img

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899 vào tháng 6-2013 về phê duyệt đề án Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước trình lên Chính phủ đề án TCCNN riêng của tỉnh. Có thể nói, suốt thời gian qua, Đồng Tháp trở thành địa phương tiên phong chuyển đổi kinh tế và được coi là tỉnh thành công điển hình trong thực hiện đề án TCCNN cả nước.

[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 1.

Từ năm 2012, Đồng Tháp đã làm việc, đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nghiên cứu xây dựng đề án TCCNN của tỉnh. Sau hơn 1 năm nghiên cứu và xây dựng, bản chính thức được hoàn thiện vào tháng 6-2014. 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định 591 về phê duyệt đề án TCCNN tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đề án này được xây dựng dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn thông qua việc rà soát, rút kinh nghiệm từ những kết quả nghiên cứu đã có, các sáng kiến, mô hình thực tiễn thành công trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, để đề xuất mô hình tăng trưởng nông nghiệp tạo ra tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững cho ngành nông nghiệp; giúp định hướng, phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn, nhằm tạo đủ việc làm, hiệu quả và vững bền cho Đồng Tháp.

[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 2.

Đồng Tháp quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất lúa gạo sạch, an toàn cho người tiêu dùng

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này là địa phương sớm nhất trong cả nước ban hành đề án TCCNN. Dù cả 63 tỉnh, thành đã ban hành đề án TCCNN nhưng chỉ có  Đồng Tháp, Vĩnh Phúc và Thái Bình xây dựng đề án TCCNN một cách bài bản, khoa học. 

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm thực hiện đề án TCNN với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Đến nay, Đồng Tháp đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế và đứng tốp đầu ở ĐBSCL.

[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 3.

Đồng Tháp xác định hoa kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực

Có thể nhận thấy, qua hơn 7 năm thực hiện thí điểm đề án, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Trong đó, nổi bật nhất là thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". 

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết qua thực hiện đề án TCNN, Đồng Tháp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bỏ tư duy sản xuất chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Đồng thời, chú trọng liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết mục tiêu đến năm 2025, Đồng Tháp sẽ thực hiện có hiệu quả đề án TCCNN gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Đồng Tháp còn phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng lợi thế địa phương. Đồng Tháp sẽ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái.
[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 5.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, quan điểm của tỉnh là xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, dựa trên yếu tố: "Hợp tác - Liên kết - Thị trường" và "Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh". Từ đó, Đồng Tháp đã định vị rõ 5 ngành hàng chủ lực, gồm: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, con vịt dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường để tập trung phát triển mạnh. Việc phát triển 5 ngành hàng trong thực hiện TCNN được xem như là các mô hình mẫu để phát triển những ngành hàng khác của tỉnh.

[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 6.

Nông dân Đồng Tháp trồng xoài theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường thế giới

Sau khi xác định được 5 ngành hàng chủ lực, Đồng Tháp đã tìm hiểu, đánh giá các yếu tố tác động đến chuỗi giá trị ngành hàng như quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chế biến, bảo quản; đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ trong tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ ở thị trường trong nước và thế giới. 

Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng lúa (sau Kiên Giang và An Giang), nên địa phương phát triển mạnh ngành hàng lúa gạo. Cụ thể, hằng năm, Đồng Tháp có hơn 514.2000 ha sản xuất lúa, sản lượng trên 3,37 triệu tấn/năm, tập trung chủ lực ở các huyện, thị phía Bắc sông Tiền, như: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng và TP Hồng Ngự. Đồng Tháp còn quy hoạch 2 vùng: vùng ngập sâu khoảng 10.000 ha với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như: Đông Á, Trung Quốc, EU; vùng ngập nông với diện tích khoảng 70.000 ha, sản lượng 1 triệu tấn/năm để sản xuất gạo hoặc gạo chất lượng trung bình phục vụ các thị trường: châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á.

Với ngành hàng cá tra, Đồng Tháp có hơn 2.000 ha, sản lượng hơn 378.000 tấn, xuất khẩu sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng Tháp định hướng phát triển vùng nuôi 1.500 ha, sản lượng 300.000 tấn/năm nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu sang EU, Mỹ... Phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức mô hình nuôi khép kín (chiếm trên 65% diện tích), góp phần chủ động cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản. 

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Đồng Tháp đã quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cá tra gắn với cụm công nghiệp - dịch vụ phục vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn quốc tế và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo đột phá từ cải thiện 2 khâu: giống và thức ăn chăn nuôi; đồng thời phát triển công nghệ chế biến, tận dụng phụ phẩm, bảo vệ môi trường.

[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 7.

Đồng Tháp trở thành hình mẫu trong tái cơ cấu nông nghiệp của cả nước

Là tỉnh sở hữu thế mạnh với hơn 9.200 ha xoài, đa phần là xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc với sản lượng ước tính 30.000 tấn/năm, Đồng Tháp phát triển loại trái cây này thành mặt hàng chiến lược. Theo đó, ngành hàng xoài được mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu xoài Đồng Tháp trên thị trường trong nước và thế giới. Định hướng trong những năm tới, Đồng Tháp cải tiến tổ chức và tăng quy mô sản xuất, đẩy mạnh diện tích áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn thu hút doanh nghiệp về lĩnh vực chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng ngành hàng xoài. Đồng Tháp cũng tiếp tục phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông dân trồng xoài, nhằm tăng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, chủ động trong kinh doanh, bán sản phẩm tại thị trường trong nước và kỳ hợp đồng xuất khẩu.

[eMgazine] - Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL nhìn từ Đồng Tháp: Điểm sáng của cả nước - Ảnh 8.

Khách du lịch tham quan Làng hoa Sa Đéc và được trải nghiệm cùng nông dân trồng hoa kiểng

Về ngành hàng hoa kiểng, Đồng Tháp đã xây dựng vùng hoa Sa Đéc trở thành khu vực sản xuất hoa tập trung lớn nhất ĐBSCL và trở thành thành phố hoa ở miền Tây; đồng thời phát huy vai trò của cộng đồng làng nghề truyền thống trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với vùng sản xuất hoa kiểng. Chính quyền địa phương đã vận động các nhà vườn trồng hoa kiểng kết hợp với phục vụ khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. 

Từ trước đến nay, nông dân trồng hoa kiểng ở Sa Đéc "kiêng kỵ", không cho du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm. Giờ đây, nông dân làng hoa nổi tiếng nhất miền Tây đã "mở lòng" đón du khách. Sự cởi mở này đã làm cho du khách thập phương cảm thấy phấn khởi và thích thú khi được trải nghiệm cùng nông dân trồng hoa kiểng. 

Nông dân Trần Hữu Tài, chủ điểm tham quan Ngọc Lan (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc), trải lòng: "Trước đây, đa phần nhà vườn ở Làng hoa Sa Đéc chỉ trồng hoa kiểng bán ra thị trường. Thấy rõ tiềm năng chưa được phát huy nên chính quyền địa phương đã vận động nông dân trồng hoa kiểng kết hợp với làm du lịch. Từ đó, tôi cũng như nhiều bà con khác đã đổi mới tư duy từ việc trồng hoa kiểng kinh doanh và phát triển du lịch, góp phần tăng lợi nhuận kinh tế gấp nhiều lần so với trước".

CÔNG TUẤN - NHA MÂN - NGUYÊN LÂM
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên