hủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định xây dựng thể chế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thời gian qua, Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội. Đồng thời, tích cực tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung tháo gỡ các nút thắt về thể chế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng các định hướng và nhiệm vụ lập pháp trong Đề án "Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV" đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đó là ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, tập trung vào công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp.
Trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW về "Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV"; trong đó có nhiều dự án, dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát tối cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát tư pháp…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho hay để bảo đảm đầy đủ các yêu cầu của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với vị trí, vai trò là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, Quốc hội luôn xác định phải thiết lập được hệ thống pháp luật đủ mạnh để phòng, chống tham nhũng.
Vì vậy, thời gian qua, Quốc hội đã chỉ đạo triển khai toàn diện, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực. Đồng thời, tập trung chỉ đạo nghiên cứu, ban hành mới, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật còn bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý để "không thể tham nhũng, tiêu cực".
Quốc hội đã chỉ đạo nâng cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, thông qua các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp các cam kết quốc tế và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã tiến hành 4 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường, qua đó xem xét, thông qua 16 Luật, nhiều Nghị quyết quan trọng. Trong đó, có nhiều dự án luật đóng vai trò quan trọng liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng chống rửa tiền… Nghị quyết của Quốc hội áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với quy định xử lý của Đảng. Qua đó góp phần khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm sự phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, trình Bộ Chính trị xem xét thông qua Đề án "Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV". Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ với 8 nhóm định hướng, 70 định hướng cụ thể, 137 nhiệm vụ lập pháp. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, về phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng.
Nói về công tác lập pháp, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khoá XV, cho rằng Quốc hội đã rất chịu khó lắng nghe diễn biến trong việc áp dụng pháp luật vào đời sống, đối tượng điều chỉnh, cho nên những tiếng nói từ cơ sở, các lĩnh vực thực hiện luật pháp đó đã được tập hợp, phân tích rất cụ thể, rõ ràng. Chính vì thế, mỗi lần sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (vào các năm 2007, 2012, 2018) đều có điểm mới. Từ những điểm mới đó, có điều kiện để có thể áp dụng vào đời sống xã hội - tức là những quan hệ xã hội phải điều chỉnh thì dứt khoát Quốc hội quyết, chỉ có bàn tới chứ không có ai bàn lùi.
Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khoá XV
"Cái mạnh của Quốc hội chính là nhận thức được thực tế khách quan, nhìn nhận được con đường đi lên của chúng ta là của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy, công tác xây dựng pháp luật được thực hiện theo tinh thần đó"- ông Vũ Trọng Kim nêu quan điểm.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực từ 1-7-2023. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Luật này đã kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhấn mạnh tăng cường, hoàn thiện dân chủ, pháp luật về dân chủ, thực hiện dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở là mục tiêu lâu dài và thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta. Với Luật Thực hiện dân chủ ở cở sở sẽ góp phần phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng quan liêu, tham nhũng.
"Để bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, cơ hội chính trị, mất dân chủ, điều quan trọng bậc nhất là phải làm cho người dân hiểu rõ mục đích của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của chính mình và toàn xã hội"- ông Thưởng nhấn mạnh.
Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc, giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Hiện nay, có đến 70% đơn thư khiếu nại hàng năm liên quan đến đất đai. Đất đai cũng là lĩnh vực còn tồn tại nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như kết luận mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, việc Quốc hội khoá XV sửa đổi Luật Đất đai đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân, nhất là vấn đề xây dựng các thể chế tháo gỡ những nút thắt, lấp khoảng trống về pháp lý, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai.
Vào đầu tháng 3-2023, tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Tuy nhiên, chỉ luật hóa các vấn đề đã chín, đã đủ rõ; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng "cài cắm" lợi ích nhóm; cần chỉ rõ vướng mắc, "lỗ hổng" để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.
Bình luận (0)