(NLĐO) - Qua hơn 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng "Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", nông dân Đồng Tháp đã lựa chọn đúng hướng đi và đạt được những kết quả rất phấn khởi. Trong đó, nổi bật nhất là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", góp phần mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Nông dân Đồng Tháp mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Đến nay, Đồng Tháp đã chuyển đổi được gần 25.000 ha đất lúa kém hiệu quả, hơn 65% chuyển sang cây trồng bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen; hơn 30% chuyển sang trồng cây lâu năm như xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn; 3,9% chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản với hình thức luân canh lúa - tôm, lúa - cá, lúa - ếch.
Chúng tôi tỏ ra thích thú với cánh đồng lúa chín vàng của nông dân Huỳnh Văn Kiểm, ngụ xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa và cá. Nông dân Kiểm cho biết ông đã thay đổi tư duy chuyển sang canh tác theo mô hình 2 vụ lúa, 1 cá với diện tích 10 ha để nâng cao thu nhập kinh tế. Ông Kiểm phẩn khởi chia sẻ: "Tôi canh tác lúa hữu cơ bao tiêu với công ty, đồng thời nuôi cá và dự trữ cá đồng từ tự nhiên. Mỗi vụ, gia đình lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất từ việc chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa hữu cơ đã giúp tôi thu lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với sản xuất kiểu truyền thống".
Trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân Đồng Tháp đổi mới cách sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một thửa ruộng
Nông dân Nguyễn Anh Dũng, ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò được biết đến là người đã lai tạo thành công 7 giống lúa được thị trường ưa chuộng, như: LD2012; Ngọc Đỏ Hương Dứa; Tím Sen; 384; Huyền Ngọc Định An; Nhũ Hồng; LD2012-1. Trong đó, giống Ngọc Đỏ Hương Dứa được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng với giá bán rất cao, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Ông Dũng đang sản xuất lúa với diện tích 7,2 ha, năng suất đạt 119 tấn/năm. Trong sản xuất lúa, bên cạnh nâng cao chất lượng, giảm giá thành, ông còn ứng dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Trong 3 năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lúa gạo, ông Dũng thu được lợi nhuận về cho gia đình khoảng 2 tỉ đồng. Cùng với đó, ông còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho những nông dân khác.
Từ sự thay đổi tư duy trong sản xuất nôn nghiệp đã giúp nông dân Nguyễn Anh Dũng đạt danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông" vào năm 2018 và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là nông dân xuất sắc năm 2021. "Nông dân trong thời đại mới phải tự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp để bắt nhịp với xu thế phát triển của xã hội. Từ mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình, tôi phải thay đổi tập quán làm nông nghiệp mới mong cải thiện kinh tế gia đình. Cha mẹ cho tôi hơn 7 công đất ruộng, tôi phải miệt mài nghiên cứu lai tạo ra nhiều loại giống bán cho thị trường mới có được thành quả như ngày hôm nay"- ông Dũng trải lòng.
Đồng Tháp xác định các địa bàn thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp, đầu tư đổi mới sản xuất và ứng dụng kỹ thuật canh tác mới. Tỉnh này có diện tích trồng xoài hơn 13.000 ha, sản lượng trên 130.000 tấn/năm, đứng đầu trong vùng ĐBSCL. Xoài cũng là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Trái xoài Đồng Tháp đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Cụ thể, năm 2019, lần đầu tiên, trái xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau hơn 10 năm trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch Việt Nam - Mỹ. Ngoài ra, trái xoài Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, New Zealand.
Hiện nay, cả tỉnh đã có 4.533 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm khoảng 40% diện tích xoài của tỉnh), 376 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường, như: Hoa Kỳ; Canada; Nga (chiếm khoảng 3,3% diện tích xoài của tỉnh). Mới đây nhất, tháng 2-2022, Đồng Tháp tiếp tục xuất khẩu 3 tấn xoài Cát Chu sang Hà Lan. Kết quả này cho thấy, Đồng Tháp luôn định hướng cho nông dân sản xuất xoài theo hướng sạch, an toàn để bán ra nước ngoài, nhằm giúp nông dân bán được giá cao hơn gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống.
Mô hình xử lý ra hoa vụ sớm và vụ muộn trên 2 giống xoài Cát Hòa Lộc và Cát Chu đã được nghiên cứu và thử nghiệm tại Đồng Tháp. Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng kế hoạch rải vụ cho toàn tỉnh Đồng Tháp. Từ năm 2015, tỉnh đã xây dựng 6 điểm với 416,5 ha thực hành xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh để ổn định giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, diện tích sản xuất rải vụ thu hoạch cả tỉnh đạt 8.000 ha (chiếm 70% diện tích xoài toàn tỉnh, vượt mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra), gấp gần 3 lần so với năm 2015 (khoảng 2.800 ha, chiếm 32% diện tích xoài của tỉnh).
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết sản xuất rải vụ thu hoạch xoài đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất chính vụ, góp phần cung ứng sản lượng xoài các tháng trong năm, phục vụ tốt cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Theo ước tính của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2021, mỗi hécta xoài xử lý ra trái vụ có hiệu quả kinh tế cao hơn xoài ra đúng vụ khoảng 74 triệu đồng vì xoài vụ nghịch giá bán cao hơn vụ thu hoạch rộ từ 8.000-10.000 đồng/kg, với năng suất bình quân 11,8 tấn/ha, tương ứng doanh thu tăng thêm 94,4 triệu/ha.
Vùng trồng nhãn ở huyện Châu Thành có tổng diện tích hơn 3.300 ha, trong đó có gần 1.000 ha trồng nhãn Idor. Lô hàng đầu tiên nhãn Idor ở Châu Thành xuất khẩu sang thị trường Mỹ 150 tấn. Ông Phạm Hữu Hiện, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành), cho biết: "Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi định hướng các nhà vườn phải thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhãn Châu Thành đã được Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho 17 hộ trồng nhãn với khoảng 30 ha. Hiện nay, nhãn Idor bán với giá khoảng 45.000 đồng/kg và năng suất lên đến 30 tấn/ha/năm, nông dân trồng nhãn Idor ước tính thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm".
Nông dân Đồng Tháp trồng nhãn Idor theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu sang các thị trường thế giới
Trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, hầu hết nông dân Đồng Tháp đồng thuận cao trong việc sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và hợp tác với đối tác nước ngoài để đưa nông sản vươn ra thị trường thế giới, góp phần mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần.
Kỳ cuối: Vượt qua thách thức để tăng tốc
Bình luận (0)