GS-TS Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci & Giám đốc phát triển quốc tế De Vinci Higher Education - nhấn mạnh lòng tin chiến lược là cơ sở quan trọng để Việt Nam và Mỹ nâng cấp thẳng quan hệ lên mức cao nhất: Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tuy không phải là tất cả nhưng việc nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng của khu vực là một ưu thế của Việt Nam. Chúng ta còn có nền kinh tế mở và năng động, nguồn lực con người đang trong giai đoạn tích lũy và phát triển mạnh mẽ. Đối với ASEAN, vai trò của Việt Nam trong ổn định, hòa bình và hợp tác phát triển của khu vực cũng ở mức rất cao. Với những lợi thế đó, việc Việt Nam cùng Mỹ định hình và đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới là điều tự nhiên.
Về vấn đề này, tôi thấy có hai điều cần làm rõ.
Thứ nhất, Việt Nam rất kiên định với chính sách đối ngoại và hợp tác phát triển quốc tế của mình. Đó là không chọn bên mà chọn làm bạn với các quốc gia trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, hòa bình, ổn định, hợp tác cùng có lợi.
Thứ hai, trong mối quan hệ chung giữa Việt Nam với hai nước lớn, cũng là hai Đối tác Chiến lược Toàn diện là Trung Quốc và Mỹ, cần nhận diện rõ tính chất cạnh tranh chiến lược.
Như đã nói ở trên, ngoài vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam còn sở hữu nhiều lợi thế tiềm năng khác. Trong quan hệ giao thương với Mỹ, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của đối tác lớn này; năng lực sản xuất của chúng ta bắt đầu thoả mãn được những tiêu chuẩn kỹ thuật của các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác sau đại dịch COVID-19 phải tìm đến những thị trường, đối tác mới phù hợp và hiệu quả hơn; đưa trung tâm sản xuất đến những quốc gia mà họ tin tưởng.
Ở đây, lòng tin chiến lược là mấu chốt quan trọng bởi nếu không có điều này thì một quốc gia dù sở hữu vị trí chiến lược quan trọng cũng khó lòng thu hút các đối tác lớn dịch chuyển đến.
Có nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển mới với những đòi hỏi mới về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đáp ứng, tương thích với chính sách quản trị, hoạt động sản xuất - kinh doanh và nguồn nhân lực phát triển ở bậc cao của doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng phải hướng đến mô hình phát triển kinh tế hiện đại, bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo.
Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư gần đây không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu, thách thức lớn đối với chúng ta. Cụ thể, cần nhanh chóng đáp ứng yêu cầu về hạ tầng cứng - gồm hạ tầng giao thông, logistics... và hạ tầng mềm - gồm nguồn nhân lực, môi trường đầu tư, tính thực thi của pháp luật... Vượt qua được những thách thức, áp lực này để thu hút các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đầu tư vào thì đồng nghĩa Việt Nam cũng tạo dựng được lòng tin với hầu hết thị trường khác trên thế giới, từ thị trường truyền thống đến các nước công nghiệp hiện đại.
Ba nội dung trên chính là 3 đột phá chiến lược mà Việt Nam đang tập trung thực hiện nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả của nền kinh tế. Với những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn nội tại, đúng là chúng ta phải nỗ lực ở mức cao nhất để tháo gỡ.
Đầu tiên, về nguồn nhân lực, thực tế rất rõ là hầu hết chương trình đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều lĩnh vực mới, nhất là những lĩnh vực được mở rộng sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, chẳng hạn sản xuất chip, chất bán dẫn.
Ví dụ, đối với ngành công nghiệp bán dẫn - hiện được coi là "ngành công nghiệp tỉ USD", theo dự đoán của các chuyên gia, đến năm 2030 sẽ thiếu khoảng 1 triệu nhân lực trên toàn cầu. Còn ở Việt Nam, đến năm 2030, dự báo cần khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành này. Các cơ sở đào tạo nước ngoài đa số là quá tải, nhiều nơi "thiếu cả thầy lẫn trò" vì đây là một ngành học khó.
Nếu vẫn làm như cách cũ là chương trình đào tạo không liên thông với nhu cầu thị trường, thiếu định hướng thì sẽ gây lãng phí nguồn lực con người.
Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã đề ra và đáp ứng nhu cầu của thị trường, cần nhiều nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn các cơ sở đào tạo.
Tiếp theo, điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng cũng cần được nhận diện rõ. Chi phí vận tải ở Việt Nam còn cao, liên kết vùng miền chưa mạnh. Nguyên nhân là bởi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hệ thống đường sắt chưa hoàn thiện và năng lực vận tải còn yếu. Hiện tại, vận tải hàng hóa chủ yếu phụ thuộc vào đường cao tốc trong khi hệ thống này cũng chưa thật sự phát triển, nhất là ở khu vực phía Nam.
Cần xác định xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao không chỉ giúp tăng hiệu quả của nền kinh tế mà còn tạo ra không gian phát triển mới. Nếu liên kết vùng tốt dựa trên cơ sở giao thông thuận lợi thì các tập đoàn khi tìm đến Việt Nam không nhất thiết phải chen chân vào TP HCM hay những đô thị lớn mà có thể dịch chuyển về nơi còn nhiều tiềm năng như Đồng Nai, Tây Ninh...
Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP HCM)
Cuối cùng, quan trọng hơn cả là hoàn thiện thể chế thị trường với hệ thống cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Hành lang pháp lý cần hoàn thiện theo hướng chặt chẽ, bao trùm; sớm giải quyết những điểm nghẽn do hệ thống pháp luật chồng chéo.
Với yêu cầu cải cách ngày một lớn, chúng ta đã từng cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh nhưng chỉ được một thời gian là thủ tục mới lại "mọc lên". Điều này có thể lý giải bởi chúng ta chưa có những luật có phạm vi bao trùm, thiếu không gian đủ rộng để điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nhận định rằng một số luật đang đi vào vấn đề chi tiết trong khi những chi tiết đó thường xuyên thay đổi theo bối cảnh. Điều này dẫn đến quy định thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, chạy theo thực tiễn. Trong khi đó, những thay đổi này lại dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật, gây "bí chân, bí tay" cho các chủ thể kinh tế.
Tôi cho rằng sự thay đổi sẽ cần khá nhiều thời gian. Nền kinh tế Việt Nam vẫn cần có các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, bất động sản, nông nghiệp... Quan trọng nhất vẫn là tư duy xây dựng chính sách hướng tới tăng chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng phụ thuộc vào năng lực sản sinh giá trị gia tăng từ ứng dụng khoa học - công nghệ và tri thức, hạn chế sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên - bao gồm cả nguồn lực đất đai.
Cần hiểu một nền kinh tế phát triển theo hướng công nghệ cao có nghĩa là đưa hàm lượng công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chứ không phải phát triển tách bạch. Ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ giúp tăng chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, qua đó thúc đẩy giá trị gia tăng của sản phẩm.
Các dự báo tăng trưởng đều phải thường xuyên cập nhật theo thay đổi của môi trường kinh doanh trong và ngoài nước. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công cả nước chỉ đạt khoảng 51% kế hoạch. Thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường trái phiếu và bất động sản, đang trong giai đoạn tái cấu trúc và minh bạch hóa nên có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, lạm phát vẫn chưa giảm đáng kể ở nhiều quốc gia, lãi suất còn neo ở mức cao, nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới giảm, bao gồm cả những đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc...
Với bối cảnh nói trên, tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm nay khó đạt mục tiêu ban đầu đề ra. Tôi thiên nhiều về kịch bản 5,5%-6%. Thời gian còn lại của năm không nhiều để hấp thụ dòng vốn chất lượng cao đang được kỳ vọng dịch chuyển đến. Vì thế, nên tập trung vào gia cố nền tảng, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đối với những dự án chiến lược về hạ tầng.
Bình luận (0)