Tưởng chừng đã bị lãng quên giữa nhịp sống hiện đại nhiều thú vui công nghệ hấp dẫn, song loại hình thư pháp chữ Việt vẫn phát triển bền bỉ, có vị trí riêng trong không gian văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nhiều nghệ nhân thư pháp đã và đang ngày ngày góp phần làm nên sức sống cho mỹ tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này. Trong số đó, không thể không nhắc đến người sáng lập Trà Quán Ông Đồ: Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín.
Nằm nép mình trong một con đường nhỏ yên tĩnh giữa lòng thành phố, Trà Quán Ông Đồ là điểm hẹn lý thú cho những ai luôn yêu và nâng niu giá trị thư pháp chữ Việt.
Nhiều người từng được thưởng lãm nét bút tài hoa của chủ nhân Trà Quán – Ông đồ 8x Nguyễn Hiếu Tín đều không giấu được sự thích thú, nể phục, nhất là với hai lối đi riêng mà anh đã dày công vun bồi: Họa tự và thư pháp chữ ngược.
Nhiều năm qua, Hiếu Tín đã miệt mài sáng tác nên các bức họa tự - tức nghệ thuật thư pháp tạo hình – tương ứng với con giáp từng năm.
Với lĩnh vực thư pháp, Hiếu Tín là tên tuổi đã tạo nhiều dấu ấn đẹp với giới chuyên môn và công chúng. Anh từng đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp đầu tiên của Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM (2007), là người đầu tiên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về thư pháp chữ Việt (2006).
Công cụ viết thư pháp gọi là văn phòng tứ bảo: bút (bút lông), nghiên (đồ chứa mực), giấy (giấy thấm mực) và mực (mực tàu), ngoài ra có thêm ấn chương (đóng dấu vào tác phẩm)
Mực viết trên thư pháp phải là loại mực Tàu
Năm nay, Hiếu Tín thực hiện họa tự Tân Sửu với dáng hình chú trâu đang hướng về phía trước, như mạnh mẽ đối diện mọi thách thức và tượng trưng cho tinh thần sẵn sàng hội nhập quốc tế
Những họa tự con giáp của Hiếu Tín đã phần nào mang đến một luồng sinh khí mới trong không gian thư pháp chữ Việt
Như nghệ sĩ cháy hết mình trên sân khấu luôn tìm tòi những cách thức thể hiện độc đáo, "thư pháp chữ ngược" của Nguyễn Hiếu Tín cũng là "đặc sản" vô cùng ấn tượng ở Trà Quán Ông Đồ (đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM).
Thư pháp ngược có những đặc tính quý giá gì? Về bút pháp: viết liền một nét (liên bút), tạo những nét xước (phi bạch), nhìn con chữ có hồn hơn. Khi viết đại tự, đường đi liên hoàn của bút tạo nên sự uyển chuyển, tự nhiên, cho thấy tinh thần, nội lực của người viết. Về nội dung: chữ Ngộ, có nghĩa là sự hiểu, sự thức tỉnh, ngộ cũng có nghĩa là nhìn, nhưng nhìn mà thấy, có sự thấu hiểu cảm thông.
Trà quán được lập ra hoàn toàn không bởi mục đích thương mại mà thuần túy là chốn tin cậy để các nhà chuyên môn, nghệ nhân thư pháp, hay chỉ là bạn trẻ mới học nghề đều có thể đàm đạo, để càng hiểu biết và thêm yêu những tinh hoa bản sắc văn hóa Việt. Hiếu Tín rất cảm động khi nghe thấy, gặp gỡ những bạn trẻ muốn tìm hiểu thư pháp chữ Việt.
Giữa nhịp sống hiện đại bộn bề nhiều hấp dẫn từ các thú vui công nghệ, Trà Quán Ông Đồ của thầy giáo 8X này vẫn bền bỉ lưu giữ miền ký ức lấp lánh vẻ đẹp di sản văn hóa Việt. Nhiều bạn trẻ thích thú tìm đến "xin chữ" đầu năm. Bên bàn trà, nghiên mực, những chuyện trò ân cần, bao thông điệp ý nghĩa.
Ông đồ Nguyễn Hiếu Tín góp phần lan tỏa lòng tri ân nguồn cội, khơi gợi tình yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam cho lớp hậu bối.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng Bộ môn Du Lịch - Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Anh còn là nhà sưu tầm có tiếng với hàng ngàn hiện vật, vật phẩm mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, đó cũng là nguồn tư liệu dồi dào, tạo cơ sở cho anh thực hiện nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu.
Chia sẻ đam mê và kết nối bằng hữu, nên không ngại người lạ, nếu cùng tần số, và mình được chia sẻ cũng như học hỏi lẫn nhau
THỰC HIỆN: XUÂN HUY - HUẾ XUÂN
Bình luận (0)