GS-TS Võ Tòng Xuân sinh ra tại Ba Chúc, một làng nhỏ nằm sâu trong dãy Thất Sơn - An Giang. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, tuổi thơ của ông gắn liền với những năm tháng thiếu thốn và vất vả. Chính hoàn cảnh này đã tôi luyện ý chí vượt khó của ông.
Khi bước vào cấp hai, ông đã phải rời xa gia đình, một mình lên Sài Gòn học tập. Nơi đây, cậu học trò vùng quê phải đối mặt muôn vàn thử thách của cuộc sống đô thị. Để trang trải chi phí sinh hoạt và học tập, ông phải làm đủ mọi nghề: bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đi dạy kèm cho học sinh luyện thi…
Có những lúc, vì làm việc quá sức, ông phải vào viện cấp cứu. Thế nhưng, những khó khăn ấy không làm ông nản lòng mà ngược lại, càng thôi thúc ông phải cố gắng hơn nữa trên con đường học vấn.
Cuộc đời GS-TS Võ Tòng Xuân gắn liền với đồng ruộng, nông dân. Ảnh: Hoàng Vũ
Năm 1961, ông được học bổng du học tại Trường ĐH Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông, được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, ông về Việt Nam với mong muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện ĐH Cần Thơ
Trong lúc sự nghiệp đang phát triển rực rỡ tại IRRI, ông đã đưa ra một quyết định bất ngờ. Bỏ lại phía sau mức lương cao cùng môi trường làm việc hiện đại, tiên tiến, ông quyết tâm trở về Việt Nam vào năm 1971. Quyết định này không chỉ thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt mà còn cho thấy ý chí và khát vọng cống hiến của ông. Ông tin rằng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sẽ có ý nghĩa hơn khi áp dụng vào thực tiễn tại quê nhà.
Sau khi trở về nước, ông tiếp tục công tác tại Trường ĐH Cần Thơ; cùng với các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiếp tục thực hiện các đề tài liên quan kỹ thuật trồng lúa và công bố nhiều bài báo khoa học, phổ biến kỹ thuật và chính sách nông nghiệp.
Vào năm 1974, ông du học ở Nhật Bản và học tại Trường ĐH Kyushu, với đề tài nghiên cứu liên quan kỹ thuật trồng lúa tại vùng nhiệt đới. Ông đã hoàn thành chương trình tiến sĩ nông học tại đây vào năm 1975.
GS-TS Võ Tòng Xuân đã biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Từ 1980 – 1992, ông là tác giả nhiều công trình khoa học nghiên cứu sử dụng đất phèn ĐBSCL; nghiên cứu cây lúa cao sản; nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ năm 1990.
Năm 2003, ông là tác giả 2 quyển sách, đồng tác giả một tác phẩm khác, chủ biên 3 công trình, nhiều báo cáo khoa học; hướng dẫn công trình tốt nghiệp cho trên 150 kỹ sư nông nghiệp, 8 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 12 thạc sĩ. Những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở ĐBSCL.
Năm 2023, GS Võ Tòng Xuân cùng với GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) được trao Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nhà khoa học được trao giải thưởng VinFuture.
Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS-TS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
Riêng GS-TS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở ĐBSCL, hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, ông đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.
Qua nhiều năm nghiên cứu và quan sát, GS-TS Võ Tòng Xuân đã đúc kết được những nhận định sâu sắc về tiềm năng nông nghiệp của lục địa này. Ông từng chia sẻ: "Ở Châu Phi, lương thực nằm chính trong lòng đất màu mỡ. Họ còn có nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, khao khát được cống hiến".
Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, GS-TS Võ Tòng Xuân tin rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề đói nghèo ở Châu Phi nằm ở việc trang bị kiến thức và công nghệ. "Chỉ cần trang bị cho họ kỹ năng, công cụ và công nghệ sản xuất phù hợp, chắc chắn châu Phi sẽ chiến thắng "giặc đói", bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững"- ông tin tưởng.
GS-TS Võ Tòng Xuân không chỉ dừng lại ở những ý tưởng mà còn tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Phi. Ông tin rằng thông qua việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm, Việt Nam có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nông nghiệp Châu Phi, góp phần xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Bình luận (0)