img

Trong 2 vụ án hình sự "Chuyến bay giải cứu", Việt Á phơi bày những sai phạm "tày trời" của cựu cán bộ, lãnh đạo để chia chác, trục lợi trong khi người dân đang nguy đốn trước đại dịch COVID-19 khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Đáng chú ý, 2 đại án nổi cộm lên những trợ lý, thư ký của cựu lãnh đạo các bộ, ngành đã lợi dụng chức vụ của mình nhận hối lộ hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng, bằng những thủ đoạn được đánh giá là "trắng trợn".

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 1.

Nguyễn Quang Linh và Phạm Trung kiên. Ảnh: Bộ Công an

Điển hình trong vụ "Chuyến bay giải cứu", bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo buộc gây khó khăn, ép các doanh nghiệp phải hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng để được cấp phép các chuyến bay combo. Toàn bộ số tiền nhận hối lộ, Kiên đã dùng để mua đất, cho chú họ vay và đưa về cho vợ.

Tại toà, bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun, cho biết được phê duyệt 17 chuyến bay, bị cáo Phạm Trung Kiên yêu cầu chung chi 150 triệu đồng/chuyến thì mới được phê duyệt. Khi gặp mặt Phạm Trung Kiên, Dương bị Kiên quát tháo và bảo: "Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn (cựu phó phòng thuộc Cục xuất nhập cảnh, Bộ Công an- PV) thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến".

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" trong tháng 7 vừa qua

Đáng chú ý, bị cáo Dương khai rằng mỗi lần phê duyệt chuyến bay, Kiên đều gửi cho bị cáo Dương bức ảnh thể hiện Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký. Tuy nhiên,  Kiên yêu cầu "anh phải chuyển tiền thì mới có dấu".

Khi luận tội đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội cáo buộc Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế song đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu. Kiên gây áp lực để doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu. "Bị cáo nhận hối lộ nhiều lần nhất, số tiền nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất"- đại diện VKSND đánh giá.

Theo VKSND, khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội, Kiên đã chuyển trả lại tiền cho một số người và nhờ họ khai báo số tiền vay mượn cá nhân. Từ các nhận định trên, VKSND TP Hà Nội đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình đối với Phạm Trung Kiên.

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 3.

Từ những hành vi của các bị cáo khiến chi phí của người dân bị nâng lên cao

Sau khi bị đề nghị án tử, tại phiên toà, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế đã nhiều lần khóc xin HĐXX cho mức án tù để "có cơ hội trở về", đồng thời sẽ tác động gia đình nộp lại số tiền hối lộ. Sau khi nghị án, TAND TP Hà Nội đã tuyên Kiên mức án chung thân vì bị cáo đã thành khẩn khai báo trong giai đoạn xét xử, khắc phục trên 42 tỉ đồng, gia đình có bố đẻ có công với cách mạng….

Cũng trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, bị cáo buộc 5 lần nhận hối lộ, tổng hơn 4,2 tỉ đồng để giúp 2 doanh nghiệp thực hiện trót lọt 26 chuyến. Bị cáo Nguyễn Quang Linh làm trợ lý cho Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ từ năm 2013 đến khi bị bắt tháng 9-2022.

Tại toà, bị cáo Nguyễn Quang Linh cho thừa nhận bị cáo có vai trò rà soát thủ tục, đề xuất của các đơn vị của Văn phòng Chính phủ xem nội dung đó có phù hợp với văn bản kèm theo hay không. Bị cáo không có thẩm quyền ngăn chặn bác bỏ, mà chỉ báo cáo Phó thủ tướng xem xét.

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 4.

Các mức án trong vụ "Chuyến bay giải cứu". Đồ hoạ: Chi Phan

Về quy trình thẩm định văn bản, bị cáo Linh khai mọi hồ sơ sẽ gửi ở văn thư của Văn phòng Chính phủ rồi gửi đến các vụ chức năng. Hồ sơ cấp phép "Chuyến bay giải cứu" vì thế được chuyển đến Vụ Quan hệ quốc tế xem xét rồi làm tờ trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và cuối cùng mới trình Phó thủ tướng.

Cựu trợ lý Nguyễn Quang Linh cho rằng Văn phòng Chính phủ bổ sung thêm chức năng thẩm định hồ sơ cấp phép chuyến bay giải cứu là không đúng, khi mà Thủ tướng đã giao cho tổ công tác 5 Bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng) làm việc này. "Bị cáo biết Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ để trình lên Phó thủ tướng là chưa đúng nhưng bị cáo vẫn trình" - bị cáo Linh thừa nhận.

Theo bị cáo Linh, thông qua ông Vũ Ngọc Quyền, phó vụ trưởng Vụ Thư ký - Biên tập (Văn phòng Chính phủ), giới thiệu bị cáo Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) đến gặp bị cáo Linh xin cấp phép chuyến bay. Thời điểm đó, bị cáo Linh chỉ giúp đỡ hướng dẫn hồ sơ sao cho hợp lệ.

Đối với Công ty Cổ phần dịch vụ Lữ hành Việt, bị cáo Linh khai bị cáo tư vấn về thủ tục và bị cáo cũng giới thiệu Hoàng Anh Kiếm với Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ quan hệ Quốc tế, để giải quyết công việc. Sau khi giúp đỡ, bị cáo Linh đã nhận 180.000 USD từ Hoàng Anh Kiếm và nhận 100 triệu đồng từ Nguyễn Mai Anh, cựu chuyên viên Vụ quan hệ Quốc tế.

Sau khi khởi tố, bị cáo Linh cùng gia đình đã nộp 4,4 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Được đánh giá là thành khẩn trong khai báo, nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác, TAND TP Hà Nội đã tuyên Nguyễn Quang Linh phạt 7 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 5.

2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh trong đại án Việt Á

Trong khi đó, tại đại án Việt Á, cũng giữ vai trò thư ký cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh lại giữ vai trò "trung chuyển" tiền hối lộ cho sếp của mình. Cụ thể, Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã nhiều lần đưa Nguyễn Huỳnh với tổng số tiền 2,2 triệu USD chuyển qua cho cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; riêng Huỳnh nhận 4 tỉ đồng từ Việt.

Khoảng cuối tháng 8-2020, trong một lần bị can Phan Quốc Việt đến nhà bị can Nguyễn Huỳnh ăn tối, trong lúc ngồi ăn và nói chuyện, cựu thư ký bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc đến việc mình mua ôtô nhãn hiệu Volvo XC90 và phải vay tiền ngân hàng để mua. Thấy vậy, bị can Việt hứa sẽ chi cho ông Huỳnh một khoản tiền để hỗ trợ trả nợ ngân hàng. Sau đó, Việt đã chỉ đạo Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á, chuyển cho Huỳnh 2 tỉ đồng để thanh toán tiền vay ngân hàng mua xe.

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 6.

Phan Quốc Việt đã hối lộ hàng trăm tỉ đồng trong vụ Việt Á

Bên cạnh đó, trước tết Nguyên đán 2021, cựu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo bị can Huỳnh liên hệ với Việt, đề nghị Tổng giám đốc Công ty Việt Á đưa 1 triệu USD để xử lý công việc. Nhận lệnh, vị thư ký này gọi điện trao đổi cho Việt biết chỉ đạo của Long.

Khoảng ngày 27 hoặc 28-12 âm lịch, Phan Quốc Việt để 1 triệu USD và 2 tỉ đồng vào một túi vải màu xanh in chữ "chúc mừng năm mới" và đến nhà Huỳnh để nhờ gửi cho ông Long 1 triệu USD, còn 2 tỉ đồng là đưa thư ký cựu bộ trưởng Bộ Y tế. Sau đó, Huỳnh chuyển 1 triệu USD cho ông Long, 2 tỉ đồng còn lại sử dụng cá nhân.

Tiếp đó, ngày 29-6-2021, bị can Phan Quốc Việt tiếp tục đến trụ sở Bộ Y tế gặp bị can Nguyễn Thanh Long để bàn về việc sản xuất vắc-xin phòng dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ. Sau khi nói chuyện được khoảng 15 phút thì Việt lấy 1 túi vải bên trong chứa 50.000 USD đưa cho bị can Long và ra về.

Khoảng đầu tháng 11-2021, bị can Nguyễn Thanh Long tiếp tục nhắn tin giao thư ký đề nghị Việt chi kinh phí để xử lý công việc. Nhận lệnh, Huỳnh báo lại cho Phan Quốc Việt và được đồng ý, hẹn gặp nhau ngay trong ngày. Sau khi đưa cho Huỳnh túi tiền chứa 1 triệu USD, cả 2 ngồi ăn tối tại một căn hộ ở phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội). Sau đó, Huỳnh về đưa cho bị can Nguyễn Thanh Long số tiền nêu trên.

Hai đại án Chuyến bay giải cứu, Việt Á: Trợ lý, thư ký và những túi quà tiền tỉ - Ảnh 7.

Việc nâng khống kit test Việt Á gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước

Cũng tại đại án Việt Á, Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, bị cáo buộc nhận 200.000 USD từ Việt Á để giúp Phan Quốc Việt trong quá trình nghiên cứu đề tài kit xét nghiệm và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, tiêu thụ. Do quen biết từ trước khi Việt đã nhờ Nguyễn Văn Trịnh nên bị can này đã can thiệp, chỉ đạo để Bộ Y tế ban hành văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Việt Á lập hồ sơ đăng ký.

Sau đó, bị can Trịnh chỉ đạo bị can Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giới thiệu, giúp Việt Á được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định chất lượng kit xét nghiệm, làm căn cứ lập hồ sơ đăng ký lưu hành gửi Bộ Y tế. Tiếp đến, bị can Nguyễn Văn Trịnh chỉ đạo bị can Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), hoàn thiện hồ sơ để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Việt Á.

Cơ quan điều tra còn xác định bị can Trịnh đã can thiệp, tác động bị can Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), giúp Việt Á được Bộ Y tế sử dụng nguồn tiền tài trợ từ các ngân hàng để thanh toán tiền mua 200.000 kit xét nghiệm với giá 470.000 đồng/kit, trong khi giá trị thực của 1 kit xét nghiệm chỉ 143.000 đồng. Được sự hậu thuẫn từ bị can Trịnh, Phan Quốc Việt đã 2 lần chi tiền cảm ơn với tổng số tiền 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỉ đồng).

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên