img

Vô tình bén duyên với Đà Lạt, vô tình mê mẩn hương vị cà phê Arabica nổi tiếng ở Cầu Đất, vợ chồng chị Lê Thị Tuyết quyết định nuôi ước mơ phát triển thương hiệu cà phê organic với giống cà phê cũ đặc trưng tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 1.

Ban đầu, vợ chồng chị Lê Thị Tuyết chỉ có ý định tìm một mảnh đất nhỏ, xa trung tâm TP Đà Lạt để nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc vất vả ở TP HCM. Nhưng sau đó, vợ chồng chị phát hiện mình đã "yêu đậm sâu" mảnh đất sương mù. Vì thế cả gia đình quyết định rời TP HCM về sinh sống và làm việc tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2019, anh Lê Minh Quang- chồng chị Tuyết bắt đầu chăm sóc lại khu vườn, từ một khu vườn cằn cỗi cải tạo thành một mảnh đất tràn đầy sức sống. "Lúc mua mảnh đất này, trong vườn cũng có sẵn những cây cà phê vừa chín rộ. Vợ chồng cũng tò mò hái xuống rồi đem phơi theo cách thủ công, tập tành rang, xay mẻ cà phê đầu tiên. Ấy vậy mà thành phẩm lại ngon không tưởng" - Anh Quang chia sẻ.

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 2.

Những hạt cà phê chín mọng còn sót lại sau vụ mùa vừa qua

Đó cũng là ly cà phê đầu tiên anh uống vào mà không cảm thấy hồi hộp hay chóng mặt. Sau khi tìm hiểu thì biết đây là loại cà phê Arabica, lượng cafein trong hạt ít hơn loại cà phê thông thường.

"Ngày ở TP HCM, mình quen uống cà phê đậm vị, thậm chí phải có đường, sữa thật nhiều. Nhưng sau khi dùng cà phê Arabica thì mình yêu luôn cà phê này. Mặc dù không có đường, đá, nhưng vẫn khiến người dùng mê mẩn… thật lạ kì" – chị Tuyết bộc bạch

Những mẻ cà phê đầu tiên ra đời, chị Tuyết mang đến từng nhà người quen nhờ thưởng thức. Nhận được sự đánh giá tốt từ bạn bè, vợ chồng chị cảm thấy tự tin hơn. Từ đó, anh chị quyết định ấp ủ ước mơ thành lập thương hiệu cà phê Pine Village trong khuôn viên vườn nhà. Đặc biệt, những hạt cà phê Arabica đều 100% organic.

img
img

img
img

Toàn bộ cà phê đều được chăm sóc tự nhiên, không bón phân hóa học, không có thuốc trừ sâu,...

Khi xã hội càng phát triển, con người ngày càng quan tâm đến bảo vệ môi trường và sử dụng những thực phẩm sạch. Thực phẩm organic (hữu cơ) dần được nhiều người lựa chọn. Đó là các thực phẩm không sử dụng hóa chất như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản…; quá trình nuôi trồng, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên.

Chia sẻ về lý do trồng cà phê Arabica theo phương pháp hữu cơ, chị Tuyết cho biết bản thân không áp lực sản lượng cà phê bán ra mà chú trọng chất lượng từng hạt cà phê đến với tay khách hàng. "Arabica là một "nàng cà phê" khó chiều, bất kì tác động bên ngoài nào cũng có thể làm hương vị của "nàng" giảm đi. Arabica chỉ thực sự thăng hoa khi được chăm sóc tự nhiên nhất"- chị nhận xét.

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 5.
img
img

Theo chị Tuyết, cà phê Arabica có 4 loại hạt phổ biến là: Typica, Bourbon, Mocha, Catimor

Hiện nay, một số hộ nông dân ở Cầu Đất đã bắt đầu chuyển dần sang canh tác hữu cơ. Một số địa phương lận cận khác cũng bắt đầu chuyển đổi. Đây là một tín hiệu mừng cho ngành cà phê. Mọi người bắt đầu thay đổi quan điểm canh tác, chú trọng chất lượng hơn.

"Cây cà phê cũng giống như con người, nếu làm việc quá sức sẽ chóng tàn. Thay vì mình ra sức "bóc lột" khai thác cà phê triệt để thì tôi muốn nuôi dưỡng cây để phát triển dần về sau" - chị Tuyết bộc bạch.

Đôi vợ chồng mê mẩn hương vị cà phê Arabica và hành trình khởi nghiệp

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 8.

Không đơn thuần chỉ xây dựng thương hiệu cà phê Pine Villge, vợ chồng chị Tuyết mong muốn dòng Arabica có thể nhân rộng trong khu vực. Hồi sinh lại dòng cà phê bấy lâu nay bị lãng quên, dòng cà phê đặc trưng của Cầu Đất.

"Mình mong muốn thương hiệu cà phê Cầu Đất được địa phương bảo trợ nhiều hơn để phát triển. Nông dân vì mãi chạy theo những giống cà phê có lợi nhuận kinh tế mà quên rằng chính Arabica mới là đặc sản của mình" – chị Tuyết tâm sự

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 9.

Với vợ chồng chị Tuyết, khu vườn cà phê chính là hơi thở cuộc sống của họ

Theo chị Tuyết, nông dân xã Xuân Trường quanh năm "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất" với hi vọng có thể bán cà phê với giá thành hợp lý. Thế nhưng, cà phê luôn bị ép giá, hạt bán ra không xứng đáng với công sức, nhiều nông dân vì thế phải bỏ cuộc.

Đứng trên triền dốc nhìn ra vườn cà phê ở phía xa, chị Tuyết mong muốn địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân. Những chính sách ấy sẽ giúp người nông dân có động lực làm việc. Người nông dân vui, ngành cà phê phát triển, các hoạt động du lịch, kinh doanh cũng sẽ được kích cầu hơn.

img
img

Những trái cà phê chín khô sẽ cho lượng mật tuyệt vời

img
img

Với việc canh tác hữu cơ, sản lượng cà phê những năm đầu rất hạn chế, nhưng theo thời gian cây cà phê sẽ hồi phục đúng với bản chất tự nhiên nhất. Nhìn từng hạt cà phê chín mọng còn sót lại trên cây, chị Tuyết tâm sự: "Mình hi vọng việc canh tác như thế sẽ góp phần bảo vệ môi trường, đất dần được bồi đắp và màu mỡ trở lại. Về lâu dài, mình tin chắc sẽ có được nguồn thu hoạch tốt hơn".

Người nông dân mong muốn có những chính sách hỗ trợ để phát triển cà phê Cầu Đất

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 13.

Là người yêu cà phê và mong muốn mang đến những ly cà phê chất lượng nhất cho người tiêu dùng, chị Tuyết luôn mong cả phái nam và phái nữ có thể "thỏa mãn đam mê" với dòng Arabica. Tuy nhiên, có lẽ vì sự dịu nhẹ, tinh tế của "nàng" Arabica mà các tín đồ cà phê nữ lại chuộng nhiều hơn các anh nam

Cà phê Arabica khi uống có vị chua thanh thanh, đắng nhẹ, hậu ngọt lâu, lượng cafein ít. Ngoài ra, "nàng" Arabica còn có thể dùng để chế biến thành các loại cà phê trái cây hấp dẫn.

img
img

Quá trình rang cà phê phải túc trực 24/24 giờ. Theo anh Quang, khó nhất là khâu canh nhiệt độ, nếu để hạt bị rang cháy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùi vị cà phê  

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 15.

Nhâm nhi ly cà phê trong trời sương sớm, vợ chồng anh Quang, chị Tuyết ngồi xem lại những hình ảnh đã chụp trong chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức.

Cả hai cười tít mắt, cảm thấy hạnh phúc vì hành trình khởi nghiệp 4 năm qua đã khởi sắc. "Lần đầu tiên Pine Village đến với đấu trường cà phê lớn. Vợ chồng chạy xe từ Đà Lạt đến TP HCM, khi đến nơi có chút "rén" vì chương trình quy tụ rất nhiều "ông trùm" cà phê. Chỉ đến khi khách tham quan vây kín quanh gian hàng cà phê Pine Village, họ đặt ra những câu hỏi về hương vị, cách pha chế, thích thú tận hưởng hương vị cà phê 100% organic thì mình mới dám thở mạnh" – anh Quang hào hứng.

img
img
img

Gian hàng cà phê của vợ chồng chị Tuyết tại chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" 

Tại chương trình "Tôn vinh cà phê Việt", cà phê Pine Villge thu hút nhiều người đến tham quan và thưởng thức

Anh Quang là một kỹ sư công trình, chị Tuyết là một giảng viên đại học, cả hai đều tay ngang làm nông dân. Trong khu vườn, từng gốc cà phê, cây hoa đều do anh Quang chăm sóc. Anh Quang bày tỏ: "Mình không biết trồng cây là gì nhưng vì vợ thích nên mọi thứ đều phải cố gắng. Vợ vui, con vui, cả nhà cùng vui!"

"Năm nay món quà tinh thần to nhất dành cho vợ chính là những trải nghiệm thiết thực chương trình "Tôn vinh cà phê Việt", còn món quà vật chất "độc nhất vô nhị" chính là khu vườn này. Không riêng gì 8-3 mới tặng hoa cho vợ, ngày nào vợ cũng có cả vườn hoa"- anh Quang hạnh phúc.

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 18.
Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt xây dựng thương hiệu cà phê organic - Ảnh 19.

Đôi vợ chồng bỏ phố về Đà Lạt, quyết tâm xây dựng thương hiệu cà phê organic đặc trưng của vùng Cầu Đất

Lời chúc ngọt ngào trong ngày 8-3

Nội dung: HUẾ XUÂN 

Thiết kế: NGỌC TRINH 

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên