img

(NLĐO)- Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là “cảm ơn” khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội vừa công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên toà

Đại diện VKSND đánh giá trong đó vụ án này có nhiều bị cáo bị khởi tố công tác ở nhiều bộ, ngành, địa phương; hành vi phạm tội, tính chất và mức độ phạm tội thuộc loại đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi. Hành vi nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn của các bị cáo xảy ra trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, bị dư luận xã hội lên án gay gắt nên việc TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án này là thể hiện tính nghiêm minh, kịp thời để răn đe, nhằm giáo dục chung.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 2.

Đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại phiên toà

Đối với các bị cáo Nhận hối lộ, đại diện VKSND đánh giá thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cơ quan nhà nước đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 công dân từ 62 vùng lãnh thổ về nước là thể hiện chính sách, chủ trương nhân đạo của Nhà nước ta. Tuy nhiên, chủ trương tốt đẹp đã bị một số cán bộ biến chất làm cho hoen ố, mất uy tín với nhân dân và bạn bè quốc tế.

Một số bị cáo đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân, nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội đối với các bị cáo Nhận hối lộ. 

Tuy nhiên, cần xem xét thời điểm xảy ra dịch đang diễn ra việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước cũng nhanh và phức tạp không có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục "đây cũng là nguyên nhân, sơ hở để các bị cáo phạm tội". Xem xét việc một số bị cáo không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng do không tránh được cám dỗ nên đã phạm tội để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 3.

Trong nhóm tội Nhận hối lộ, bị cáo Tô Anh Dũng có chức vụ cao nhất

"Trong phần thẩm vấn, có một số bị cáo "lập lờ đánh lận con đen", cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước"- Đại diện VKSND nêu rõ.

Trong vụ án này, đại diện cơ quan tố tụng khẳng định thủ đoạn phạm tội của các bị cáo được thể hiện dưới 2 dạng chính là nhận hối lộ đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Dạng thứ 2, bị cáo có thẩm quyền trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay, gây khó khăn dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo "Luật bất thành văn" thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.

Theo đó, đại diện VKSND khẳng định trên cơ sở kết quả điều tra và được thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đã có đủ cơ sở để xác định hành vi nhận hối lộ của 21 bị cáo. Cụ thể, Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu phó trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng; Tô Anh Dũng cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hối lộ hơn 12 tỉ đồng; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhận hối lộ hơn 9 tỉ đồng; Trần Văn Dự, cựu phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhận hối lộ 7,6 tỉ đồng; Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỉ đồng; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng; Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại trong nhóm này, nhận hối lộ từ 400 triệu đến 2 tỉ đồng.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 4.

Bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ nhiều nhất bị VKSND đề nghị mức án tử hình

Trong số này, đại diện VKSND đánh giá bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, gây khó khăn cho đại diện các doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và các doanh nghiệp xin cho công nhân, người lao động về nước phải chi cho bị cáo theo mức tiền mà Kiên yêu cầu. Đại diện các doanh nghiệp đã phải chi tiền cho bị cáo Phạm Trung Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.

Trong vụ án này, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất (253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền là hơn 42,6 tỉ đồng), "bằng thủ đoạn trắng trợn nhất" trong số các bị cáo. Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền 12,2 tỉ đồng, đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân. Do vậy, đối với bị cáo Kiên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất.

Với các bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo đại diện VKSND, thời điểm năm 2020, 2021, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Malaysia và trên toàn thế giới hết sức phức tạp, tháng 3-2020, Chính phủ Malaysia công bố đóng cửa biên giới dẫn đến tình trạng nhiều du học sinh, công dân Việt Nam, người lao động bị mắc kẹt; hơn 2.000 người mãn hạn tù là công dân Việt Nam đang ở các trại chờ gây nên áp lực lớn đối với chính quyền Malaysia. Chính quyền Malaysia đã gửi nhiều văn bản đến Đại sứ quán yêu cầu Chính phủ Việt Nam đưa người mãn hạn tù về nước bằng bất cứ hình thức nào; tại các trại chờ, tình hình môi giới giả danh cán bộ Đại sứ quán để thu tiền giá cao nhưng vẫn không đưa họ về nước.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 5.

Bị cáo Trần Việt Thái hưởng hơn 5,8 tỉ đồng khi đưa hơn 2.000 người mãn hạn tù về nước

Trước tình hình đó, mặc dù không có kinh phí, Đại sứ quán đã chủ động báo cáo Bộ Ngoại giao xin phép Chính phủ cho tổ chức bảo hộ công dân đưa người mãn hạn tù từ nhiều nơi trên khắp đất nước Malaysia về nước trên các chuyến bay giải cứu bằng kinh phí tự nguyện của những người này. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện 8 chuyến bay đưa người mãn hạn tù về nước, với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, Trần Việt Thái đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cấp dưới Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương thu, chi, sử dụng tiền của công dân trái quy định của pháp luật, thu tiền cao hơn chi phí thực tế, gây hậu quả thiệt hại hơn 10,4 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Trần Việt Thái hưởng lợi 5,8 tỉ đồng, Ngọc Anh, Hoàng Linh mỗi người 480 triệu đồng và Minh Phương hưởng lợi 220 triệu đồng. "Tuy nhiên, cũng cần đánh giá, xem xét một phần nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo để giảm nhẹ một phần"- VKSND nêu quan điểm.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 6.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (trái) và Lê Hồng Sơn - cựu phó tổng giám đốc và tổng giám đốc Công ty Blue Sky - bị cáo buộc đưa hối lộ 100 tỉ đồng

Đối với nhóm các bị cáo Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, cơ quan tố tụng đánh giá, một phần từ mục đích tìm kiếm lợi nhuận và tạo công ăn, việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh; ý thức của các doanh nghiệp trong việc đồng hành với Nhà nước thực hiện các chuyến bay đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt. Tuy nhiên, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin cho của một số đối tượng trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay. Do đó, đại diện VKSND đề nghị Hội đồng xét xử cũng cần cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 7.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng (bìa trái) và cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn

Đối với nhóm "chạy án" được dư luận đặc biệt quan tâm, theo đại diện VKSND, Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, khi được Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, liên hệ để giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn - cựu phó tổng giám đốc và tổng giám đốc Công ty Blue Sky - "chạy án", Hưng đã nhiều lần đến nhà Tuấn để trao đổi.

Hưng nói chuyện với Hằng và Tuấn, tạo niềm tin cho Hằng là sẽ giúp không bị xử lý hình sự. Hưng hướng dẫn Hằng cách đối phó với cơ quan điều tra. "Hành vi này có dấu hiệu "xâm phạm hoạt động tư pháp" nên cơ quan công tố đề nghị cần điều tra, xác minh thêm sau khi vụ án này kết thúc" - đại diện VKSND kiến nghị.

Sau khi Hưng chuyển công tác, không còn nhiệm vụ trong công tác điều tra vụ án, Hưng vẫn gặp Tuấn và Hằng để cung cấp thông tin, hứa hẹn "chạy án". Hưng còn đưa ra các lý do không đúng thực tế, sai sự thật để Tuấn yêu cầu Hằng chuyển tiền.

Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Hưng, Tuấn và Hằng gặp gỡ, nhận tiền theo một số thủ đoạn. Cụ thể như Hưng sử dụng 2 sim rác liên lạc với Tuấn qua điện thoại và ứng dụng Viber; Hằng cũng sử dụng sim rác và Viber. Khi gặp mặt, việc trao đổi thường diễn ra vào buổi tối chủ yếu sau 20 giờ tại nhà riêng của Nguyễn Anh Tuấn để bảo đảm bí mật.

Kết quả điều tra lịch sử liên lạc thể hiện từ năm 2019 đến 2022, giữa Tuấn và Hưng chỉ ghi nhận 5 cuộc gọi. Tuy nhiên, từ tháng 1-2022 đến ngày 31-12-2022, Hưng và Tuấn phát sinh 435 cuộc gọi qua ứng dụng Viber và sim rác. Giữa Hưng và Hằng không phát sinh cuộc gọi nào, còn giữa Hằng và Tuấn có 76 cuộc gọi.

Về việc giao nhận tiền, đại diện VKSND cho biết Hưng không đưa ra yêu cầu về tổng số tiền phải đưa mà yêu cầu đưa theo từng giai đoạn điều tra vụ án, trung bình mỗi tháng một lần. Theo cơ quan tố tụng, có đủ căn cứ kết luận Sơn và Hằng đưa hối lộ 2,65 triệu USD cho Nguyễn Anh Tuấn để "chạy án", Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Trong quá trình điều tra, thẩm vấn công khai tại tòa, Hưng không thành khẩn khai báo, không khắc phục hậu quả nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Tiền “cảm ơn” bằng gia tài nhiều người mơ ước - Ảnh 8.

VKSND đề nghị mức án đối với các bị cáo. Đồ hoạ: Phan Chi

Theo thống kê của VKSND, 54 bị cáo trong vụ án đến nay đã nộp tiền khắc phục hậu quả khoảng 120 tỉ đồng và 1,5 triệu USD. Trong đó, riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại khoảng 80 tỉ đồng.

Trong số này, bị cáo nộp lại số tiền nhiều nhất là Vũ Anh Tuấn, cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Bị cáo Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ tổng số hơn 27 tỉ đồng, hưởng lợi 22,8 tỉ. Khi vụ án bị khởi tố, Tuấn đã trả lại cho một số doanh nghiệp khoảng 3,1 tỉ nên số tiền bị cáo còn chiếm hưởng là 19,6 tỉ. Trong quá trình điều tra, xét xử, Tuấn cùng gia đình đã nộp cho cơ quan điều tra 20 tỉ đồng.

Trong nhóm bị cáo nhận hối lộ, nhiều người đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả gồm: Tô Anh Dũng nộp 16 tỉ đồng; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, nộp hơn 4,4 tỉ đồng; Trần Văn Dự, cựu cục phó Cục Xuất nhập cảnh, nộp hơn 3,1 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nộp hơn 2 tỉ đồng… Cũng nhóm tội này, bị cáo nộp lại số tiền ít nhất là Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự. Bị cáo Tùng bị cáo buộc nhận hối lộ 12,2 tỉ đồng và đến nay mới nộp 200 triệu đồng. Cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền 25 tỉ đồng, đến nay mới nộp 900 triệu đồng.

Kiến nghị điều tra trách nhiệm Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên

Trong bản luận tội, VKSND nhận định qua hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên, thấy rằng cần kiến nghị để điều tra, làm rõ hành vi và trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ở giai đoạn 2 của vụ án. Lý do VKSND đưa ra đó là Thứ trưởng Bộ Y tế là người ký công văn chấp thuận gửi Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép cho các chuyến bay.

Bên cạnh đó, VKSND cũng kiến nghị điều tra, xử lý bà Ngô Thị Phương Lan (chị gái bị cáo Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Giao thông Vận tải) có dấu hiệu của tội "Che giấu tội phạm".

Qua thẩm vấn tại tòa, một số bị cáo có dấu hiệu của tội "Rửa tiền", VKSND kiến nghị điều tra, làm rõ tiếp trong giai đoạn 2.

Nguyễn Hưởng

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên