Sau 50 năm thống nhất đất nước, TP HCM đã không ngừng thay đổi, vươn mình để trở thành một đô thị hiện đại, sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực. Những con đường, tòa nhà và nhịp sống của thành phố đã thay đổi mạnh mẽ, tạo nên một diện mạo hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đặc trưng văn minh, nghĩa tình.
Sau hơn nửa thế kỷ, khu trung tâm ven sông Sài Gòn hướng về kênh Bến Nghé - Tàu Hủ nay khác biệt với nhiều cao ốc mọc lên, nổi bật là Bitexco với 68 tầng cao 262m, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010, trong nhiều năm là tòa nhà cao nhất và cũng được coi là biểu tượng phát triển mới của TP HCM. Ven sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng với công viên, bến tàu, khách sạn... đã được cải tạo khang trang.
Hàng loạt các công trình nổi bật sau hơn 100 năm vẫn còn tồn tại đến ngày nay như trụ sở UBND TP HCM, Chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Dinh Thượng Thơ, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố ...
Cảnh quan bến Bạch Đằng (quận 1) đã thay đổi nhiều so với trước đây. Năm 2022, bến được cải tạo trên diện tích hơn 8.000 m2 với kinh phí 26 tỷ đồng, bao gồm lát đá granite, lối đi dạo, tăng mảng xanh và hệ thống chiếu sáng, tưới tự động.
Khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) toạ lạc bên sông Sài Gòn, với điểm nhấn là tòa nhà Landmark 81 (cao 461m) nhanh chóng trở thành biểu tượng mới của TP HCM. Kể từ khi khánh thành năm 2018, công trình trở thành toà tháp cao nhất Việt Nam, được xem là biểu tượng mới trong không gian đô thị và sự phát triển của TP. Trong ảnh, người dân ngắm nhìn Landmark 81 từ khung cửa sổ tàu Metro số 1.
Nằm đối diện quận 1, Thủ Thiêm khoác lên mình một chiếc áo mới với những tòa cao ốc hiện đại, hạ tầng giao thông được xây dựng bài bản. Nổt bật là Khu đô thị Sala với tổng diện tích khoảng 150 ha, là dự án khu dân cư đầu tiên được triển khai xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Củng với đó, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, những cây cầu nối đôi bờ Quận 1 với khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), các trung tâm thương mại đang dần hoàn thiện, tạo nên bức tranh đô thị sầm uất. Trong ảnh là cầu Ba Son, được khánh thành năm 2022 với chiều dài 1,5 km, thiết kế dây văng với trụ tháp cao 113m hình đầu rồng, nghiêng về Thủ Thiêm, trở thành biểu tượng mới của TP HCM.
Nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) được khởi công xây dựng vào ngày 1-7-1962, khánh thành ngày 31-10-1966, Dinh Độc Lập được làm theo bản thiết kế của ông Ngô Viết Thụ, kiến trúc sư tốt nghiệp tại Pháp. Năm 2009, Dinh Độc Lập được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, đây là địa điểm gắn liền với dấu mốc thiêng liêng của dân tộc thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm.
Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện Thành phố vẫn là những biểu tượng của TP HCM. Trong ảnh là Chợ Bến Thành, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của TP HCM. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, hơn một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa xưa và nay. Chợ Bến Thành còn là điểm đến ưa thích của du khách khi đến với TP HCM.
Bưu điện trung tâm Thành phố được thiết kế rất tráng lệ, quy mô rộng lớn với kiến trúc vô cùng đặc sắc được lựa chọn ở vị trí thứ 2 trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ bình chọn. Hơn một thế kỷ tồn tại, công trình vẫn giữ nguyên công năng là bưu điện. Nơi đây trở thành một phần quan trọng của lịch sử và văn hóa tại TP HCM, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến TP HCM.
Trái với hình ảnh con kênh ô nhiễm nặng, nhà cửa hai bên lụp xụp tạm bợ cách đây hơn 20 năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay là dòng nước trong xanh chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình. Hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa rợp bóng mát cây xanh, bãi cỏ công viên, nhà cửa được xây dựng khang trang.
Sau hơn 20 năm, từ một vùng đầm lầy hoang sơ thuộc huyện Nhà Bè xưa, nay là quận 7 - đã có bước chuyển mình ngoạn mục trở thành một trong những đô thị phát triển năng động bậc nhất TP HCM. Trong hành trình thay da đổi thịt ấy, không thể không nhắc đến khu đô thị Phú Mỹ Hưng – một biểu tượng của sự phát triển, là điểm nhấn quan trọng góp phần kiến tạo nên diện mạo hiện đại, sôi động và đầy sức sống cho quận 7 ngày nay.
Những đại lộ như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng hay đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội) trở thành những tuyến huyết mạch, kết nối các khu đô thị mới với trung tâm thành phố. Trong ảnh là đại lộ Võ Văn Kiệt - tuyến giao thông huyết mạch của TP HCM, hiện có chiều dài khoảng 13km từ cầu Calmette (Quận 1) đến Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), với mặt đường rộng 60 m, đáp ứng 6 - 10 làn xe.
Hầm Thủ Thiêm, hay còn gọi là hầm sông Sài Gòn, là công trình giao thông được xây dựng nhằm kết nối Quận 1 và thành phố Thủ Đức. Công trình được xem là lớn nhất Đông Nam Á, một biểu tượng nổi bật về hạ tầng của TP HCM sau 50 năm thống nhất đất nước. Dự án là một phần quan trọng trong việc kết nối các tuyển giao thông huyết mạch, hướng đến giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM. Giờ đây, xung quanh khu vực này mọc lên nhiều công trình, cao ốc quy mô hiện đại.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp, thành phố Thủ Đức (TP HCM) dài 7,79km, có quy mô 10 làn xe, kết nối cầu Sài Gòn với Xa lộ Hà Nội đi tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Đây cũng là tuyến đường song hành với tuyến Metro số 1, mở ra nhiều thuận lợi vượt trội cho cả giao thông, kinh tế lẫn phát triển đô thị.
Dù thay đổi nhiều, nhưng TP HCM vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng đa dạng. Trong ảnh là Bến Bình Đông, nơi đây được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Đồng thời, nơi đây cũng mang dấu ấn của hoạt động kinh tế “trên bến dưới thuyền” một thời.
Bình luận (0)