Làng mai vàng Bình Lợi là nơi trồng mai vàng lớn nhất TP HCM, với diện tích hơn 600ha, hơn 670 hộ tham gia sản xuất, gần 1.100 lao động tham gia thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/người/năm. Mai vàng Bình Lợi không chỉ được bán tại TP HCM mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh phía Bắc.
Gắn bó với nghề trồng mai hơn 10 năm, anh Bùi Ngọc Đức – chủ vườn mai Hữu Đức – đã đầu tư 4 ha đất để phát triển hơn 20.000 cây mai thành phẩm. Hằng năm, vườn mai của anh cung cấp từ 1.000 đến 2.000 chậu mai lớn nhỏ cho thị trường.
Tại vườn mai Văn Giàu, với diện tích 2ha trồng mai , anh Nguyễn Văn Kiêm cho biết, từ ngày 13 đến 17 tháng Chạp âm lịch, số lượng nhân công tại vườn có thể tăng lên đến 40-50 người chỉ để lặt lá mai và chuẩn bị đưa cây ra thị trường.
Từ trục đường Quang Trung sầm uất nhất quận Gò Vấp, rẽ vào đường Nguyễn Duy Cung là nơi có làng nghề đúc đồng An Hội một thời vang bóng. Cận Tết, làng nghề đúc lư đồng An Hội bước vào cao điểm sản xuất. Năm nay, số lượng đơn hàng Tết và giá cả giảm nhiều so với những năm trước.
Mỗi lò có trên dưới chục thợ, làm việc cả ngày lẫn đêm. Mỗi người thợ chịu trách nhiệm một khâu, cứ xong khâu này lại chuyển sản phẩm sang cho khâu kia, tạo thành một quy trình sản xuất khép kín.
Hiện lư đồng An Hội có 2 loại: loại lư Bắc có dáng tròn hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 -5 triệu đồng/bộ; riêng hàng đặt, giá dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/bộ, tùy kích cỡ, độ tinh xảo và họa tiết.
Mỗi mùa Tết đến, các đơn đặt hàng từ khắp nơi lại tới tấp, cả khách sỉ và khách lẻ từ các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Một số chùa ở Đồng Nai, Bình Thuận... cũng tìm đến tận nơi đặt hàng lư đồng, bát nhang, chân đèn.
Nghề bó chổi xuất hiện ở khu vực Bình Tiên vào khoảng đầu thập niên 1960, do những lưu dân từ Quảng Ngãi mang vào. Nghề bó chổi đót tập trung nhiều ở đường Phạm Phú Thứ và Phạm Văn Chí (quận 6, TP HCM).
Ở đây tuyệt nhiên không có sự hiện diện của máy móc. Tất cả sản phẩm làm ra hoàn toàn thủ công, chính đôi tay khéo léo của người thợ. Nguyên liệu chính làm chổi là cây đót, được thu mua vào đầu tháng giêng đến tháng hai âm lịch ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai…
Để làm ra một cây chổi đót hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như xé bông , làm tua, cột lọ, bó chổi, bện chổi, chặt tề. Một cây chổi đót thành phẩm có giá bán từ 20.000- 40.000 đồng. Thị trường chủ yếu tại TP HCM và đưa đi một số tỉnh miền Tây.
Theo những nhà làm chổi tại đây, thu nhập từ chổi đót chỉ trông chờ vào dịp giáp Tết, còn ngày thường chỉ đủ ăn, nên lớp trẻ không mặn mà. Ở làng chổi đót bây giờ chủ yếu là người già và trung tuổi còn theo nghề.
Giữa trưa nắng những ngày cuối năm, ông Đoàn Nhân (65 tuổi, chủ cơ sở làm chổi đót) cùng gần 10 nhân công đang tất bật chuẩn bị những chuyến hàng Tết. Cơ sở của ông Nhân là một trong những nơi làm chổi đót lâu đời ở TP HCM còn hoạt động.
Nhắc đến chuyện truyền nghề cho thế hệ sau, ông Nhân lắc đầu, cười trừ. “Cái nghề này gần như mai một rồi, chỉ còn lại những người già như tôi là theo nghề. Mình còn sức thì còn bám trụ với nghề, đơn giản là muốn gìn giữ cái nghề mà cha ông truyền lại” - ông Nhân tâm sự.
Bình luận (0)