img

(NLĐO) - Việc được Trung ương chọn là địa phương thí điểm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp nhận thấy đây là thời cơ lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Để hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức cũng như bài học kinh nghiệm rút ra sau thời gian thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đổng Tháp.

- Phóng viên: Xin ông cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp có gì đặc thù so với các tỉnh khác ở ĐBSCL mà được Trung ương chọn thí điểm?

[eMagazine] Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Vượt qua thách thức để tăng tốc - Ảnh 1.

Có thể thấy GDP nông nghiệp năm 2012 đạt 14.211 tỉ đồng, chiếm 36% tổng GDP của địa phương. Giá trị xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2011 đạt 128,7 triệu USD (so với năm 2005 là 76,6 triệu USD) với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2011 đạt 7,69%/năm. Thủy sản là ngành có tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất.

Đến năm 2011, giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã tăng rất nhanh lên đến 475,1 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2011 là 34,49%/năm, cao hơn các tỉnh trong khu vực như Kiên Giang, An Giang và chỉ đứng sau Cần Thơ (với giá trị xuất khẩu 495,7 triệu USD). Trong giai đoạn 2006 - 2010, tăng trưởng kinh tế Đồng Tháp đạt mức khá so với các tỉnh khác trong vùng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển dịch tích cực so với nhiều địa phương ở ĐBSCL. Tăng trưởng GDP đạt mức 8,5%/năm giai đoạn 2001-2005, 11,5%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2013.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2012, tỉnh đã ban hành và thực hiện hàng loạt các chủ trương, chính sách khuyến khích nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư. Theo đánh giá PCI năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp cao nhất ở ĐBSCL, đây là lợi thế hết sức quan trọng của một tỉnh không có sự khác biệt nhiều về điều kiện tự nhiên và kinh tế với các tỉnh khác trong vùng, thể hiện nỗ lực lớn để Đồng Tháp thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trường tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chưa có nhiều chuỗi liên kết gắn với xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp còn yếu; tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn cao.

Do đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Đề án xuất phát từ yêu cầu khách quan và nội tại của ngành nông nghiệp, đề ra các nội dung tái cơ cấu về mô hình tăng trưởng nông nghiệp, song song với tái cấu trúc sản xuất, tổ chức chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường, dựa trên quan hệ cung cầu, sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường và kinh nghiệm thực tiễn.

[eMagazine] Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Vượt qua thách thức để tăng tốc - Ảnh 2.

Thay đổi nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới ở Đồng Tháp

Hệ thống chính trị cả tỉnh đã nhận thức rõ cơ hội, thách thức của ngành nông nghiệp, nên cần phải cơ cấu lại ngành để làm căn cứ, định hướng lớn hơn nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo định hướng mới đến 2030. Từ đó, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước trình lên Chính phủ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là Đề án được xây dựng khoa học, cẩn trọng và chỉ đạo triển khai thực hiện ngay, từ việc thành lập ban chỉ đạo, giám sát thực hiện, ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuyên truyền vận động và bố trí kinh phí riêng thực hiện các nhiệm vụ. Với mục tiêu gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị phù hợp nhu cầu của thị trường, theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng và sức cạnh tranh.

Đặc biệt, Đồng Tháp xác định con người là cốt lõi của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung vào việc thay đổi nhận thức, đổi mới thông qua vận động, tuyên truyền, chia sẻ. Nhờ đó, thành công nổi bật của tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp là việc thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".

Thay đổi tư duy, nhiều sáng tạo

Nhìn lại 10 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp đã nổi lên trở thành điểm sáng của cả nước, là nguồn cung thực tiễn phong phú để tiếp tục xem xét hoàn thiện cơ chế, chính sách tam nông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập, cải thiện mức sống dân cư nông thôn.

Từ một tỉnh "khuất nẻo", Đồng Tháp nhận thức rõ việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực tiễn của địa phương, chính là quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cùng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua thách thức. Đây là tỉnh đầu tiên xây dựng và thực hiện đề án, được Trung ương chọn thí điểm; quá trình thực hiện có nhiều sáng tạo, nổi lên các mô hình liên kết chuỗi giá lúa gạo, thủy sản, trái cây, xây dựng hợp tác xã, hội quán nông dân, phát triển cộng đồng.

TRAN-HUU-HIEP

Nổi bật nhất vẫn là việc thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp". Phần lớn nông dân không còn chạy tăng vụ, chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Nông dân ngày nay không chỉ có kiến thức sản xuất nông nghiệp để tạo ra năng suất, sản lượng cao mà còn có kiến thức quản trị đồng vốn để tạo ra giá trị, lợi nhuận cao.

Trong bối cảnh hiện nay, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp của một tỉnh nông nghiệp như Đồng Tháp còn có ý nghĩa trong việc triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng đang đòi hỏi nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách, thể chế mới đáp ứng yêu cầu xây dựng các mô hình mới tích hợp đa giá trị. Cần nhiều hơn chính sách hỗ trợ nông dân, đưa đào tạo nghề và lao động nông thôn vào thực chất trong quá trình chuyển dịch.

Xét trên bình diện chung, vẫn còn đó những "điểm nghẽn" của nông nghiệp. Những yếu kém nội tại và yêu cầu tận dụng lợi thế trước thách thức cạnh tranh nông nghiệp ngày càng gay gắt, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vẫn đang là đề tài lớn cần lời giãi chung cho nhiều địa phương.

Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tiếp theo cần được tiến hành theo cả "3 trụ cột, 1 nền tảng": Trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường, lấy con người làm trung tâm. Vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng phải giải quyết các vấn đề xã hội là tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới thực chất. Người nông dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vượt qua giai đoạn chuyển đổi để tăng tốc.

- Từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nay, Đồng Tháp đã đạt được những kết quả như thế nào?

- Qua hơn 7 năm thực hiện Đề án, tỉnh Đồng Tháp đã đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Với định hướng "Hợp tác - Liên kết - Thị trường" và "Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh" ưu tiên cho các ngành hàng chủ lực và tiềm năng của tỉnh, cơ cấu nội ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị phù hợp nhu cầu của thị trường, theo hướng tăng lợi nhuận, chất lượng và sức cạnh tranh, trong đó, tỷ trọng khu vực nông - lâm – thủy sản chiếm 34,54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng trưởng bình quân hằng năm 3,57% (riêng năm 2021 tăng trưởng đạt 3,14%), góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2020 đạt 47,02 triệu đồng/người, gấp 1,575 lần so với năm.

Tính riêng năm 2021, lúa gạo đạt 15.811 tỉ đồng (tăng 0,55% so với năm 2020, tương đương 86,8 tỉ đồng), chiếm 34,5% tỉ trọng của ngành nông nghiệp; xoài đạt 1.946 tỉ đồng, giảm 3,18% so năm 2020, tương đương giá trị 64 tỉ đồng, chiếm 4,3% tỉ trọng của ngành nông nghiệp; hoa kiểng đạt 5.527,2 tỉ đồng (tăng 18,7% so với cùng kỳ, tương đương 870,7 tỉ đồng), chiếm 12,12% tỉ trọng của ngành nông nghiệp; cá tra đạt 7.516,3 tỉ đồng (tăng 1,3% so với cùng kỳ, tương đương 96,3 t đồng), chiếm 17,4% tỉ trọng của ngành nông nghiệp...

[eMagazine] Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Vượt qua thách thức để tăng tốc - Ảnh 5.

Trồng hoa kết hợp làm du lịch là một trong những mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Đồng Tháp

Qua đánh giá thực tiễn, 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh đã phát triển theo định hướng ban đầu, mặc dù có những lúc khó khăn khiến cho kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng những ngành hàng này vẫn còn tiềm năng để tập trung phát triển cùng với một số ngành hàng tiềm năng mang tính chủ lực của các địa phương (sen, thủy sản, rau, củ, quả, chăn nuôi).

Bên cạnh đó, ý thức tự lực, hợp tác của người dân ngày càng nâng cao rõ nét. Người dân chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, vì thế đã xuất hiện nhiều mô hình hay ra đời và phát triển như: thương mại điện tử, cơ giới hoá toàn diện gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc trong sản xuất (mô hình "Cây xoài nhà tôi", mô hình "Canh tác lúa thông minh", mô hình "Ruộng nhà mình", mô hình "Du lịch cộng đồng"; mô hình "Hội quán";...).

Ở những mô hình đó, người dân cùng nhau hợp tác, thể hiện tính cộng đồng cao. Đặc biệt là mô hình Hội quán đã tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp". Đến nay đã có 115 Hội quán được thành lập với 6.192 thành viên. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại; cảnh quan môi trường được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững. Ngoài ra, tỉnh đã khởi động triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao vào cuối năm 2021, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh.

[eMagazine] Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Vượt qua thách thức để tăng tốc - Ảnh 6.

Chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đang làm thay đổi diện mạo nông thôn ở Đồng Tháp


Nhà nước nên đầu tư, tổ chức cho nông dân chuyển đổi

Trước khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mình làm tất cả vì an ninh lương thực mà quên mất kinh tế nông nghiệp, cho nên những gì không phù hợp với lúa thì phải "chống" nó. Thậm chí, chúng ta tốn kém rất nhiều để mình ngăn mặn, đắp đê ngăn măn, kéo kênh thủy lợi từ vùng nước ngọt để ngọt hóa vùng trồng lúa.

VO-TONG-XUAN

Đồng Tháp trước đây tuy không có nước mặn nhưng đất nào cũng trồng lúa, từ đất phèn rất dữ dội cũng đào kênh giữ nước ngọt, cố gắng trồng 3 vụ lúa khiến cho đất đai bị thoái hóa, người nông dân khó có cơ hội làm giàu hơn.

Tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay thấy rất rõ ở Đồng Tháp là việc nông dân tự chuyển sang trồng xoài, cây ăn trái. Vườn xoài dọc theo vùng nước ngọt của Đồng Tháp cũng do nông dân mạnh dạn chuyển đổi. Những vùng "cổ truyền" như Lai Vung thì nông dân tiếp tục phát huy thế mạnh của cây quýt hồng. Các vùng quá trũng, nông dân tự mạnh dạn trồng sen kết hợp làm du lịch.

Tuy nhiên, nhìn chung ở ĐBSCL là mặc dù đã có Nghị quyết 120 nhưng nhiều tỉnh vẫn còn rất lúng túng vì kèm theo Nghị quyết này chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể là nên sử dụng kinh phí nhà nước để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu. Chuyển đổi cơ cấu từ lúa sang cây ăn trái nhưng nông dân phải tự bỏ tiền túi ra làm, trong khi các con kênh thủy lợi để trồng lúa thì nhà nước vẫn phải bỏ ngân sách ra nạo vét thường xuyên. Do vậy, nhà nước phải thấy việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương, chính sách rất đúng đắn, quan trọng nên nhà nước phải đứng ra đầu tư, tổ chức cho nông dân làm, không nên để mặc cho nông dân tự phát, doanh nghiệp tự phát. Nếu làm được điều này thì cục diện tái cơ cấu ở ĐBSCL đã thay đổi từ nhiều năm nay.

- Vậy, bài học kinh nghiệm qua hơn 7 năm thực hiện tái cơ cấu là gì, thưa ông?

- Thứ nhất, để đạt được các kết quả trên, yếu tố đầu tiên, tiên quyết phải nói đến đó là sự nhất quán, đồng bộ của cấp uỷ đảng, chính quyền, đặc biệt cùng sự quyết tâm, sâu sát, sáng tạo và tính gương mẫu của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Sự vào cuộc mạnh mẽ, xuyên suốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và quần chúng nhân dân, để tạo nên sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động, cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp.

- Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn về nội dung, mục đích ý nghĩa, giải pháp thực hiện đề án, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, đặc biệt sự đồng thuận, chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm của người dân để người dân tự nguyện, hăng hái tham gia thực hiện. Khơi dậy sức mạnh cộng đồng là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả, bền vững Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

- Thứ ba, sự kiến tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh là yếu tố đầu vào, tạo nền tảng, tạo động lực cho người dân, từ đó khơi dậy tinh thần cộng đồng, phát huy tính chủ thể của người dân thông qua mô hình Hội quán.

- Thứ tư, Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có mối quan hệ bền vững hữu cơ với xây dựng nông thôn mới, tác động qua lại sâu rộng với nhau, cùng phát triển, trong đó giải quyết 3 vấn đề mấu chốt ở nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, ổn định an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn với tinh thần tốt hơn và tiện nghi hơn.

- Thứ năm, chỉ đạo địa phương cần đánh giá kết quả sâu sát, đúng thực trạng mới có thể đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

[eMagazine] Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Vượt qua thách thức để tăng tốc - Ảnh 9.

Khách du lịch rất thích thú khi đến trải nghiệm tại Làng hoa Sa Đéc

- Thưa ông, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai những gì để tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển xa hơn?

- Để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được giai đoạn vừa qua, và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI đã ban hành Kết luận số 250-KL/TU ngày 9/12/2021 về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

[eMagazine] Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Vượt qua thách thức để tăng tốc - Ảnh 10.

Trồng xoài ở Đồng Tháp

Tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tạo cơ hội, điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và đóng góp vào tăng trưởng. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an ninh nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; xây dựng nông thôn là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống.

Trên cơ sở đánh giá kết quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tiếp tục kế thừa và ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực (lúa, xoài, sen, hoa kiểng, cá tra, vịt) và khẩn trương thực hiện đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp để đảm bảo theo các định hướng và chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có trọng tâm, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, gắn với việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực của từng địa phương để tập trung chỉ đạo và góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phát triển nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến năm 2025, bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng.

CÔNG TUẤN – NHA MÂN – NGUYÊN LÂM


Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên