- Phóng viên: Thưa TS Nguyễn Đức Kiên, ông có thể đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội hơn 2 tháng đầu năm 2023, nhất là việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động?
+ TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Trong 2,5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế Việt Nam đã phản ánh rất toàn diện những khó khăn của thế giới cũng như trong nước. Đồng thời, cũng phản ánh được nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân trong năm 2023 và kế hoạch 5 năm, chúng ta đang làm tương đối tốt. Tuy nhiên, các chỉ số về xuất khẩu, đơn hàng mới của các ngành hàng, số lượng DN phải dừng sản xuất, số DN thành lập mới... lại là cảnh báo sớm cho điều hành kinh tế vĩ mô năm năm nay.
Bên cạnh đó, hầu hết đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế về triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 được đưa ra gần đây xấu hơn so với đánh giá đưa ra hồi cuối năm 2022. Quỹ tiền tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức khác dự báo bức tranh kinh tế thế giới "không đen hẳn nhưng tông xám là chủ đạo".
Kinh tế thế giới đang bất ổn và có tốc độ thay đổi rất nhanh. Chỉ trong vòng 2 tuần đầu của tháng 3, có ba ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ. Đầu tiên là Silvergate, rồi đến Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB), chỉ cách nhau vài ngày. Tổng tiền gửi của 3 ngân hàng này gần 500 tỉ USD. Trong đó, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của nước Mỹ, tổng tiền gửi lên tới 210 tỉ USD mà sụp đổ chỉ trong vòng 2 ngày, diễn biến rất nhanh và khó dự báo. Phản ứng của chính quyền Mỹ rất quyết liệt, nhanh chóng khi đã quyết định đóng cửa ngân hàng để không làm xấu thêm tình hình. Các biện pháp Mỹ áp dụng cũng giống với cách xử lý 3 ngân hàng 0 đồng của Việt Nam cách đây 8 năm.
Chỉ trong vòng 2 tuần đầu của tháng 3, có ba ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ. Ảnh: REUTERS
- Sự bất định của tình hình thế giới ảnh hưởng thế nào tới kinh tế trong nước, thưa ông?
+ Chúng ta đã lường trước được những khó khăn nhưng tất nhiên, vẫn không thể dự đoán trước được việc một số ngân hàng của Mỹ bị sụp đổ hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có tăng lãi suất tiếp không. Trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm sẽ là yếu tố bất lợi làm giảm sức chống chịu trước những cú sốc vẫn có khả năng xảy ra.
Thứ nhất, tỉ lệ DN cho người lao động dừng việc, giãn thời gian làm việc là câu chuyện rất nóng, nhất là những DN lớn với quá trình đào tạo, tiếp nhận người lao động hàng chục năm và người lao động cũng gắn bó với DN trong khoảng thời gian dài. Bài toán đau lòng hiện nay là chính những người gắn bó với DN lâu năm nhất lại chính là người khó khăn nhất khi đi tìm việc làm mới vì đã lớn tuổi và có sức ì nhất định. Đây là một thách thức không nằm trong tính toán bình thường.
Khó khăn thứ hai là hợp đồng đơn hàng mới đang có xu hướng giảm. Nhiều DN đến giờ mới chỉ có đơn hàng đến hết tháng 4-2023 trong khi đơn hàng các tháng sau rất hạn chế, có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn nhưng đơn giá lại giảm và đòi hỏi cạnh tranh cao. Nhiều ngành hàng phải vật lộn tìm kiếm hợp đồng dài hơi hơn, giữ thị trường và khách hàng.
Thứ ba, cơ cấu nền kinh tế đang có vấn đề. Chúng ta đã đề cập đến việc khắc phục tình trạng này nhiều năm rồi nhưng kết quả thu được vẫn hạn chế, chưa theo được diễn biến thay đổi rất nhanh của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, có những DN thiếu trách nhiệm với bản thân, với nền kinh tế khi chỉ tập trung vào một yếu tố là lợi nhuận. Khi kinh tế diễn biến thuận lợi, họ tìm mọi cách thúc đẩy thị trường phát triển nóng và thiếu bền vững. Đến khi các quy luật của nền kinh tế thị trường phản ứng lại thì thì những DN này không muốn cắt giảm lợi nhuận, tái cơ cấu để tự cứu lấy chính mình. Nói như một số chuyên gia nghiên cứu, các DN bất động sản đã bắt nền kinh tế làm "con tin".
- Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023 đã phân tích những kết quả đạt được, đồng thời nêu ra những khó khăn thách thức trong thời gian tới. Ông đánh giá như thế nào về những chỉ đạo của Chính phủ đối với các bộ, ngành nhằm giải quyết một loạt vấn đề nóng được nêu ra?
+ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023 đã phản ánh tương đối đầy đủ bức tranh kinh tế Việt Nam và bối cảnh kinh tế quốc tế trong 2 tháng đầu năm. Những đánh giá được nêu ra trong nghị quyết hoàn toàn chính xác với tình hình thực tế và phù hợp định huớng lâu dài.
Việc đầu tiên mà Chính phủ nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương là tập trung giải quyết điểm nghẽn đầu tư công và các khó khăn cho DN. Trong bối cảnh nhu cầu quốc tế đang suy giảm như hiện nay, với thực lực, yêu cầu đầu tư hạ tầng để giảm chi phí nội địa thì nhà nước phải trở thành khách hàng lớn nhất của nền kinh tế. Nếu cần thiết, có thể nâng nợ công, nợ Chính phủ lên. Hiệu quả của các dự án được triển khai có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho DN thì đó là điều chúng ta phải làm. Có thể dự án chưa phát huy hiệu quả ngay trong một vài năm đầu nhưng chúng ta cần giải quyết bài toán "con gà và quả trứng". Muốn phát triển tốt thì phải làm hạ tầng tốt, mà làm hạ tầng thì phải dùng vốn vay để đầu tư và đầu tư xong thì cần một khoảng thời gian mới có thể phát huy hiệu quả, sinh lời. Ví dụ, sau hơn 15 năm triển khai đầu tư, hai dự án bauxite ở khu vực Tây Nguyên gồm Tổ hợp dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng và dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) đều đạt hiệu quả kinh tế cao dù ban đầu có biết bao người phản đối.
Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhà nước hỗ trợ nguồn lực tài chính, con người để có dư địa duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh trong năm 2023. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Bóng đèn Điện Quang vận hành sản xuất ổ cắm. Ảnh: Thanh Nhân
- Chính phủ nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ông có dự báo gì về bức tranh kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, đồng thời có khuyến nghị gì?
+ Chúng ta phải bớt nhìn nền kinh tế bằng con mắt kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đừng chỉ nhăm nhăm vào việc dự báo tốc độ tăng trưởng. Trên thế giới có bao nhiêu quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế và bám vào đó để điều hành? Thay vào đó, họ tập trung xử lý các vấn đề nảy sinh thế nào và tác động của các biện pháp xử lý đó đến tính hiệu quả, minh bạch, công khai của nền kinh tế ra sao. Chúng ta cần tập trung nhận diện và xử lý những tồn tại hiện hữu của nền kinh tế, không đánh giá hiệu quả nền kinh tế bằng tốc độ tăng trưởng cao hay thấp. Tốc độ tăng trưởng cao là một mong muốn nhưng Chính phủ không làm thay DN mà tạo điều kiện để DN phát triển.
Chúng ta phải quay trở lại những bài toán rất cụ thể.
Thứ nhất, trong lĩnh vực đầu tư công, với 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được khởi công trong năm nay, việc đầu tiên là cần xem xét tổng thể thiết kế của các tuyến đường này. Phải giải được bài toán so sánh giữa sử dụng vật liệu đắp làm nền với làm cầu cạn để vượt thì phương án nào tối ưu, ít ảnh hưởng đến môi trường hơn. Phát triển bền vững hay không bền vững là điều cần quan tâm hơn là tốc độ tăng trưởng bởi chúng ta đã thống nhất quan điểm: Không đánh đổi tốc độ tăng trưởng làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.
Thứ hai, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 213/2023 thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Động thái này cho thấy Chính phủ, Thủ tướng nhận thức được việc phải làm lành mạnh hoá các tổ chức tín dụng nhanh hơn nữa, trên cơ sở đó góp phần hạ lãi suất cho vay, hạ lãi suất huy động thì mới hỗ trợ DN huy động vốn.
Tuy nhiên, ở đây có một bài toán nữa được đặt ra là phải cơ cấu lại DN, bao gồm cả các DN sản xuất - kinh doanh và DN trong lĩnh vực bất động sản. So sánh giữa năng lực tài chính với quy mô vay vốn của DN hiện rất mất cân đối. Ngay từ năm 2009-2010, tôi đã nói rằng nếu DN muốn làm một dự án 10 đồng thì phải có 5-6 đồng vốn chủ sở hữu, còn đi vay 4-5 đồng thì mới bảo đảm phát triển bền vững. Rất nhiều người đã phản đối ý kiến đó. Nhưng đến bây giờ, chúng ta thấy một sự thật rằng DN kinh doanh bất động sản chỉ có vốn 1.000-2.000 tỉ đồng nhưng mở một lúc 30-50 dự án trên khắp cả nước, có dự án có diện tích hàng trăm ha. Thử hỏi lấy vốn đâu ra để làm? Từ đó dẫn đến phát hành trái phiếu một cách thiếu trách nhiệm. Do đó, việc giám sát lại thị trường tài chính để thị trường phát triển "mạnh nhưng phải lành mạnh" là cần thiết. Đó là việc quan trọng mà Chính phủ đã nhận thức được, phải làm trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.
- Liên quan câu chuyện liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương, ông có khuyến nghị gì?
+ Trước hết, các địa phương phải tư duy trên quan điểm vì lợi ích cả nước, thay vì lợi ích cục bộ của mình.
Dưới góc độ là người làm công tác nghiên cứu, tôi thấy rằng chúng ta nói rất nhiều về liên kết, đầu tư kinh tế vùng nhưng thực chất là không làm được bởi vẫn tư duy kinh tế theo địa giới hành chính.
Một ví dụ rất đáng tiếc là quy hoạch Cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). TP Đà Nẵng đã đầu tư và được Chính phủ đồng ý cho làm Cảng Liên Chiểu bằng vốn vay nước ngoài nhưng với vị trí địa lý của Cảng Liên Chiểu thì trở thành một cảng logistics quốc tế sẽ rất khó. Tại sao không phối hợp xây dựng Cảng Chân Mây là cảng nước sâu để phục vụ cả khu vực miền Trung mà cứ quan niệm Cảng Chân Mây là của tỉnh Thừa Thiên - Huế, còn Cảng Liên Chiểu là của TP Đà Nẵng? Tại sao phải rạch ròi dẫn tới thiếu liên kết như vậy?
Đây cũng là bài toán mà giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Đã làm Cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng) thì sao phải làm Cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh)? Đến bây giờ, hiệu quả của Cảng Cái Lân như thế nào?
Tôi lấy những ví dụ đó để khuyến nghị các địa phương phải tư duy trên quan điểm địa phương vì cả nước, cả nước vì địa phương.
Bình luận (0)