Đại tá kể chuyện đào hào Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đại tá Dương Chí Kỳ (SN 1935, quê tỉnh Hà Tĩnh) xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1953, ông gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Đầu năm 1954, ông bước vào hàng ngũ quân đội và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.
Đã 70 năm trôi qua, nhưng ông Dương Chí Kỳ vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội danh dự Trung đoàn 174 khi về thăm Trung đoàn (năm 1978). Ảnh: TTXVN
Theo ông Dương Chí Kỳ, công việc đào hào tại Điện Biên Phủ diễn ra trong điều kiện vô cùng gian khổ. Cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ đào hào chỉ có cuốc, xẻng thô sơ, hằng ngày phải đối mặt với bên trên là hỏa lực mạnh của địch, dưới là đất đá, sỏi gồ ghề. Dù vậy, mỗi chiến sĩ đều tình nguyện làm việc liên tục suốt 14 đến 18 tiếng mỗi ngày, bất kể ngày đêm, nắng mưa. Có những chiến sĩ phải đào hào bằng tay trần, thậm chí dùng cả móng tay để cào đất đá. Thiếu ngủ, đói khát và mệt mỏi là những điều mà các chiến sĩ phải đối mặt mỗi ngày. Không những thế, họ thường xuyên bị bom đạn địch bắn phá, bom mìn nổ tung khiến nhiều người hy sinh hoặc bị thương.
Trong 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 đóng vai trò chủ công trong các đợt tấn công, góp phần vào việc làm chủ hoàn toàn Đồi A1.
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6-5-1954. Ảnh: TTXVN
Từ ngày 1 đến 7-5-1954, ta mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 964 kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954 đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên Đồi A1 – vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Đêm ngày 6-5, tại Đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Trong ảnh: Đồi A1 bị ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN
Ông Kỳ kể: "Trung đoàn tôi được bố trí ngoài Đồi A1, làm hầm và chuyển đạn, chuyển pháo… từ tối 5-5. Tối 6-5 tham gia cùng hỏa lực binh chủng, pháo binh tấn công vào Đồi A3, A1, Mường Thanh, đến chiều 7-5 thì quân Pháp xin đầu hàng.
Tối 6-5-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch gửi mệnh lệnh cho các đơn vị trên các hướng tiến công vào các vị trí còn lại ở Điện Biên Phủ. (Nội dung bút tích:“1- Thời gian quyết định đúng 8 giờ 30 phút, không được chậm. 2- Nếu 8 giờ rưỡi thì: a) Đồi A1 bộc phá; b) B26 (Hỏa tiễn 6 nòng) bắn tập kích lần thứ 1; c) Bộ binh các hướng đều xung phong; d) Hang Cung (phía Hồng Cúm) lập tức chế áp địch. 3- Thời gian trên nhất định phải giữ cho đúng để thực hiện bộ pháo (bộ binh, pháo binh) hợp đồng chặt chẽ, các nơi phải lấy giờ cho đúng. (kí danh: Ngọc, 8 giờ 15) (chữ ký Ngọc là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch)
Lính Pháp đầu hàng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng chiều 7-5-1954. Ảnh: TTXVN
Lúc bấy giờ, 56 ngày đêm của quân đội đã trở thành chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu".
Ngày 7-5-1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. Ảnh: TTXVN
Sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1960, ông Kỳ thi vào Khoa Cơ khí thuộc Trường Đại học Nông Nghiệp ở Hà Nội. Sau đó, ông trở thành sĩ quan của quân đội phục vụ trong quân chủng tên lửa. Cuộc đời ông Dương Chí Kỳ gắn liền với quân ngũ từ lúc 19 đến 63 tuổi, quân đội đã rèn luyện ông trở thành một cán bộ, đảng viên với 70 năm tuổi đảng. Sau khi về hưu, ông chuyển vào TP HCM sinh sống và làm trưởng khu phố tại địa phương. Hiện ông vẫn tham gia những công tác của hội cựu chiến binh tại địa phương.
Đại tá Dương Chí Kỳ và ông Trường Sĩ Trì (cựu chiến binh Điện Biên Phủ).
Bình luận (0)