img

Ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - cho rằng mối quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua đã bao hàm cả chất toàn diện và tầm chiến lược. Do đó, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện chỉ là cách gọi đúng tên.

img
img

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh trái)

img

Phóng viên: Nhìn lại chiều dài hơn 1/4 thế kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ, nhất là trong 10 năm với khuôn khổ Đối tác Toàn diện, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ và "vượt tầm", thưa ông?

img

Ông PHẠM QUANG VINH: Việc định danh quan hệ Việt - Mỹ ở tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện phản ánh rất đúng tính toàn diện lẫn tính chiến lược của mối quan hệ và lợi ích song trùng. Cả 9 lĩnh vực trụ cột trong quan hệ Đối tác toàn diện đều phát triển vượt bậc trong 10 năm qua.

Đơn cử, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ trong 10 năm tăng gần 400%, từ 35 tỉ USD hồi năm 2013 lên hơn 123 tỉ USD vào năm 2022. Mỹ là một trong 3 trung tâm giao thương lớn mà Việt Nam thiết lập quan hệ, bao gồm châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ - với vai trò cực kỳ quan trọng của Mỹ.

Trong khắc phục hậu quả chiến tranh, Mỹ đánh giá việc Việt Nam tổ chức tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích là một hình mẫu trong hợp tác. Ở chiều ngược lại, Mỹ hỗ trợ Việt Nam giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, tháo gỡ bom mìn, tẩy độc dioxin. Hai dự án tẩy độc dioxin rất lớn đã được thực hiện ở sân bay Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) và sân bay Biên Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Không chỉ là câu chuyện hỗ trợ về kinh phí mà lần đầu tiên chúng ta sử dụng công nghệ nung nóng đất của Mỹ để cải tạo đất trên diện rộng, có thể đưa vào sinh sống, trồng trọt.

Bên cạnh đó còn là câu chuyện gia tăng hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và Liên Hiệp Quốc. Trong đó, Mỹ hỗ trợ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, tăng cường năng lực an ninh hàng hải cho Việt Nam, chuyển giao tàu cảnh sát biển, hỗ trợ kịp thời cho Việt Nam 40 triệu liều vắc-xin trong giai đoạn đại dịch COVID-19 - số lượng lớn nhất vào thời điểm đó...

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden

Với mức độ "vượt tầm" sẵn có trong quan hệ Việt - Mỹ, theo ông, khung Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa thiết lập liệu có còn nhiều dư địa để khai thác?

Việc định danh mối quan hệ không chỉ căn cứ vào đà phát triển với đầy đủ yếu tố "toàn diện" và "chiến lược" mà còn dựa trên dư địa hợp tác còn rất lớn.

Thứ nhất là dư địa ở những lĩnh vực đang hợp tác, gồm kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng, khoa học - công nghệ. Bên cạnh con số tăng trưởng thương mại 2 chiều trong 10 năm gần 400% đã đề cập ở trên, tốc độ tăng trưởng trong 5-7 năm trở lại đây đều đặn đạt 17%-19%/năm cho thấy dư địa và tính bổ sung của hai nền kinh tế là rất cao.

Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt - Mỹ dựa trên đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng và động lực cho quan hệ hai nước trong thời gian tới. Đây là điểm nhấn rất quan trọng.

Các cam kết, thỏa thuận giữa hai nước đều bao hàm nội dung hỗ trợ nhau về công nghệ, hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với trình độ phát triển mới của khoa học - công nghệ. Đặc biệt nhất là hỗ trợ Việt Nam khai thác nguồn đất hiếm mà chúng ta có tiềm năng. Đây là nguyên liệu chiến lược phục vụ cho những ngành công nghệ rất nhạy cảm, trong đó có chất bán dẫn.

Trong chuyển đổi xanh, Mỹ sẽ không chỉ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu, gìn giữ môi trường mà còn giúp Việt Nam tiếp cận với những ngành kinh tế mới, ví dụ tài chính xanh. Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng kho tích trữ năng lượng sạch; hệ thống cầu cảng để tiếp cận nguồn nhiên liệu khí hóa lỏng...

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo

img

Trong rất nhiều nội dung mà hai bên đã phát triển khi là Đối tác Toàn diện và sẽ tiếp tục khai thác khi triển khai khung Đối tác Chiến lược Toàn diện, ông đánh giá "tầm chiến lược" của mối quan hệ nằm ở đâu?

"Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong chuỗi đó, Mỹ và Việt Nam gắn kết, đan xen lợi ích về kinh tế, thương mại và đầu tư" - ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhìn nhận.

Toàn bộ cam kết và tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden rất phù hợp với chính sách đối ngoại và lợi ích của chúng ta. Các nguyên tắc chỉ đạo thống nhất tinh thần tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi. Mỹ cũng tái khẳng định mục đích quan hệ với Việt Nam vì "một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường".

Ngay nội dung mối quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững" cũng song trùng với mục tiêu của Việt Nam. Chúng ta quan hệ tốt với các nước là vì chính lợi ích của chúng ta, cũng là vì lợi ích chung của khu vực.

Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với toàn bộ 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ.

Việt Nam cũng đang tiến tới thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với những đối tác chủ chốt nhất. Trong đó, bên cạnh 5 nước đã thiết lập quan hệ là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ, còn 4 nước đang trong lộ trình đàm phán và tham vấn gồm: Nhật Bản, Úc, Indonesia, Singapore. Bức tranh này cho thấy chính sách của Việt Nam vừa coi trọng điểm nhấn, quan hệ với nước lớn và đối tác chủ chốt vừa đa dạng hóa, đa phương hóa.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9-2023

img
img

Bước đi này có ý nghĩa cả về chính trị, đối ngoại và là cơ hội lớn cho kinh tế, thương mại của Việt Nam, thưa ông?

Đúng vậy! Nhưng, rất nhiều dự án, chương trình hợp tác giữa hai nước mới chỉ ở giai đoạn bước đầu. Để khai thác được cơ hội, hai bên cần tiếp tục bàn bạc để hiện thực hóa các nội dung cam kết. Muốn phát triển cao hơn, hấp thụ được hàm lượng đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó trọng tâm là chất bán dẫn, Việt Nam cần phải đổi mới. Doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ cũng phải tranh thủ lẫn nhau dựa trên khung cơ chế mà Chính phủ hai bên đã tạo ra để không bỏ lỡ thời cơ.

Chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lịch trình làm việc cùng các tập đoàn công nghệ lớn ở Silicon Valley (Thung lũng Silicon, California), trao đổi với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp... là bước thúc đẩy cực kỳ quan trọng để hiện thực hóa các thỏa thuận, cam kết ngay sau khi hai nước nâng cấp mối quan hệ.

img


img

Cơ hội lớn là vậy nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ở mức rất lớn có thể là vấn đề khiến chúng ta phải lo ngại, nhất là khi thương mại - đầu tư hai chiều được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ông cho rằng chúng ta cần xác định vị trí và tâm thế trong mối quan hệ này thế nào?

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc, nhưng lại có tầm quan trọng đặc biệt. Tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới đạt khoảng 12 tỉ USD trong khi riêng thặng dư với Mỹ là trên 90 tỉ USD. Như vậy, Mỹ là thị trường quan trọng tạo ra thặng dư thương mại để Việt Nam cân đối toàn bộ cán cân thương mại trong quan hệ với 3 trung tâm kinh tế lớn. Nếu bất cứ một mắt xích nào trong tổng thể mối quan hệ này bị trục trặc, đứt gãy thì có thể làm tổng cán cân thương mại không còn bình ổn.

Trong khi đó, với độ mở của nền kinh tế lên đến 200%, thương mại đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng GDP của Việt Nam.

img
img

Năm 2016, khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã đặt chính sách "Nước Mỹ trên hết" trở thành ưu tiên, kéo theo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng đến hôm nay. Nhưng, quan hệ thương mại của Việt Nam và Mỹ có những tính chất khác.

Chúng ta minh bạch trong mối quan hệ thương mại với Mỹ, không trục lợi thông qua thương mại. Mặt khác, hai nền kinh tế có tính chất bổ sung cho nhau, thể hiện ở việc Mỹ có nhu cầu nhập khẩu những hàng hóa mà Việt Nam có thể đưa ra giá cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Quan trọng hơn cả, không chỉ ở thời kỳ bắt đầu Mỹ áp đặt chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ngay cả bây giờ, chúng ta luôn xác định đã thiết lập quan hệ kinh tế thì hai bên phải cùng có lợi, nếu một trong hai bên có những ưu tiên thay đổi thì cần cơ chế trao đổi. Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) Việt Nam - Mỹ có thể coi là "cái phễu" để thương lượng, trao đổi những vấn đề này. 

img
img
img
img

Thương mại - đầu tư hai chiều được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trong nguồn lực hạn hẹp của mình, chúng ta từng mua những hàng hóa giá trị lớn của Mỹ như máy bay dân dụng, khí hóa lỏng. Lần này, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam, Vietnam Airlines và Tập đoàn Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay Boeing 737 MAX với trị giá 10 tỉ USD. Dẫn chứng như vậy để thấy rằng quan hệ giữa hai nền kinh tế không loại trừ nhau mà bổ sung, đan xen lợi ích.

Nhìn ở chiều ngược lại, lý do gì khiến Mỹ muốn mang khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến Việt Nam? Đó là vì chúng ta đã phát triển đến ngưỡng có thể tiếp cận được khoa học - công nghệ mới, dù còn phải phấn đấu rất nhiều. Hơn nữa, độ tin cậy của thị trường Việt Nam với quan hệ chính trị tốt đã mang lại niềm tin để Mỹ chuyển những lĩnh vực vốn nhạy cảm về an ninh kinh tế sang đây. Bên cạnh đó, khung thể chế dựa trên các thỏa thuận, cam kết sẽ tạo động lực cho các công ty, tập đoàn công nghệ, đổi mới sáng tạo tự tin thâm nhập thị trường Việt Nam.

Có thể nhớ lại dấu mốc năm 1994 khi Mỹ bỏ "cấm vận" thương mại đối với Việt Nam, một loạt công ty Mỹ như Coca-Cola, Intel... đã vào Việt Nam, dù rằng nội lực của chúng ta khi đó còn rất kém.

img

Mối quan hệ có nhiều bước tiến và được định danh ở tầm cao mới nhưng một hiệp định thương mại giữa hai nước vẫn còn xa vời, thưa ông?

Nước Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt từ cuộc bầu cử năm 2016, đã nhìn nhận lại lợi ích quốc gia khi thấy rằng toàn cầu hóa chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn, còn người Mỹ thì không. Nội bộ nước Mỹ hiện không sẵn sàng với một hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc quốc gia này rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là câu trả lời rất rõ ràng.

Đến thời chính quyền của Tổng thống Biden, sáng kiến mới nhất được đưa ra là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Cái thiếu lớn nhất của IPEF nếu so sánh với một FTA đúng nghĩa là không tiếp cận thị trường, nói cách khác là không mở thị trường Mỹ cho bên ngoài. Mục tiêu của IPEF là hài hòa về chính sách, qua đó giảm bớt rào cản phi thuế quan và điều này cũng rất có lợi.

img
img


Có một FTA giữa Việt Nam với Mỹ thì rất tốt nhưng là câu chuyện còn xa. Nếu như còn TPP thì chúng ta đã có một khung chính sách khác nhưng không còn TPP thì chí ít vẫn còn rất nhiều việc để làm. Đó là khai thác cơ chế hài hòa chính sách thông qua 4 trụ cột của IPEF gồm thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng.

Hay, đã đến lúc rà soát lại những khung khổ về mặt chính sách vốn được thiết lập từ hơn 20 năm trước và không còn phù hợp với mối quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, bao gồm Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA) được ký kết vào năm 2000, thỏa thuận song phương mở đường cho Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006...

Phương Nhung
A.Thanh
Hoàng Triều
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên