Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, có thể thứ hạng nào đó trong sản lượng nông sản có thể giảm nhưng quan trọng là mang lại giá trị cao hơn, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn.
Phóng viên: Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng ngành nông nghiệp đã về đích trước thời hạn một cách ngoạn mục, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản lập kỷ lục với 48,6 tỉ USD. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những thành quả này?
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan: Nếu ở thời điểm tháng 8, tháng 9-2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi ngành hàng bị đứt gãy, việc sản xuất, vận chuyển, chế biến khó khăn khiến hệ thống phân phối bị ngưng trệ, thị trường bị đứt gãy, không hình dung nổi ngành nông nghiệp sẽ vượt qua, hoàn thành chỉ tiêu, lập kỷ lục mới về xuất khẩu nông-lâm-thủy sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Giá trị gia tăng không tỷ lệ thuận với những con số tăng trưởng về giá trị xuất khẩu nông sản". Ảnh: Văn Giang
Kết quả này nói lên sự năng động, thích ứng, nhanh nhạy không chỉ trong bộ máy quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương mà còn thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng nhằm kết nối, giữ vững thị trường.
Hàng chục triệu hộ nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn tạo ra được lượng nông sản lớn, giúp ngành nông nghiệp lấy được đà phục hồi nhanh, đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Các tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT đã có nhiều sáng kiến, giải pháp phù hợp, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ chế biến.
Trong điều kiện mỗi địa phương có những quy định khác nhau trong phòng chống dịch thì vai trò kết nối, điều phối của các tổ công tác là rất quan trọng, từ đó mang lại kết quả chung, khẳng định vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khảo sát việc sản xuất, tiêu thụ vải thiều trong thời điểm tỉnh Bắc Giang là "điểm nóng" của dịch Covid-19. Ảnh: Văn Giang.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2021 đâu là những sự kiện đáng nhớ và quan trọng nhất?
Biến cố lớn là đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Có lẽ nỗi ám ảnh lớn nhất đối với ngành nông nghiệp trong năm qua, đó là sự đứt gãy chuỗi giá trị các ngành hàng do các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội và phòng, chống dịch thiếu thống nhất. Thậm chí nhiều địa phương có sự lúng túng do đại dịch chưa có tiền lệ.
Nỗi ám ảnh thứ hai là "cơn bão" giá vật tư đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đều tăng cao. Chính vì giá vật tư tăng cao nên cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Chúng ta nhập khẩu chủ yếu là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Điều đó nói lên hai điều. Một là, chuỗi cung ứng của nền nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng, vì chúng ta cắt khúc giữa sản xuất với thị trường.
Từ các cơ quan quản lý trung ương đến địa phương chủ yếu là chỉ đạo sản xuất mà chưa quan tâm xúc tiến thị trường, chưa quan tâm đầu tư chuỗi logistics cả trong nước và nước ngoài.
Thứ hai, từ câu chuyện vật tư nông nghiệp tăng giá, chúng ta cũng thấy thế giới sau đại dịch rất chông chênh. Do đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, nền nông nghiệp sản lượng cao mà chi phí cũng cao.
Tuy nhiên có thể nói ngành nông nghiệp vẫn trụ vững, với hầu hết các chỉ tiêu được giao đều đạt, nhiều chỉ tiêu đạt cao. Tăng trưởng toàn ngành dự báo đạt 2,8-2,9%. Mọi lĩnh vực đều tăng trưởng, khả quan, nhất là trồng trọt. Lúa tăng sản lượng, diện tích trồng giảm, nhưng năng suất cao…
Giữa những ngày dịch bệnh diễn biến rất căng thẳng, Bộ NN-PTNT đã lập ra Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Tổ 970) và đã hoạt động rất hiệu quả, vừa giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản, vừa giúp công nhân các khu công nghiệp, người dân các đô thị… không bị thiếu thốn lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách. Từ hoạt động của Tổ công tác, có thể rút ra những kinh nghiệm gì, thưa Bộ trưởng?
Lập tổ công tác là câu chuyện xử lý tình huống trong đại dịch, nhưng cũng giúp chúng ta nhìn lại toàn bộ chuỗi cung ứng; tìm cách kết nối sản xuất - tiêu thụ cho từng loại nông sản của các địa phương. Dữ liệu thông tin hiện nay vẫn không thông suốt từ cung - cầu. Người nuôi trồng cứ nuôi trồng, người mua cứ mua. Có thể nói, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn khá mù mờ về thông tin.
Chính vì thế, năm 2022, một trong những trọng tâm công tác của Bộ sẽ là hướng đến sự minh bạch về thông tin về tiêu thụ, xuất khẩu; trước hết là khớp nối giữa sản xuất và tiêu thụ; giữa các vùng nguyên liệu với hệ thống phân phối; cung cấp số liệu đáng tin cậy về quy mô sản lượng, thời vụ; tạo điều kiện cho người mua dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng.
Không thể để tái diễn cảnh lúa chín vàng trên đồng, xoài chín vàng trên cây, cam quýt vào vụ mới đi tìm thị trường. Cả bên cung lẫn bên cầu đều cần sự chủ động chuẩn bị. Các doanh nghiệp thu mua cũng thế, cần có kế hoạch thu xếp vốn liếng, kho bãi, bảo quản, chế biến…
Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng khác là phải giảm cho được chi phí đầu vào. Tôi mới đi công tác Móng Cái, cửa khẩu này chuyên tạm nhập tái xuất hàng nông sản Thái Lan. Hàng được chở xuyên qua Lào, xuyên qua nước ta tới đây để xuất qua Trung Quốc. Chi phí vận chuyển cao thế mà họ vẫn có lãi; vậy phải xem lại chi phí sản xuất, thu mua của chúng ta.
Dĩ nhiên chúng ta vẫn cần nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu vật tư, nhưng cái gì chủ động được thì phải làm. Phải mở ra nhiều lĩnh vực cung ứng mới, đồng thời phát triển hạ tầng logistic, chẳng hạn như phát triển những trung tâm tập kết, bảo quản nông sản ở vùng biên.
Phát triển giao dịch nông sản số - một cấu phần của chuyển đổi sang nông nghiệp số - cũng sẽ góp phần giảm chi phí kinh doanh, đem lại lợi ích tốt hơn cho người nông dân. Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được hoàn thiện, còn kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 đã được triển khai rồi.
Bộ trưởng nghĩ thế nào về câu chuyện nhiều năm nay vẫn được nhắc đi nhắc lại là "được mùa mất giá hay được giá mất mùa"?
Vấn đề là quy luật cung - cầu của thị trường thôi. Tôi thấy buồn khi ai đó cứ đẩy người sản xuất với thương lái thành ra 2 bên "chiến tuyến".
Thương lái cũng từ nông dân mà ra, họ không sát sao cũng sạt nghiệp như chơi. Xứ Đồng Tháp quê tôi có câu "nông dân cũng thương thương lái, thương lái thương lại nông dân".
Các doanh nghiệp không len lỏi xuống từng hộ sản xuất ở vùng sâu vùng xa để thu mua hết được, phải có đội ngũ thương lái. Phải xây dựng cho được một hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cả thương lái, trong đó tất cả các bên phải có niềm tin lẫn nhau, nhất là trong một nền nông nghiệp còn nhỏ lẻ như của ta hiện nay.
Để khắc phục nghịch lý "mất giá" thì như tôi đã nói, phải có thông tin để chủ động ngay từ khâu sản xuất, thu mua, tránh "dội chợ"; kết nối cung – cầu; có hạ tầng để bảo quản, chế biến; rồi tiết giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá linh non trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Văn Giang
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã mở ra cơ hội như thế nào cho ngành nông nghiệp? Chúng ta đã tận dụng được lợi ích từ các FTA chưa, thưa Bộ trưởng?
FTA luôn có hai mặt, chứ không chỉ toàn cơ hội. Năm qua, một thành công của Bộ là phối hợp với các cơ quan khác giải toả được cuộc điều tra theo mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 của Mỹ về gỗ, góp phần đẩy giá trị xuất khẩu gỗ lên 14,5 tỉ USD. Nhưng thẻ vàng IUU do EU áp đặt (cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) vẫn chưa được gỡ và gần đây Mỹ áp thuế chống phá giá với mặt hàng mật ong…
Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, rào cản thương mại, kỹ thuật bảo hộ và đặc biệt là yêu cầu của xu thế tiêu dùng có trách nhiệm là những hợp phần tất yếu. Vượt qua những rào cản đó chính là nhiệm vụ của chúng ta, nếu muốn được hưởng những trái ngọt của các FTA.
Tôi vẫn nói nôm na là ngành nông nghiệp đang đứng trước "3 biến". Một là biến đổi khí hậu, hiện hữu rồi. Hai là biến đổi thị trường - thị trường này mở ra, thị trường khác khép lại, thậm chí có thị trường một cánh mở, một cánh khép vì hàng rào kỹ thuật. Ba là biến đổi xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng không chỉ sạch, ngon, mà còn phải "xanh" nữa, tức là ít tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái nhất có thể.
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ cân bằng Carbon vào năm 2050. Để thực hiện được cam kết đó, ngành nông nghiệp có vai trò không nhỏ.
Vừa qua tại một hội thảo mà tôi cùng chủ trì với bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới, tôi rất đồng tình khi bà ấy nói, phải xem việc chuyển nền nông nghiệp "nâu" - thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, nhân lực sang "xanh" - thâm dụng khoa học tri thức… là cơ hội. Nông nghiệp không chạy theo sản lượng mà chuyển sang mô hình tuần hoàn sẽ tạo ra nhiều ngành hàng mới, doanh nghiệp khởi nghiệp mới, việc làm mới ở nông thôn. Định hướng đó cũng đã được thể hiện trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến 2030, tầm nhìn 2050 Bộ NN-PTNT trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng tất nhiên câu chuyện này liên quan đến hàng chục triệu hộ nông dân và toàn xã hội, không chỉ gói ghém trong Bộ NN-PTNT. Toàn xã hội cùng phải đồng lòng góp sức.
Năm 2021 giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cao kỷ lục, vậy Bộ NN-PTNT có đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 cao hơn hay không?
Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát. Nghĩa là, chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chúng ta chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường, kể cả cách thúc đẩy xuất khẩu vào từng thị trường.
Đa phần sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sang thị trường nước ngoài là phục vụ người gốc Á sinh sống ở quốc gia đó, chứ chưa thâm nhập vững chắc vào các hệ thống phân phối lớn ở các quốc gia.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái trên địa bàn huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Văn Giang.
Bởi vậy, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng nhanh, nhưng chưa có tính bền vững. Ví dụ, chúng ta thấy giá nhãn, vải thiều trên quầy kệ ở Nhật Bản và Mỹ có giá cao ngất ngưởng, chúng ta cảm thấy vui và tự hào. Nhưng thực ra, chi phí logistics đã chiếm phần lớn rồi.
Hiện, Bộ NN-PTNT đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc, để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tới mùa vụ chúng ta mới thu gom để xuất khẩu, mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá.
Chúng ta phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hoá theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Nếu nông sản không sạch thì chế biến cũng không sạch theo. Kể cả các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào, để tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.
Sắp tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các đơn vị xuất khẩu nông sản và lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian.
Chúng tôi đã bàn với các hãng hàng không Bambo Airways và Vietjet Air, cơ bản các doanh nghiệp đồng ý giảm chi phí vận chuyển cho nông sản xuất khẩu. Khi đề án xuất khẩu nông sản bền vững được triển khai, tôi nghĩ chúng ta không chỉ xuất khẩu được 48,6 tỉ USD, mà còn cao hơn và vững chắc hơn.
Bộ trưởng đã nhiều lần nêu quan điểm ngành nông nghiệp phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong năm 2022 tư duy này sẽ được thể hiện như thế nào?
Mục tiêu của nền nông nghiệp đi theo tư duy sản xuất nông nghiệp là tạo ra giá trị cao hơn. Trong tam giác phát triển Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, mỗi bên phải liên kết, hỗ trợ, tạo ra không gian phát triển chung, bổ sung sức mạnh, sử dụng lợi thế của nhau. Khi Bộ NN-PTNT phát đi tín hiệu này, các doanh nghiệp hưởng ứng rất nhiệt tình.
Tôi cho rằng việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phải mang hơi thở cuộc sống, cộng hưởng với tư duy thị trường của doanh nghiệp, với sản xuất của nông dân thì khi đó chính sách mới thành công.
Nếu chính sách trong phòng lạnh, còn nông dân ở ngoài đồng thì sẽ có sự khập khiễng trong thực tiễn. Doanh nghiệp cũng không cần phải đợi chờ chính sách hỗ trợ mà hãy khuyến nghị chính sách thông qua những cách làm thực tế.
Năm 2021, nếu nói một từ duy nhất về ngành nông nghiệp thì đó là từ: BIẾN. Nhưng qua sự biến động, chúng ta cũng nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.
Khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, có thể thứ hạng nào đó trong sản lượng nông sản có thể giảm nhưng quan trọng là mang lại giá trị cao hơn, giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến Chiến lược xoay quanh ba trụ cột: "Nông nghiệp sinh thái", "Nông thôn hiện đại", "Nông dân thông minh".- Ảnh: Văn Giang
Thưa Bộ trưởng, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đó là Chiến lược xoay quanh ba trụ cột: "Nông nghiệp sinh thái", "Nông thôn hiện đại", "Nông dân thông minh". Cùng với đó Chiến lược cũng tập trung tháo gỡ thể chế - Khơi thông nguồn lực". Vậy ngành sẽ làm gì để giải bài toán này?
Về nguồn lực, thường khi xây dựng chiến lược hay làm gì đó, câu hỏi sẽ đặt ra: Tiền đâu để làm trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Đúng, không có ngân sách không làm được, nhưng tiền là bao nhiêu trong túi ngân sách của nhà nước.
Tiền nhà nước có hữu hạn, trong khi nhu cầu là vô hạn thì phải biết cách nhìn trong chiến lược ta xây dựng. Đừng bao giờ nghĩ nhà nước sẽ làm hoàn toàn. Biết đâu cái chiến lược đó, ý tưởng đó sẽ kích thích xã hội đầu tư vào. Ngân sách đáp ứng được phần nào thì phải tùy vào chương trình cụ thể, tuy nhiên tôi tự tin rằng nếu chúng ta tiếp cận đúng vấn đề, đó là một phần đầu tư công để dẫn dắt vốn đầu tư của xã hội.
Ví dụ chúng ta đầu tư một cảng cá cho chiến lược thủy sản, nếu chúng ta nghĩ nó là cảng cá thì nó chỉ là cái cảng cá đơn thuần là nơi neo đậu tàu thuyền. Nhưng nếu chúng ta nghĩ nó là một khu phức hợp, trong đó có chế biến thủy sản, huấn luyện nghề cho ngư dân, làm du lịch… thì sẽ kích hoạt đa giá trị ở cảng cá đó. Cũng như các hồ thủy điện của chúng ta, rất đẹp nhưng chúng ta chỉ đơn thuần là hồ chứa cung cấp nước. Nhưng sao chúng ta không nghĩ đập Tam Hiệp của Trung Quốc mỗi năm đón mấy triệu khách du lịch. Họ biến công trình thủy lợi không chỉ có chức năng chứa nước mà phải mang lại giá trị khác nữa.
Xưa giờ chúng ta chỉ hưởng tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị khi chủ yếu là bán thô. Bây giờ phải tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, biến thực phẩm thành dược phẩm, thành mỹ phẩm - điều mà cả thể giới đang tiếp cận. Lâu nay chúng ta vẫn lấy sản lượng làm mục tiêu chứ không lấy giá trị làm mục tiêu. Nếu lấy giá trị làm mục tiêu sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho nông dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận (0)