HCM có tăng trưởng thì doanh nghiệp mới "sống" được và phát triển theo. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp luôn xác định đồng hành cùng TP HCM để đạt các mục tiêu tăng trưởng của thành phố. Sẽ có nhiều khó khăn thách thức nhưng nếu chúng ta có quyết tâm cao thì với truyền thống vượt khó, năng động sáng tạo, xoay xở của cộng đồng doanh nghiệp, mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) - cho biết như vậy trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động đầu xuân Quý Mão 2023.
Phóng viên: Cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa trải qua một năm với những khó khăn, biến động bất ngờ. Ông có thể khái quát về năm 2022 của các DN TP HCM?
- Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Năm 2022 là năm tập trung giải quyết nhiều khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh do hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra. Trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng DN bước vào công cuộc hồi phục kinh tế với tinh thần nỗ lực quyết tâm rất cao nhằm tăng tốc để bù đắp sút giảm trong giai đoạn dịch. Thời gian phục hồi chưa được bao lâu thì DN phải đối diện với những thách thức mới do biến động của xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng và đặc biệt là sự sút giảm nhu cầu trên phạm vi toàn thế giới. Đơn hàng của 6 tháng cuối năm sụt giảm.
Doanh nghiệp tham gia và giới thiệu sản phẩm tại các chương trình Cà phê doanh nhân của HUBA năm 2022. Ảnh: Thanh Nhân
Từ giữa quý IV/2022, nhiều DN (nhất là lĩnh vực dệt may, da giâày, chế biến gỗ...) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi do xung đột Nga - Ukraine kéo dài tác động đến nhiều DN. Các DN (nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản,...) gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu.
Bên cạnh đó, tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất - kinh doanh của DN… Những áp lực về vốn, lãi suất cũng đặt DN vào những thế khó.
Doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2022. Ảnh: Hoàng Triều
Tuy vậy, bình quân cả năm 2022, các DN vẫn giữ được mức tăng trưởng, tạo tiền đề cho năm 2023 với nhiều kỳ vọng về phục hồi sản xuất – kinh doanh, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, duy trì quan hệ với các đối tác để tìm kiếm cơ hội.
DN kỳ vọng gì khi bước vào năm 2023 với rất nhiều thách thức được dự báo trước?
- Năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và có nhiều yếu tố rủi ro bất định. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, song tiềm ẩn nhiều rủi ro do các yếu tố địa chính trị.
Phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh ngày càng trở thành xu hướng chính, mô hình phát triển được nhiều nước lựa chọn. Làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, tạo cơ hội để các nước đang phát triển như Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.
Dự báo nền kinh tế trong nước cũng như trên địa bàn TP HCM sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng.
Trong bối cảnh nhiều thách thức như vậy, HUBA đã thực hiện cuộc khảo sát sâu rộng trong cộng đồng DN để đánh giá tình hình DN, doanh nhân hiện nay. Các DN rất mong lãnh đạo Chính phủ, TP HCM tiếp tục quan tâm, có những chính sách hỗ trợ kịp thời, cụ thể và khả thi nhằm giải quyết khó khăn, khơi dậy nội lực để DN đồng hành cùng thành phố phát triển.
Nhưng, để vượt qua thách thức và phát triển được thì vai trò chủ động của DN là quan trọng nhất?
- Đúng vậy. Đề xuất giải pháp hỗ trợ không có nghĩa là cộng đồng DN chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà DN tự thấy rằng phải tự cứu mình, tự thay đổi. DN chúng tôi đã xác định sẽ thay đổi ở những điểm sau:
Thứ nhất, phải tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường. Đặc biệt đi vào thị trường ngách, không để cho mình quá phụ thuộc vào những thị trường truyền thống, thị trường lớn lâu nay mà phải đi vào thị trường ngách như Trung Đông, thị trường của cộng đồng người Hồi giáo hoặc các quốc gia Nam Mỹ.
Các doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn kinh tế TP HCM 2022. Ảnh: Hoàng Triều
Thứ hai, phải quan tâm kích thích thị trường nội địa với 100 triệu dân.
Thứ ba, DN phải tự tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu này không phải chỉ nhìn của năm 2023 mà phải hướng đến tầm nhìn xa hơn: tái cơ cấu theo hướng bền vững, nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số để đạt được kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Bởi lúc chúng ta khó khăn thì thị trường thế giới đã nâng các tiêu chuẩn, nếu chúng ta không đạt được chuẩn kinh tế xanh, tăng trưởng xanh thì hàng hóa của Việt Nam sẽ không vào được các nước.
Thứ 4. giữa các DN phải hình thành những liên minh dưới dạng hệ sinh thái chứ không phải liên kết dưới dạng tay đôi, tay ba giữa người mua với người bán. Ví dụ, nhà sản xuất phải gắn với nhà phân phối nhưng đồng thời phải gắn với DN xử lý môi trường để giải quyết kinh tế xanh và phát triển bền vững, sao cho sản phẩm của mình phải đạt được chứng nhận xanh để có visa và giấy phép đi vào thị trường các nước.
Chúng ta đã có kinh nghiệm của ngành dệt may. Chúng ta nói rằng 6 tháng cuối năm 2022 đơn hàng dệt may giảm đến 30%-50%. Thế nhưng, nhìn sang nước bạn Banglades, đơn hàng của họ vẫn tăng vì họ đã chuyển đổi xanh, đạt được các tiêu chuẩn xanh và họ không có đủ hàng để cung cấp cho thị trường.
Đây là bài học mà cộng đồng DN phải tính tới để không chỉ giải quyết nhu cầu của năm 2023 mà phải có chiến lược xa hơn để thâm nhập tốt hơn thị trường toàn cầu, khi mà thế giới ngày càng quan tâm đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
+ Chủ đề TP HCM năm 2023 là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội". Theo ông, TP HCM cần làm gì để thực hiện có hiệu quả chủ đề này?
- Việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chánh là chủ đề trọng tâm mà TP HCM đã xác định trong năm 2023. Lần này, chúng tôi đánh giá rất cao khi TP giao cộng đồng DN thông qua Hội Doanh nhân trẻ triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở - ngành, quận - huyện, tương tự việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo đó, TP HCM đưa ra bộ tiêu chí DDCI (đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở - ngành, quận - huyện), như một tiêu chuẩn để nhìn lại mình đã cải cách hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn tới đâu. DDCI chú trọng những tiêu chí mà PCI không có. Ví dụ, tiêu chí đánh giá năng lực chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Khi đó, DN làm thủ tục hành chính sẽ không phải mất nhiều thời gian đi tới đi lui. Sự việc liên quan đến nhiều sở - ngành, DN sẽ biết được đang tắc ở đâu để giúp đánh giá tốt hơn. Hoặc tiêu chí đánh giá về tính sáng tạo và tính đột phá của các sở - ngành, quận - huyện hay tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu, vai trò của người đứng đầu… Chúng tôi tin rằng đó là động thái rất tốt của TP HCM mà cộng đồng DN rất kỳ vọng.
Bình luận (0)