Được mệnh danh là hành trình địa ngục đốn gục bất cứ ai, cung đường thám hiểm sông băng Chadar tại Ấn Độ không phải là nơi dễ dàng chinh phục của các du khách mê khám phá, khi phải đối diện với cái lạnh bỏng da, băng tăng bất ngờ hay những mõm đá tuyết sắc cạnh trên 65 km hành trình của mình.
Chadar Trek là lối đi chỉ xuất hiện vào mùa đông, là con đường băng chảy dọc theo dòng sông đã bị đóng băng từ thung lũng Zanskar, nối ngôi làng hẻo lánh Zanskar với thị trấn Leh ở bang Ladakh, phía bắc Ấn Độ, nằm ngay cạnh dãy Himalaya. Cung đường được biết đến là một trong những đường mòn khó đi nhất ở Ấn Độ nổi bật với những khung cảnh ngoạn mục, từ những thác băng tới các ghềnh sông và hang động nửa băng.
Là một người đam mê du khảo, Bình Phạm (sinh năm 1977), nữ nhiếp ảnh gia nghiệp dư đến từ TP HCM quyết định tham gia hành trình mạo hiểm cùng các bạn mình trên dòng sông băng mỗi năm chỉ có 1 lần này.
Đây là chuyến hành trình lạnh lùng theo đúng nghĩa đen, khi nhiệt độ xuống đến -30C và những ngọn núi bị phủ đầy tuyết, khu vực Zanskar bị đóng băng hoàn toàn và cách ly với thế giới bên ngoài, những dòng sông đóng băng là con đường duy nhất nối liền nơi đây với phần còn lại của thế giới.
Chuyến đi bắt đầu từ làng Chiling gần nơi hợp lưu của sông Indus và sông Zanskar, từ đó đi bộ theo hẻm núi giữa con sông đóng băng, thỉnh thoảng bạn còn có thể nhìn thấy động vật hoang dã hai bên đường. Con đường này có một cảnh quan ngoạn mục, là thiên đường của nhiếp ảnh gia.
Ngoài sức khỏe và sự dẻo dai, tính kỉ luật và đoàn kết là yếu tố kiên quyết để giúp bạn và đồng đội có thể hoàn tất cuộc hành trình này, khi bạn buộc phải đi thành hàng, chân trước đạp lên dấu chân sau trên băng của người dẫn đường địa phương. Bạn phải ăn đúng và đủ bữa, ngồi đúng chỗ và nghỉ đúng lều, đúng nơi qui định. Khi đến giữa đường, nhiều đoạn sông bất ngờ tan chảy băng khiến đoàn du khảo bị kẹt lại giữa dòng. Có những đoạn du khách phải lội qua dòng nước lạnh với đôi ủng cao su.
Thách thức của tác giả:
• Những luồng gió buốt xuyên xương
• Những tản băng ngay dưới chân có thể rạn nứt, rời đi bất cứ lúc nào
• Trượt ngã là điều không thể tránh khỏi (tui chỏng cẳng 6 lần, mém ngã không đếm xuể)
• Bỏng lạnh, cảm lạnh, thiếu oxy, bị sốc độ cao.
• Bước liên tục không dừng ít nhất 10km mới có những tảng đá để nghỉ chân. Khi dừng sẽ rất lạnh không chịu nổi và không có chỗ để ngồi ngoài băng và tuyết.
• Không bị mỏi chân nhưng mỏi cổ vì đầu luôn trong trạng thái cúi gập để hạn chế trượt ngã.
• Đi hàng một, nếu lệch hàng, có thể lọt sông bất cứ lúc nào, chỉ người địa phương mới biết chỗ nào băng dày băng mỏng.
• Phải có đủ đam mê mới dám thò tay ra bấm máy.
Suốt hàng trăm năm, dân làng trên khắp các ngọn núi đã sử dụng con đường băng Chadar này để đến trường, làm việc, đi chợ hoặc gặp bác sĩ... Nhưng điều đó sẽ thay đổi sớm khi chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường mới ở đây.
Với việc trái đất ấm dần lên, dòng sông băng rắn chắc nhiều năm trước, giờ chỉ là một khối nước - rải rác, di chuyển chậm, nhiều đoạn cực kỳ hẹp. Lớp băng mỏng phía trên, tạo cảm giác hoang mang cho những du khách yếu tim cùng tiếng răng rắc của từng phiến băng mỏng, cảm giác nước xiết bên dưới.
Mặc dù không thể hoàn thành 65km đến làng Nyerak vì bị kẹt ở giữa sông hết 48 giờ do băng tan nhưng chúng tôi cũng đến được thác nước đóng băng như mong đợi (45Km) và quay về an toàn.
Theo thông tin mới nhất, với việc trái đất ấm dần lên, kèm theo dự án xây dựng đường đến Chadar do chính phủ Ấn Độ thực hiện đã chuẩn bị bắt đầu, trong những năm sắp tới, tuyến đường thám hiểm này có thể bị đóng cửa, khép lại những ngày khám phá của du khách yêu sự mạo hiểm và hoang dã nhưng sẽ mở ra cho dân vùng này những cơ hội tốt hơn cho việc hội nhập văn minh.
THỰC HIỆN: BÌNH PHẠM - QUANG LIÊM
Bình luận (0)