Có thể nói 2018 là năm mang lại nhiều dấu ấn nhất cho thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam từ trước giờ, khi các sàn TMĐT liên tục phá kỷ lục về doanh số sau các đợt khuyến mãi, đi kèm với cuộc đua rót vốn khủng.
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, thứ tự bộ ba "ông lớn" trong làng TMĐT Việt Nam hiện nay lần lượt là Shopee, Lazada và Tiki. Gây "sốc" nhất là Shopee khi chỉ trong hơn nửa năm 2018 đã vươn lên chiếm vị trí số 1 vốn thuộc về Lazada. Ngoài ra, thị trường còn 2 tên tuổi đáng gờm khác cùng chia miếng bánh thị phần 2,8 tỉ USD là Thế Giới Di Động và Sendo. Đáng lưu ý, theo các dự báo, quy mô ngành TMĐT sẽ không chỉ dừng ở con số chưa tới 3 tỉ USD như hiện nay mà có khả năng đạt 15 tỉ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng 43%/năm, cao nhất Đông Nam Á.
Không chỉ ghi dấu ấn trong nước, TMĐT Việt Nam còn được đánh giá là thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á. Báo cáo xếp hạng 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất khu vực Đông Nam Á năm 2018 của iPrice cho thấy có đến 5 trong số đó là các công ty hiện đang có mặt tại Việt Nam, lần lượt là Lazada, Shopee, Tiki, Thế Giới Di Động và Sendo, được bình chọn. Như thế, trừ 2 tập đoàn đa quốc gia là Lazada và Shopee, Việt Nam đã có 3 đơn vị nội có góp tên trong bảng xếp hạng này, vượt cả tập đoàn JD của Trung Quốc hiện có mặt ở Indonesia và Thái Lan.
Hãng nghiên cứu thị trường Statista thì công bố số liệu cho thấy doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2018 đạt 2,269 tỉ USD - tăng trưởng 29,4%; luỹ kế doanh thu giai đoạn 2018-2023 là 4,476 tỉ USD. Với quy mô như trên, theo Statista, TMĐT Việt Nam đã lọt vào tốp 6 nền TMĐT phát triển nhất toàn cầu năm qua.
Những con số nêu trên cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng hiện đang rất cao và sẽ còn tăng thêm theo cấp số nhân trong các năm tới. Đây chính là môi trường lý tưởng cho các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT tung chiêu để so kè quyết liệt.
Thực tế, 5 sàn TMĐT lớn có lượt truy cập sát nút nhau, theo số liệu được Hãng nghiên cứu thị trường Statista công bố vừa qua. Cụ thể, Shopee đang ở vị trí dẫn đầu với 123,2 triệu lượt truy cập; Tiki giữ vị trí số 2 với 107,9 triệu lượt truy cập; thứ 3 là Lazada với 97,6 triệu lượt; Thế Giới Di Động có 88,3 triệu lượt và xếp cuối là Sendo cũng không kém cạnh với 76,2 triệu lượt truy cập. Điều này chứng tỏ khả năng bứt phá, soán ngôi lẫn nhau hoàn toàn có thể xảy ra trong năm 2019.
Với tiềm năng quá lớn đó, các công ty TMĐT liên tiếp được rót các khoản tiền khủng từ các quỹ đầu tư quốc tế. Đầu năm 2018, Tiki nhận thêm tiền từ tập đoàn JD của Trung Quốc, bổ sung vào khoảng đầu tư 44 triệu USD đã nhận trong năm 2017. Đến tháng 9-2018, VNG lại rót 122 tỉ đồng vào Tiki. Còn Shopee trong năm qua nhận 1.200 tỉ đồng từ công ty mẹ là Tập đoàn SEA (Singapore). Không kém cạnh, hồi tháng 3-2018, Tập đoàn Alibaba bơm thêm 2 tỉ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Shopee. Sendo không "ngồi im chịu trận" khi kêu gọi được tổng cộng 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác. Ngoài ra, Leflair cũng nhận 3 triệu USD từ CMG…
Dòng tiền đầu tư được cho là đã đem lại nhiều màu sắc mới cho bức tranh TMĐT Việt Nam. Các sàn dường như được tiếp sức mạnh mẽ hơn để bứt phá. Không chỉ riêng Shopee ngoạn mục vươn lên dẫn đầu mà các đối thủ cũng có những dấu ấn nhất định. Chẳng hạn, Tiki trong quý III/2018 có số lượt truy cập website tăng 47,59% so với quý trước đó và đến tháng 10-2018, bất ngờ leo lên vị trí thứ hai toàn quốc về số lượt truy cập website trung bình. Sendo tuy đứng ở vị trí thấp hơn nhưng cũng tự phá được kỷ lục của chính mình khi công bố đạt 5 triệu sản phẩm bán ra trong một tuần dịp Black Friday. Như vậy, quyết tâm rót tiền không tiếc tay để giành thị phần của các tập đoàn đã đem lại kết quả nhất định và dự báo cuộc chiến tiếp tục gay cấn trong năm 2019.
Trả lời Báo Người Lao Động về dự báo cuộc chiến TMĐT năm 2019, ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng với việc liên tục nhận vốn khủng trong năm 2018, có thể dễ dàng dự đoán xu thế 2019 sẽ vẫn là cuộc chạy đua giành ngôi vị giữa các sàn TMĐT. Việc này sẽ thúc đẩy các ngành hậu cần tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là hai ngành: vận chuyển cho TMĐT và thanh toán cho TMĐT, đặc biệt là thanh toán di động. "Có thể thấy thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2018 đã trở thành cuộc chơi lớn của các tay chơi "chịu chi" và "chịu chơi". Việc này kéo theo sự tăng trưởng mạnh của ngành giao hàng và thanh toán. Sẽ có các tên tuổi mới xuất hiện trong hai ngành vận chuyển và thanh toán tại Việt Nam" - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam phân tích.
Bình luận (0)