Báo Người Lao Động ghi nhận nhiều quan điểm, luận điểm trái chiều từ phía các chuyên gia tên tuổi đang hoạt động ở trong và ngoài nước về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023.
(NLĐO) - Một thực tế "khó tin" là nhà đầu tư nước ngoài đang hào hứng đầu tư vào Việt Nam sau khi nhà nước xử lý mạnh tay hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản..., dù điều này khiến nhà đầu tư trong nước e dè.
Báo Người Lao Động đã có cuộc trò chuyện với GS-TS Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển quốc tế Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - xung quanh những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam hiện tại.
- Phóng viên: Thưa GS-TS Nguyễn Đức Khương, doanh nghiệp, người dân đang phấp phỏng lo âu khi hàng loạt chỉ số quan trọng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu giảm sút. Quan điểm của ông về nhận định này?
+ GS-TS NGUYỄN ĐỨC KHƯƠNG: Khởi động năm 2023, nền kinh tế Việt Nam khá chật vật với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 2 và 2 tháng không thật sự tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 2 tháng đầu năm giảm 6,3%; kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, nhập khẩu giảm 16%... so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ song quy mô chỉ đạt 77,7% chỉ tiêu đề ra.
Du khách trở lại tham quan TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Nhập khẩu giảm mạnh cũng có thể là dấu hiệu phản ánh những khó khăn sắp tới của thị trường, của sản xuất và xuất khẩu khi đơn hàng giảm sút trong bối cảnh kinh tế thới chưa phục hồi. Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng mức độ mở cửa còn hạn chế. Đồng thời, nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh dòng vốn trên thị trường cần nhiều thời gian hơn nữa để phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ rất khả quan trong tương quan với khu vực và thế giới.
- Ông có thể phân tích rõ hơn nhận định trên? Chẳng hạn, mức độ lạc quan của nền kinh tế Việt Nam năm nay được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng tốt như nhiều tổ chức quốc tế dự báo, thưa ông?
+ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tốc độ tăng GDP năm nay của Việt Nam là 6,7%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng đạt 6,3%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mức 6,2%. Dù rất khó dự báo sát tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, môi trường kinh doanh quốc tế... diễn biến phức tạp nhưng tôi cơ bản đồng tình với nhận định cho rằng tăng trưởng GDP nước ta năm nay đạt trên 6%. Việt Nam có những động lực then chốt có thể phát huy song song với kỳ vọng kinh tế thế giới tốt hơn trong quý III và IV/2023.
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam có xu hướng được củng cố. Quan điểm và cảm nhận của họ về việc Việt Nam mạnh tay xử lý vi phạm trên thị trường tài chính, bất động sản... có khác so với nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư trong nước e ngại trước những biến động thị trường sau hàng loạt vụ khởi tố, còn nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao động thái siết chặt kỷ cương, phòng chống tham nhũng, cải tổ bộ máy của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư châu Âu bày tỏ mong muốn tìm hiểu điều kiện, cơ hội đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh...
Sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) tại một doanh nghiệp. Ảnh: Hoài Dương
Động lực tiếp theo đến từ sự kỳ vọng vào những dự án đầu tư cơ cở hạ tầng giao thông trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, cầu cảng và hệ thống logistics... đang được thực hiện, bao gồm cả chi tiêu công. Những chuyển đổi này giúp tăng tiêu dùng, tạo việc làm và tăng sức cạnh tranh. Điều này quyết định nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam hay một cứ điểm khác trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều chính sách vĩ mô có thể phát huy hiệu quả trong 6 tháng cuối năm nay. Trong đó có thể kể đến nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ vững an toàn cho hệ thống ngân hàng, xử lý những vụ việc vi phạm trên thị trường tài chính và điều chỉnh dòng vốn giữa các ngành trong nền kinh tế.
Một động lực then chốt nữa cần phải kiến tạo và hiện thực hóa nhanh là đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ứng dụng AI và trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) trong các lĩnh vực kinh tế quyết định lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong những thập kỷ sắp tới. Nếu làm sớm, nhanh, chúng ta có thể giữ chân và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia.
- Nói như vậy tức là triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay khá sáng sủa và những thách thức, khó khăn thể hiện ở các chỉ số sụt giảm trong 2 tháng đầu năm là không đáng lo ngại, thưa ông?
+ Nói chính xác là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức nhưng cũng rất triển vọng nếu chúng ta có phản ứng và giải pháp kịp thời, sắc nét.
Bối cảnh kinh tế thế giới đang rất phức tạp, khó đoán định khi cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, lạm phát chưa hạ nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất... Trong nước, khủng hoảng về giá năng lượng do tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới; những biến động lớn của thị trường chứng khoán, trái phiếu, nhà đất... là những thách thức không nhỏ.
Chứng khoán là thị trường có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, cung cấp dòng vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Nếu không có dòng vốn này, doanh nghiệp chắc chắn phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh. Khó khăn nhân lên khi dòng vốn tín dụng từ ngân hàng không còn dễ tiếp cận, lãi suất đã giảm nhưng vẫn cao.
Cần không gian pháp lý đủ rộng nhưng chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh, hợp pháp. Ảnh: Hoàng Triều
Để tháo gỡ điểm nghẽn, giúp thị trường chứng khoán vận hành hiệu quả, bền vững và cũng để biến thách thức thành động lực cho nền kinh tế, chúng ta cần xử lý tốt vấn đề pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng tính kỷ luật thị trường. Việc ban hành Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp được giới chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá là động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực tài chính tức thời. Trong trung hạn và dài hạn, cần không gian pháp lý đủ rộng nhưng chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh, hợp pháp.
Tương tự, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò thu hút các nguồn lực, tạo ra tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy những lĩnh vực khác như thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng... cùng phát triển. Tuy nhiên, nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc ở vấn đề pháp lý, một số quy định chưa chặt chẽ. Việt Nam có thể tham khảo thêm quy định quản lý thuế của quốc tế đối với lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế lách luật, thất thu thuế, đầu cơ...
- Ông có khuyến nghị về công tác điều hành vĩ mô để giữ ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho năm 2023 và những năm tiếp theo?
+ Điều tiên quyết cho sự phát triển bền vững là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi từ việc thâm dụng lao động, thâm dụng vốn sang mô hình dựa nhiều vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng kỹ năng quản lý, điều hành và năng lực nghiên cứu - phát triển...
Thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế cả năm đạt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Thanh Nhân
- Ở tầm nhìn dài hạn, khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045 liệu có phải mục tiêu đầy thách thức khi chúng ta đã mất 2 năm gánh chịu hậu quả dịch bệnh COVID-19 và bản thân nền kinh tế còn có nhiều vấn đề tồn tại?
+ Việt Nam hoàn toàn xứng đáng có một vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới. Để trở thành hiện thực, bên cạnh một khát vọng được nuôi dưỡng, cần có chiến lược, mục tiêu và kế hoạch hành động rõ ràng. Đặc biệt, không quên giải quyết những vấn đề cơ bản đang tồn tại như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn, quá tải hạ tầng...
Bình luận (0)