Năm 2024, ngành y tế đã hoàn thành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển trung hạn và dài hạn. Ngành y tế cũng xây dựng các cơ chế, quy định, văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ y tế.
Hàng loạt quy định mới
Với yêu cầu sát sao của Bộ trưởng Bộ Y tế, các đơn vị chức năng trực thuộc đã xây dựng các văn bản chỉ đạo, chính sách, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, trong đó có công tác quản lý đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm, bảo đảm công khai, minh bạch. Trong đó, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, đấu thầu tập trung cấp trung ương và địa phương; đẩy mạnh và hoàn thiện phân cấp, phân quyền gắn với nêu rõ trách nhiệm, cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm.
Theo Bộ Y tế, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng. Cụ thể, Thông tư 04/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư 05/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư 07/2024 về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Trong đó, nhiều giải pháp được nêu rõ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế.
Theo ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, năm 2024, bộ đã liên tiếp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với tất cả cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước.
Các đơn vị chức năng của Bộ Y tế như Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia… đã chủ động phối hợp với nhiều sở y tế, bệnh viện để kịp thời hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm, đấu thầu bảo đảm tuân thủ đúng quy định; tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Lãnh đạo một số bệnh viện đầu ngành nhìn nhận Bộ Y tế đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế tại các địa phương, cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các bệnh viện trực thuộc. Từ đó, các bệnh viện có thể chủ động, linh hoạt, tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.


Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đấu thầu thành công nhiều gói thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế với tổng trị giá hàng trăm tỉ đồng phục vụ việc khám chữa bệnhẢnh: NGỌC DUNG
Giải quyết triệt để khó khăn, tồn đọng
Đáng lưu ý, các thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã mẫu hóa toàn bộ các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu và quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu. Bộ Y tế đang hoàn thiện để sớm ban hành sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.
Theo ghi nhận từ các bệnh viện, một số quy định mới đã tạo thuận lợi cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Chẳng hạn, bệnh viện có thể tùy chọn mua thêm để có ngay thuốc, vật tư, thiết bị y tế cần thiết. Cơ sở y tế có thể đấu thầu để mua sắm cho nhu cầu sử dụng 2 - 3 năm thay vì 1 năm như trước đây.
Với các quy định không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, bệnh viện cũng có thể tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình - không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24/2024 và Thông tư 07/2024.
Riêng với nhà thuốc tư nhân nằm trong khuôn viên bệnh viện, không thuộc quyền quản lý của bệnh viện (cho tư nhân thuê địa điểm), hoạt động mua sắm thuốc, vật tư y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023.
Các cơ sở y tế cũng có thể khai thác, tra cứu thông tin về nhà thầu, giá trúng thầu, các mặt hàng trúng thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Qua đó, bệnh viện có cơ sở để xây dựng giá gói thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, tìm hiểu thông tin về các nhà thầu và quá trình đấu thầu của địa phương, bệnh viện khác nhằm mua được với giá phù hợp.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hàng loạt hệ thống máy chẩn đoán, điều trị đã được mua sắm qua đấu thầu, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, khắc phục tình trạng chờ đợi nhiều ngày để được chụp, nội soi như năm 2023. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS-TS Đào Xuân Cơ, thông tin: "Chỉ riêng Trung tâm Tiêu hóa của bệnh viện, mỗi ngày đã nội soi 800 - 1.200 ca. Năm nay, bệnh viện cũng sẽ có thêm các hệ thống, trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị ung bướu".
PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhận định giai đoạn khó khăn nhất về việc thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đi qua. Ông tin tưởng năm 2025, việc thiếu hụt thuốc, vật tư, thiết bị sẽ được khắc phục gần như hoàn toàn để người dân an tâm khám chữa bệnh; nhân viên y tế cũng đỡ áp lực khi phải giải thích với bệnh nhân về tình trạng thiếu hụt này.
Bộ Y tế đang hoàn thiện, sớm ban hành sổ tay hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận xét quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; huy động các nguồn viện trợ một số loại vắc-xin, thuốc hiếm; tập huấn, hướng dẫn nhân viên y tế tại cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…
Về cơ bản, nguồn cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị y tế bảo đảm cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ. Cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đầy đủ. Do vậy, bệnh viện nào cho rằng việc thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế là do cơ chế, chính sách thì lãnh đạo bệnh viện đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)