Không chỉ xuất hàng chục triệu USD sang thị trường Mỹ, ông "vua" xuất khẩu trái cây còn mong muốn người Việt được ăn trái cây đạt chuẩn.
Đó là ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, sở hữu các công ty hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, thu mua, đóng gói, xuất nhập khẩu, chế biến nông sản và kinh doanh du lịch.
Ông là người tiên phong xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ từ năm 2008 khi nước này mở cửa cho loại trái cây đầu tiên của Việt Nam là thanh long nhưng thất bại. Lý do đơn giản là khi đó, doanh nghiệp của ông chưa có công nghệ bảo quản. Khi đó, quả thanh long được hái xuống, sau đó mang đi chiếu xạ rồi xuất khẩu nên sang Mỹ dễ bị hư hỏng. Đến năm 2014, khi công nghệ bảo quản trái cây đã có, ông tái "khởi nghiệp" và nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 trong nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Mỹ.
Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc) với kim ngạch khoảng 120 triệu USD/năm. Trong đó, riêng Vina T&T Group đóng góp 32 triệu USD (năm 2019), dẫn đầu trong lĩnh vực trái cây.
Ông Tùng cho biết năm 2019, công ty xuất khẩu sang Mỹ tăng 20% về doanh số và sản lượng nhờ Mỹ mở cửa thêm cho quả xoài tươi và sản lượng sầu riêng đông lạnh tăng đột biến. "Công ty đã xuất được khoảng 100 container (tương đương 1.500 tấn) sầu riêng nguyên trái đông lạnh đi Mỹ nhờ giá thành sầu riêng xuống mức hợp lý, khoảng 70.000 đồng/kg. Trước đó, khi Trung Quốc ăn hàng, giá sầu riêng tại vườn lên tới 100.000 đồng/kg, doanh nghiệp cấp đông bị đội giá lên khoảng 115.000 đồng/kg, khi mang sang Mỹ không cạnh tranh nổi với sầu riêng Thái Lan" – ông Tùng lý giải.
Cũng theo ông Tùng, lâu nay người trồng sầu riêng quen được giá quá cao, lời nhiều nên khi giá xuống, họ không vui chứ thực tế với giá tại vườn 50.000 đồng/kg là nông dân đã có lời. "Diện tích trồng sầu riêng ngày càng nhiều, giá sầu riêng sẽ khó cao như trước mà buộc phải xuống mức hợp lý hơn. Khi giá hợp lý thị trường mới bền vững. Những năm tới nếu giá sầu riêng tiếp tục cao, các doanh nghiệp chỉ thu mua ở những thời điểm dội hàng, giá thấp để cấp đông mới xuất khẩu được" – ông Tùng nói.
Để trụ vững tại thị trường Mỹ, Vina T&T Group đầu tư mạnh và chặt chẽ vào vùng nguyên liệu để bảo đảm hàng hóa chất lượng cao, giá cao và không cạnh tranh giá thấp. "Công ty đặt mã cho từng hộ sản xuất và phân luồng xanh – vàng – đỏ tùy theo kết quả xét nghiệm sản phẩm. Với những hộ luồng xanh, công ty bao tiêu toàn bộ và chỉ kiểm tra ngẫu nhiên; các hộ luồng vàng công ty sẽ kiểm nghiệm từng lô, nếu đạt chi phi kiểm tra chúng tôi chịu, ngược lại nông dân phải gánh. Riêng các hộ luồng đỏ, tức nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nặng, nông dân phải thay đổi cách trồng, công ty kiểm tra đạt an toàn mới thu mua lại" – ông Tùng kể về cách quản lý vùng trồng.
Để nâng cao hơn chất lượng vùng nguyên liệu, mới đây, công ty ông còn hỗ trợ bà con tại Vĩnh Long về nhân lực, chi phí để lấy chứng nhận Global Gap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) trên diện tích 420 ha trồng thanh long, chôm chôm, xoài, bưởi, nhãn. Trong khi đó, các công ty thương mại không đầu tư, chỉ đi thu mua nên thường có giá rẻ hơn nên công ty gặp khó khi cạnh tranh về giá. Tuy vậy, Vina T&T Group quản lý được vùng trồng, chất lượng bảo đảm hơn nên vẫn có ưu thế.
Không chỉ mang trái cây sang Mỹ, từ cuối năm 2019, Vina T&T Group chính thức bán trái cây đạt "chuẩn xuất khẩu" cho thị trường trong nước sau nhiều năm ấp ủ. Theo ông Tùng, đây là một quyết định mạo hiểm khi Vina T&T Group thuê mặt bằng 300 m2 ngay trung tâm quận 1 (ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để làm showroom bán sản phẩm và các thức uống từ trái cây theo chuẩn xuất khẩu.
"Chúng tôi muốn khẳng định thương hiệu và mong muốn người tiêu dùng nhìn nhận đúng về trái cây Việt: rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ở nước ngoài, trái cây Việt được trân trọng, giá cao. Bộ Nông nghiệp Mỹ còn ra khuyến cáo người dân nên ăn thanh long mỗi ngày vì rất tốt cho sức khỏe trong khi người Việt còn ăn thanh long rất ít. Hiện tại, trái cây Việt bán trong nước, ngay cả tại siêu thị cũng không được chăm sóc nên nhìn rất lép vế so với trái cây nhập. Người tiêu dùng có tiền vẫn chuộng trái cây ngoại hơn hàng nội vốn quen thuộc. Mong muốn của công ty khi phát triển thị trường nội địa là vậy như việc kinh doanh có thành công hay không vẫn còn "tùy duyên" và sự ủng hộ của người tiêu dùng" – ông Tùng bày tỏ.
Trăn trở lớn nhất của "ông vua" xuất khẩu trái cây sang Mỹ là ở thị trường trong nước, người tiêu dùng thiếu niềm tin với trái cây nội vì sợ "thuốc". Từ đó, nhiều nơi quảng cáo bán trái cây sạch không phân thuốc nhưng thực tế Việt Nam đâu dễ có trái cây hữu cơ như vậy. Ở các nước, trồng cây vẫn dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có kiểm soát để sản phẩm không còn tồn dư vượt quy định.
"Nhiều người chọn trái cây ngoại để tránh "thuốc" nhưng thực tế hàng ngoại vận chuyển xa sẽ phải áp dụng công nghệ bảo quản, trong đó có chất bảo quản. Công nghệ này chủ yếu dùng cho hàng xuất khẩu, không chỉ các nước mà doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy. Ví dụ như sầu riêng chúng tôi bán nội địa hái già nên để chín tự nhiên bán tại showroom còn hàng xuất khẩu làm số lượng lớn phải hái trái sớm hơn và xử lý chín đồng loạt. Việc xử lý chín quả có kiểm soát nên trái cây vẫn an toàn, các nước đều sử dụng nhưng trong nước người tiêu dùng lại chưa hiểu đúng"- ông Tùng trăn trở.
Theo ông Tùng, thời điểm sát Tết và trong Tết, lượng hàng của công ty xuất khẩu sang Mỹ vẫn khá nhiều. Nhưng vài ngày gần đây, dịch bệnh do virus corona chủng mới lan rộng, ở Mỹ xuất hiện ca bệnh nên tình hình bán hàng tại Mỹ cũng bị ảnh hưởng do người dân hạn chế ra đường, mua sắm.
Do đó, tình hình chung của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay là hoạt động cầm chừng, tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc hiện đang tê liệt hoàn toàn. Để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh, người dân được khuyên ăn nhiều trái cây hơn nhưng việc người dân hạn chế ra đường khiến việc tiêu thụ sụt giảm.
Bình luận (0)