Trả lời cho câu hỏi này, anh Ngô Vũ Thế Thiên (SN 2000; ngụ Bình Dương) kể nhiều người trẻ là bạn bè, người thân xung quanh mình cảm nhận về Tết rất đa dạng. Có người thích, có người không và cũng có nhiều người vừa yêu vừa "ngán" Tết vì nhiều lý do.
Bản thân Thế Thiên cảm thấy Tết không còn sự hân hoan như thuở nhỏ, khi những bộ quần áo mới, bánh trái, kẹo mứt và tiếng pháo ngày Tết mang lại niềm vui lớn cho mọi người.
Theo thời gian, những "hương vị ngày xưa" đã dần phai nhạt. Trong những năm gần đây, một số người còn đề xuất bỏ Tết truyền thống và thay thế bằng Tết Dương lịch với lý do Tết đã trở thành gánh nặng, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, đồng thời sinh ra những thói xấu như biếu xén và khiến con người cảm thấy mệt mỏi.
Mặc dù không thể phủ nhận rằng những vấn đề đó có tồn tại, song anh Thiên cho rằng nghĩ như vậy là không thực sự hiểu rõ bản chất thiêng liêng của Tết, chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực mà quên đi những giá trị tinh thần sâu sắc mà Tết mang lại.
Suy cho cùng, Tết vẫn là dịp quan trọng để con người trở về với gia đình, với cội nguồn và gắn kết tình thân. Tết là lúc tưởng nhớ tổ tiên, chia sẻ những cái ôm ấm áp và lời chúc chân thành, là thời điểm để gạt bỏ muộn phiền và cùng nhau ước mong năm mới bình an, hạnh phúc.
Dù xã hội có thay đổi thế nào, Tết vẫn giữ trọn ý nghĩa của sự đoàn viên và yêu thương. Khi còn gia đình, còn những giây phút quây quần bên người thân thì đó là điều quý giá nhất. Tết chính là thời gian để trân trọng những khoảnh khắc quý báu bên những người thân yêu, là dịp để nhắc nhở rằng những giây phút đoàn tụ không thể thay thế được.
Là một người trẻ sinh ra, lớn lên và làm việc tại TP HCM, anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1999; ngụ TP Thủ Đức), nhìn nhận Tết ở thành phố mang một màu sắc rất riêng. Tết ở TP luôn rộn ràng, náo nhiệt. Từ nhiều tuần trước Tết, đường phố ở TP HCM đã được trang hoàng lộng lẫy, nhất là khu vực trung tâm.
Tết ở còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm không khí lễ hội độc đáo, hòa mình vào sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Những hoạt động sôi động như lễ hội đường phố, các buổi biểu diễn nghệ thuật và chương trình ca nhạc mang đến không khí vui tươi, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách từ khắp nơi. Các khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là Phố đi bộ Nguyễn Huệ, luôn tràn ngập sắc màu của hoa mai, hoa đào… mang đến một không gian tươi mới và rực rỡ, khiến ai cũng cảm thấy phấn khích và háo hức đón chào năm mới.
"Mặc dù thành phố hiện đại nhưng người dân vẫn giữ gìn những phong tục truyền thống như lì xì, ăn bánh chưng, bánh tét… và đặc biệt là dịp để gia đình, bạn bè tụ họp, sum vầy. Với mình, dù ở thành phố hay quê, Tết vẫn luôn là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, trở lại với gia đình và những giá trị tinh thần. Dù thế nào, Tết vẫn là lúc để người ta cảm thấy được yêu thương và gắn kết" – anh Cường chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Quốc Bảo (SN 2001; TP HCM) cho biết Tết không chỉ là dịp để sum vầy bên gia đình mà còn là thời điểm để mang đến sự tươi mới cho mọi người qua công việc.
Là một người làm nghề cắt tóc và bán quần áo, anh luôn cảm thấy hạnh phúc khi giúp khách hàng có được diện mạo mới mẻ, tự tin hơn trong những ngày đầu năm.
"Mỗi lần khách bước ra khỏi tiệm với kiểu tóc mới, hay khoác lên mình bộ đồ Tết mới, ánh mắt của họ sáng lên, tôi cảm thấy như đã góp một phần nhỏ để làm đẹp cho đời" - anh Bảo chia sẻ.
Anh Bảo cũng cho biết Tết là dịp để anh tạo dựng thêm những mối quan hệ, giúp đỡ mọi người trong công việc và mang lại niềm vui cho khách hàng. Dù bận rộn với công việc nhưng anh luôn cố gắng để mỗi ngày làm việc trong Tết trở nên ý nghĩa hơn, giúp mọi người thêm phần vui vẻ, tự tin chào đón năm mới.
Với anh, Tết còn là thời điểm để tái tạo năng lượng, khởi đầu mới mẻ cho một năm đầy hy vọng. "Tôi coi Tết như một dịp để làm mới bản thân và xung quanh. Đó là một niềm vui giản dị nhưng trọn vẹn" - Bảo nêu suy nghĩ.
Bình luận (0)