Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có một năm 2019 với nhiều sự kiện đặc biệt. Bất ngờ và mạnh mẽ nhất là chuyển hướng từ hình hài của một tập đoàn chuyên về bất động sản - bán lẻ sang công nghiệp - công nghệ với tầm nhìn vươn ra toàn cầu. Theo đó, Vingroup khánh thành nhà máy VinFast và trình làng những chiếc xe thương hiệu Việt đầu tiên một cách thần tốc. Ngoài ra, Vingroup cũng tung ra thị trường một số mẫu điện thoại và nhận được phản hồi khá tốt.
Tuy vậy, nhiều động thái của Vingroup gần đây đang gây tò mò rất lớn trên thị trường. Đó là quyết định chuyển giao VinCommerce cho Tập đoàn Masan, dừng hoạt động trang thương mại điện tử Adayroi.com và giải thể chuỗi VinPro. Chưa hết, hãng hàng không Vinpearl Air được gấp rút triển khai chỉ trong vài tháng với nhận diện khá hiện đại, đồng bộ cũng đột ngột dừng cuộc chơi khi chưa kịp… chơi. Những động thái này đều được giải thích là để tập trung nguồn lực phát triển công nghệ, công nghiệp với hai nền tảng chính là VinFast và Vinsmart.
Tuy dừng một số mảng đầu tư, tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 248 thế giới với khối tài sản 7,6 tỉ USD. Ông cũng là tỉ phú USD đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2013 với khối tài sản 1,5 tỉ USD, theo ghi nhận của Forbes.
Bất chấp miếng bánh thị trường hàng không Việt Nam đang ngày bị san sẻ bởi sự xuất hiện của Bamboo Airways của tỉ phú Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu Vietjet Air (VJC) năm 2019 vẫn tăng trên 20% từ mức dưới 110.000 đồng/cổ phiếu lên vùng đỉnh 146.000 đồng/cp như hiện tại.
Với mức giá này, khối tài sản của nữ tướng Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2,7 tỉ USD. Trong đó, tài sản không chỉ ở Vietjet, HDBank mà còn ở đế chế Sovico Holdings - nơi bà là chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank. Bà nằm trong nhóm 1.000 tỉ phú USD giàu nhất trên thế giới (đứng thứ 941), theo xếp hạng của Forbes. Bà nổi tiếng là nữ tỉ phú hàng không duy nhất của thế giới và là nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
Bà Thảo mới đây cũng đã không ngần ngại công bố mở thêm 5 đường bay mới tới Nhật Bản, dự kiến khai thác ngay trong năm 2020.
Tài sản giảm nhẹ trong năm qua, xuống mức 16.450 tỉ đồng và đã có lúc không còn xuất hiện trong danh sách tỉ phú của Forbes nhưng Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long - vẫn tăng hạng trên sàn chứng khoán Việt Nam với vị trí thứ 4. Hiện, ông đứng ở vị trí 1.996 trên bảng xếp hạng những tỉ phú giàu nhất hành tinh của Forbes với khối tài sản được ghi nhận là 1 tỉ USD.
2019 cũng là năm thành công của tập đoàn Hòa Phát khi đã hoàn thành 90%-95% giai đoạn xây dựng khu liên hợp Dung Quất (Quảng Ngãi), đồng thời đưa dây chuyền thép cán nóng đầu tiên đi vào vận hành từ quý II/2019.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động nhân dịp năm mới 2020, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát bày tỏ kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019. Trong đó, chính sách điều hành tỉ giá, cơ chế chính sách, pháp luật liên quan về sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định…
Tỉ phú ngành thép đánh giá tăng trưởng của ngành trong năm 2020 vẫn tốt nhờ việc thực hiện các dự án hạ tầng lớn của Chính phủ và các địa phương, cộng với nhu cầu xây dựng dân dụng có xu hướng tăng. Hòa Phát đặt mục tiêu 3,6 triệu tấn thép xây dựng trong năm nay, phấn đấu tăng trưởng 50% sản lượng tại miền Trung, 100% tại miền Nam so với con số năm 2019.
"Đây là mục tiêu khá nhiều thách thức nhưng tôi tin sẽ đạt được bởi giai đoạn 1 Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã dần chứng minh được công suất. Tôi luôn tâm niệm mình cứ làm đúng, nghiêm túc, kiên định với mục tiêu đề ra thì thành quả sẽ tới" - vị tỉ phú chia sẻ với Báo Người Lao Động.
Không nằm trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương được biết đến là một doanh nhân cực kỳ tâm huyết với ngành sản xuất ôtô của Việt Nam. Ông xếp hạng thứ 1.349 thế giới trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản 1,7 tỉ USD, theo công bố của Forbes vào đầu tháng 3-2019.
Dưới bàn tay lèo lái và khát vọng chinh phục thị trường thế giới của ông chủ THACO, những ngày cuối tháng 12-2019, tại cảng Chu Lai (Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam), THACO đã lần đầu tiên đưa 15 chiếc xe buýt mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang Philippines. Không dừng lại ở đó, THACO còn xuất lô linh kiện phụ tùng ôtô sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trước đó ít ngày, THACO cũng đã xuất khẩu 1 chiếc xe bus mẫu sang Singapore và xuất khẩu lô đầu tiên gồm 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe được sản xuất tại nhà máy Thaco Kia ở KCN Thaco Chu Lai - Quảng Nam.
Tính chung trong năm 2019, THACO xuất khẩu được 186 ôtô, gồm 21 xe buýt sang các thị trường Philippines, Thái Lan, Singapore; 33 xe tải sang Campuchia và 11 sơ mi rơ-moóc sang Mỹ cùng 14,5 triệu USD linh kiện phụ tùng.
Không lơ là đầu tư cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô nhưng "ông vua" sản xuất ôtô trong nước cũng không ngại làm mới mình khi liên tiếp bắt tay với các đại gia nông nghiệp để cùng xây dựng một ngành nông nghiệp công nghệ cao. Hơn 1 năm sau khi đầu tư hàng tỉ USD vào Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG), ông Trần Bá Dương tiếp tục rót ngàn tỉ đồng cứu Công ty CP Hùng Vương (HVG) của "vua cá" Dương Ngọc Minh.
Thị trường đặt cho ông Dương biệt danh là "người giải cứu đại gia nông nghiệp" nhưng ông cho rằng đó không phải là "giải cứu". Ông xem đó là một cơ duyên để hợp tác, vừa giúp đối tác vượt qua khó khăn, vừa giúp chính THACO có thêm một ngành nghề sản xuất kinh doanh để phát triển.
Trong lễ ký kết hợp tác chiến lược với HVG hồi đầu tháng 1-2020, ông Trần Bá Dương bày tỏ những thương vụ bắt tay với đại gia nông nghiệp "gặp khó" đã thể hiện văn hóa chia sẻ, hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam. Ngay những thành quả mà THACO có được, theo ông Dương, là do thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Trong đó, chính những đối tác như bầu Đức của HNG hay "vua cá" Dương Ngọc Minh là yếu tố "nhân hòa" rất cần thiết.
Bình luận (0)