Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) không chỉ là công trình mang tính biểu tượng của TP HCM trong lĩnh vực giao thông đô thị, mà còn góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, tạo nền tảng phát triển bền vững cho thành phố trong tương lai.
Trước thời khắc Metro số 1 chính thức vận hành, hãy cùng nhìn lại hành trình đặc biệt mà tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM này đã đi qua, với ống kính của phóng viên Báo Người Lao Động.
Hình ảnh TP HCM (khu vực trước chợ Bến Thành) thay đổi rõ rệt trước và sau khi xây dựng ga metro ngầm Bến Thành. Trong tương lai, ga Bến Thành sẽ là nơi kết nối của cả tuyến metro 2, 3a và số 4.
Điểm nhấn quan trọng của ga ngầm Bến Thành nói riêng và toàn tuyến Metro số 1 nói chung là ở toplight. Đây là điểm "check in" không thể bỏ qua của nhiều người khi đến ga Bến Thành những ngày gần đây.
Nhà ga Bến Thành là nhà ga trung tâm và lớn nhất của hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, có quy mô 4 tầng ngầm. Ngoài chức năng đầu mối kết nối giao thông, nhà ga trung tâm Bến Thành còn có hệ thống thương mại dịch vụ.
Dự án Metro số 1 dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi dưới lòng đất qua 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành. Trong ảnh là Robot khoan ngầm TBM thời điểm năm 2017 khi khởi động từ ga Ba Son để đào hầm về ga Nhà hát Thành phố và hệ thống đường ray tàu chạy từ ga Ba Son về ga Nhà hát Thành phố hiện tại.
Điểm dừng đầu tiên của tuyến Metro số 1 khi xuất phát từ Ga Bến Thành là Ga Nhà hát Thành phố. Ga Nhà hát Thành phố với quy mô lớn, gồm 4 tầng, trong đó 3 tầng phục vụ hành khách và một tầng kỹ thuật.
Nhà ga Ba Son là đoạn cuối của đoạn metro đi ngầm từ Ga Bến Thành đến Ga Ba Son (quận 1), dài 2,6 km và cũng là điểm tiếp xúc, đưa tàu từ đoạn ngầm lên đường ray trên cao.
Từ Ga Ba Son, tàu metro sẽ đi dọc rạch Văn Thánh đến Ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh), vượt sông Sài Gòn và chạy suốt trên tuyến Xa lộ Hà Nội đến Suối Tiên (TP Thủ Đức).
Ngoài 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành, toàn tuyến Metro số 1 có 11 ga trên cao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới.
Đoạn đường ray trên cao đi qua nút giao Cát Lái (TP Thủ Đức), một trong những nút giao lớn nhất TP HCM.
Sau khi tuyến Metro số 1 hoàn thiện thêm các cầu bộ hành để giúp hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga metro, diện mạo hạ tầng giao thông của TP HCM có nhiều đổi thay.
Tuyến Metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Trung bình tàu Metro 1 từ ga ngầm Bến Thành đến Suối Tiên mất khoảng 30 phút.
Những nhịp dầm metro được lắp đặt dọc theo Xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) hình thành tuyến metro trên cao.
Với trạm dừng cuối gần Bến xe Miền Đông mới, hành khách từ trung tâm TP HCM có thể sử dụng metro để đến đây một cách nhanh chóng mà không sợ kẹt xe. Khu vực này được dự đoán sẽ trở nên sầm uất hơn khi Metro số 1 chính thức đi vào hoạt động, kết nối với hành khách tại Bến xe Miền Đông mới.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2015, depot Long Bình (TP Thủ Đức) mở cửa để người dân vào tham gia, góp ý về kiểu dáng, màu sắc… của tàu metro trong 3 tháng. Sau khi dần hoàn thiện, 3 toa đầu tiên của tuyến Metro số 1 đã cập cảng Khánh Hội vào ngày 8-10-2020.
Depot Long Bình (TP Thủ Đức) - “bộ não” của tuyến Metro số 1, trước và sau khi hoàn thiện. Đây là trung tâm điều hành, bảo dưỡng và sửa chữa tàu lớn nhất tại TP HCM. Depot có khu vực bãi đỗ tàu gồm 30 đường đỗ, đủ sức chứa 30 đoàn tàu loại 6 toa. Nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng nhằm đảm bảo cho các đoàn tàu luôn trong tình trạng tốt, sẵn sàng phục vụ hành khách.
Mọi người đều tỏ ra rất thích thú khi sử dụng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM. Người dân TP HCM ai cũng kỳ vọng tuyến Metro số 1 góp phần cải thiện đáng kể hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Bình luận (0)