Nhiều tháng trước mốc thời gian được yêu cầu chuyển đổi công năng một phần bệnh viện thành nơi điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã tự chia thành 2 nửa. Để được giữ lại những bệnh nhi mắc Covid-19 mà chăm sóc, thay vì phải băn khoăn về con đường chuyển viện. Đó là những ngày tháng 6, khi áp lực bắt đầu gia tăng lên khối điều trị.
Cũng giống như nhiều đồng nghiệp, bố trí cho trẻ em mắc Covid-19 được ở cùng cha mẹ là điều PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng luôn mong muốn. Mà muốn làm vậy, cần có thêm giường bệnh. Muốn thêm giường bệnh, ông và đồng đội mở khu điều trị. Ban đầu là một khu nho nhỏ, sau đó dần dần lấn thêm ra các khoa phòng trong khu điều trị ban ngày. Đến nay, Khu tiếp nhận và điều trị Covid-19 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có 155 giường.
"Ngoài điều trị Covid-19, các cháu còn cần ai đó không chỉ chăm sóc, cho uống sữa mà còn phải hiểu các cháu nữa. Tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm mẹ con khi trẻ bệnh rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi chọn để các gia đình ở chung, vừa chăm sóc bé, vừa chăm sóc bệnh nhân người lớn. Cũng có khi bệnh nhân người lớn trở nặng, có người từng phải thở HFNC (oxy dòng cao) ngay tại đây. Quan trọng mình phải theo dõi được cả hai" – PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, trưởng Khu cách ly A-B, chia sẻ.
Dù bệnh nhi ở lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã được sàng lọc để ưu tiên cho những bé "nặng" nhất (các bé và gia đình nếu cùng nhẹ sẽ được đưa đến bệnh viện dã chiến, uu tiên Bệnh viện Dã chiến Củ Chi nơi có một ê-kíp của Bệnh viện Nhi Đồng 1) nhưng như một điều kỳ diệu, hầu hết các bé tại Khu cách ly A-B – mắc Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, vẫn hồn nhiên vui đùa, bình yên trong vòng tay cha mẹ.
Có một "tầng 3" nhi khoa ngay trong khu điều trị này, chính là khoa Hồi sức tích cực – chống độc của bệnh viện được chuyển đổi, cũng là nơi mà áp lực về hồi sức không kém cạnh bệnh viện người lớn: tuy trẻ em Covid-19 nặng rất hiếm, nhưng mỗi đứa trẻ trở nặng chiếm lấy trái tim nhiều người.
Đón tôi ngay cửa khoa là ánh mắt chăm chú của bác sĩ trẻ Nguyễn Tô Bảo Toàn đang dõi theo từng thiết bị nối vào cơ thể của bệnh nhi nặng nhất – một bé gái thừa cân. Cuộc phỏng vấn của tôi đã dừng lại ngang khi nhận ra giọng anh đã có chút run. "Em thấy anh mệt lắm rồi. Anh ngồi xuống đi". "Vâng, thật sự là giờ anh mệt...".
Trong khi bác sĩ Toàn bận tay, cậu bé T. (13 tuổi) ở giường bên lại níu tôi: "Cô ơi, con nhớ mẹ con quá, con muốn về nhà". T. kể cho tôi một câu chuyện dài với những băn khoăn con trẻ: gia đình ra sao, nỗi lo của bé khi không học online được mấy ngày nay.
Khi lau giùm T. mấy đầu ngón tay vấy bẩn do táy máy, vừa trò chuyện cho em bớt cô đơn vừa dỗ em đừng khóc, chính tấm kính chắn giọt bắn trước mắt tôi cũng nhòe đi. Giống như các ICU khác, ICU nhi khoa là nơi duy nhất các em bé phải tạm rời cha mẹ và tự chiến đấu. Mà có đôi khi, cha mẹ các bé cũng đang ở trong một cuộc chiến khác, một nơi khác.
PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, cũng là trưởng Khu cách ly – hồi sức tích cực Covid-19 của bệnh viện, thông báo tình trạng của bé T. Đó cũng là lúc tôi chợt thấu hiểu cảm giác của các anh.
Khu ICU đặc biệt này còn dành rất nhiều giường cho các bé bại não, đa dị tật bẩm sinh mà các bác sĩ đã giữ lại ở tầng điều trị cao nhất, vì các bé thường bị nặng. Vì cho dù không thể giao tiếp trọn vẹn với thế giới, các bé vẫn cần được yêu thương trọn vẹn.
Niềm vui ở khu ICU căng thẳng này có lẽ là những ca hồi sinh ngoạn mục. "Trẻ con khi đã qua khỏi nguy hiểm rồi thì hồi phục nhanh lắm" – PGS-TS-BS Phạm Văn Quang nói.
Một trong những trường hợp đặc biệt đó là em Nguyễn P.H., 14 tuổi, nặng tới 100 kg, nhập viện khi khó thở và tím tái, là một ca ở mức độ nguy kịch, không đáp ứng với oxy mask, tổn thương phổi diễn tiến nhanh, tổn thương gan và các cơ quan do phản ứng viêm rất mạnh... Ngày vào viện, em đã tím môi, thở nhanh tới 50 lần/phút, SpO2 đo chỉ còn 50%. Thế nhưng, chỉ sau 5 ngày điều trị tích cực, em đã cai máy thở, hồi phục ngoạn mục và vừa được xuất viện ít ngày trước. H. là một trong những bệnh nhi nặng nhất ở đây.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 có những ê-kíp luân phiên đến với Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương để hỗ trợ về nhi khoa, một nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng có bệnh lý nền. Họ không có khoa nhi nhưng lại có nhiều em bé đi cách ly cùng cha mẹ. Vậy là một sự phối hợp đã diễn ra, vì lãnh đạo cả 2 bên đều mong muốn các em bé được gần với cha mẹ. Thay vì tách trẻ ra, bác sĩ sẽ rời bệnh viện để đến với các em.
Và trong những đứa bé cần được hỗ trợ, các bé sơ sinh non tháng luôn chiếm lấy trái tim các bác sĩ. Bởi Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương có một khoa sản lớn, đồng nghĩa với thỉnh thoảng có một thai phụ mắc Covid-19 nặng cần được chấm dứt thai kỳ sớm để bảo vệ cả mẹ lẫn con.
Do tình trạng của bé vẫn còn nguy hiểm, người mẹ cũng thở máy không tự chăm sóc con được nên cháu bé đã được đưa về đơn vị hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1. Rất may sau đó một thời gian, cả 2 mẹ con đều hồi phục ngoạn mục và được đoàn tụ.
Bình luận (0)