img

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm đạt 662.900 tấn và 3,78 tỉ USD, giảm 9,8% về khối lượng nhưng tăng 51,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu cà phê mỗi năm chỉ xoay quanh mức 3 tỉ USD, cho thấy sự vươn lên thần kỳ của mặt hàng cà phê.


Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 1.

Cơn sốt giá cà phê bắt đầu từ cuối năm 2023, giá chỉ 58.000 đồng/kg đã tăng vọt lên 135.000 đồng/kg (cao nhất) và hiện tại đang ở mức 128.000 đồng/kg.

Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 2.

Anh K'Hiêm - nông dân có rẫy cà phê ở huyện Lâm Hà và Đam Rông - cho biết trong 2-3 năm trở lại đây, giá cà phê tăng cao làm anh và những nông dân trồng cà phê khác cảm thấy vô cùng phấn khởi. Nhiều gia đình từ nghèo khó vươn mình trở thành khá giả, mua sắm được nhiều tài sản giá trị như ô tô, thiết bị điện tử.

Anh Đạt (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cho biết năm 2024 gia đình canh tác 9 ha cà phê, thu được 27 tấn cà phê nhân, bán với giá 120 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lời tiền tỉ. Để tăng năng suất, anh Đạt mạnh dạn đầu tư một chiếc drone (phương tiện bay không người lái) tưới phân cho vườn mình với giá gần 350 triệu đồng.

Theo anh Đạt, cả năm qua giá cà phê cứ giữ quanh mức 125 triệu đồng/tấn nhân. "Nếu mức giá giữ trên 100 triệu đồng/tấn nhân thì nông dân sẽ có lời, yên tâm đầu tư sản xuất" - anh Đạt cho biết.

Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 3.
Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 4.
Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 5.
Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 6.

Ông Trần Văn Bảo (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình có 2,6 ha cà phê. Trước năm 2023, giá cà phê luôn ở mức thấp nên người trồng cà phê cũng chỉ đủ ăn. Nhưng với giá hiện tại, xoay quanh 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Bảo thu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, trên rẫy cà phê, gia đình ông Bảo trồng xen canh thêm hàng trăm cây sầu riêng nên cuộc sống gia đình khấm khá. Có tiền, gia đình ông Bảo đã mua được 1 chiếc ô tô, lo cho con cái ăn học và đầu tư thêm máy móc vào sản xuất. "Trồng cà phê thu nhập có thể không cao bằng sầu riêng hay một số cây khác nhưng dễ làm và rủi ro thấp hơn. Trước đây, mỗi vụ thu nhập hơn 1 tỉ đồng là niềm mơ ước của gia đình tôi nhưng giờ đã thành hiện thực" - ông Bảo chia sẻ.

Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 7.

Đoán đúng xu hướng cà phê tăng giá, có doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lãi khủng. Như trường hợp Công ty CP Cà phê Thắng Lợi (Đắk Lắk), một DN trên sàn đã thông báo lãi trong năm 2024 là 47 tỉ đồng, gấp gần 12 lần so với năm trước. Bí kíp của DN là thực hiện chiến lược "mua trước, bán sau" đúng đắn thay vì tập quán bán trước, mua sau của ngành.


Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 8.

Dù vậy, việc giá cà phê liên tục biến động mạnh trong khoảng thời gian ngắn khiến nhiều đại lý, DN thu mua cà phê "trở tay không kịp" là nguyên nhân chính dẫn đến phá sản, vỡ nợ.

Những ngày qua, nhiều người dân ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) ký gửi cà phê tại Công ty TNHH H.Q (xã Cư Êbur) đứng ngồi không yên sau khi có thông tin DN này vỡ nợ.

Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 9.

Theo phản ánh của một số người dân, từ hàng chục năm nay, nhiều gia đình đã ký gửi cà phê, tiêu cho Công ty TNHH H.Q. Người dân và DN thỏa thuận gửi hàng, mua bán, trả lãi chỉ thông qua sổ sách giao nhận. Những năm đầu, công ty rất sòng phẳng trong việc gom hàng và thanh toán theo nhu cầu của người gửi cà phê. Tuy nhiên, gần đây DN này có dấu hiệu vỡ nợ, sau khi giá nông sản liên tiếp biến động. Có thời điểm, người dân dồn dập tới yêu cầu trả tiền hoặc trả hàng nhưng DN liên tiếp hứa hẹn. Số tiền mà DN này còn nợ người dân được cho là lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Một lãnh đạo UBND xã Cư Êbur cho biết cơ quan công an đã tiếp nhận đơn của người dân tố cáo Công ty TNHH H.Q. Bên cạnh đó, UBND xã cũng nhận được thông báo của cơ quan thi hành án về việc tạm ngừng giao dịch các thửa đất của công ty.

Đáng chú ý, đây không phải trường hợp cá biệt, vài năm gần đây, nhiều đại lý, DN kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã tuyên bố vỡ nợ. Phần lớn các chủ đại lý, DN thu mua nông sản sau khi tuyên bố vỡ nợ không bị xử lý hình sự, do không chứng minh được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những vụ vỡ nợ cà phê đã đẩy bao gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất và gây mất an ninh trật tự.

Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 10.
Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 11.
Giữ vị thế cho cà phê Việt: Xuất khẩu lập kỷ lục nhưng chưa bền- Ảnh 12.

Công ty CP Cà phê PETEC, một DN từng xuất khẩu khoảng 20.000 tấn cà phê Robusta mỗi năm, vừa thông báo tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu cà phê. Lý do được công ty đưa ra là do xung đột quân sự tại một số quốc gia mà PETEC đang xuất khẩu cà phê, ảnh hưởng đến hoạt động giao thương. "Mùa vụ ảnh hưởng đến nguồn cung, giá tiêu tăng quá cao, giá cà phê trong nước vượt giá thế giới, chi phí vận chuyển tăng mạnh, nguồn hàng nội địa khan hiếm. Ngoài ra, tuyến vận tải đi qua vùng biển có nguy cơ rủi ro cao khiến công ty buộc phải tạm dừng xuất nhập khẩu cà phê" - đại diện DN cho biết.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho hay niên vụ 2023-2024 là một năm "khốc liệt" với người kinh doanh cà phê. Bởi lẽ, giá tăng quá nhanh trong khi thông lệ kinh doanh là ký hợp đồng bán ra sau đó mới mua hàng để giao. Nhưng giá cà phê tăng quá nhanh khiến nhiều đại lý phải mua hàng giá cao để giao cho các hợp đồng giá thấp dẫn đến thua lỗ. "Có đến 60% nhà cung cấp cho chúng tôi đã rời thị trường" - ông Thông nói.

Đến niên vụ này, các DN rút kinh nghiệm, chốt song song giữa đầu vào và đầu ra để hạn chế rủi ro.

Ông lớn cà phê thế giới cũng phá sản

Chuyên gia thị trường cà phê lâu năm Nguyễn Quang Bình nói vui rằng trong "cuộc chiến" giá cà phê, nông dân là nhóm duy nhất giành chiến thắng. Còn lại, các nhà thương mại, DN rang xay, xuất khẩu hay chủ các chuỗi cà phê nếu vẫn tồn tại được thì đó là những người rất bản lĩnh.

Theo ông Bình, trên thế giới, không ít công ty kinh doanh cà phê đã phải rời khỏi thị trường khi giá cả biến động mạnh. Mới đây nhất, hai DN xuất khẩu cà phê hàng đầu của Brazil, cùng thuộc sở hữu của Tập đoàn Montesanto, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. "Hiện nay, nhiều thương hiệu cà phê lớn, dù tên tuổi vẫn còn nhưng đã đổi chủ, kể cả với các DN nước ngoài, cho thấy thị trường cà phê những năm gần đây vô cùng khắc nghiệt" - chuyên gia này nhấn mạnh.


Ngọc Ánh - Cao Nguyên - Lê Giang
Lê Giang - Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên