ nhiều vật dụng nằm lẫn trong lớp bùn đen kịt. Chất thải từ nhà vệ sinh các gia đình xả thẳng xuống nước. Giữa trời trưa nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Dòng kênh bắt đầu ô nhiễm khi người dân chuyển đến sống ngày càng đông. Những căn nhà "chống nạng" được dựng lên nằm xiêu vẹo, bên trên quây tôn hoen rỉ, mục nát. Nhà vệ sinh, nơi giặt giũ, nấu nướng... được người dân tận dụng mọi khoảng không cơi nới, đổ mọi chất thải xuống kênh. Sau 3 ngày dọn dẹp, Nhóm Sài Gòn Xanh đã kéo lên hàng chục tấn rác. Dòng kênh thông thoáng, mùi xú uế giảm hẳn.
Ông Nguyễn Thanh Đức (51 tuổi, ngụ ở phường 2, quận Bình Thạnh) vui mừng bày tỏ: "Rạch Xuyên Tâm vẫn là con rạch ô nhiễm nhưng khi có các em đến dọn dẹp đã đỡ hẳn. Chúng tôi sẽ cố gắng nhắc nhau bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh nơi mình sống".
Nhận xét về Sài Gòn Xanh, ông Lê Đình Vũ Hoàng, cán bộ địa chính phường 15, quận Tân Bình, TP HCM, cho biết: "Khi nhóm liên hệ để dọn rác, cán bộ phường cũng rất phân vân nhưng qua tìm hiểu biết các bạn rất nhiệt tình và từng làm sạch nhiều nơi nên phường nhận lời và hỗ trợ thu gom rác, dụng cụ… Quả là khi làm, các bạn trẻ Sài Gòn Xanh vô cùng năng động, không ngại gian khổ, xông vào những nơi khó khăn nhất. Các thành viên của nhóm rất xứng đáng với chất trẻ của thanh niên hiện đại".
Bình luận (0)