Ngày 27-5-2021, TP HCM ghi nhận 36 ca Covid-19 liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Ba ngày sau, TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Từ thời điểm này, hàng chục ngàn y - bác sĩ (BS) được vận động ra tuyến đầu chống dịch. Gác lại hạnh phúc riêng tư, họ bước vào cuộc chiến sinh tử với tâm thế của một người lính: "Chưa hết dịch thì chưa về!".
Cùng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), BS Hoàng Thu Minh (Khoa Gây mê hồi sức) và chồng là BS Lê Xuân Giang (Khoa Bỏng) là những người đầu tiên tham gia tuyến đầu chống dịch. BS Minh được điều động vào Khu Hồi sức Covid-19 của bệnh viện, còn BS Giang đến Bệnh viện Dã chiến số 6.
Trước ngày nhận nhiệm vụ mới, BS Minh chủ động cho 2 con xem những video chống dịch, trang bị kiến thức cơ bản để các bé tự chăm sóc khi không có cha mẹ ở bên. May mắn là cả hai bên nội ngoại đều ở TP HCM nên vợ chồng chị đã gửi con cho ông bà trông nom giúp.
Những tháng dài không thể về nhà thăm con, chỉ cần nhìn thấy bất kỳ em bé nào ngang qua là BS Minh lại thèm cảm giác ôm 2 con vào lòng. "Người mẹ nào cũng muốn ở gần bên con nhưng biết làm sao được. Đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng là phải làm tròn chức phận cứu người" - BS Minh bày tỏ.
Tuy chỉ mới 6 tuổi nhưng cháu An Khang, con đầu lòng của vợ chồng BS Minh - BS Giang, tỏ ra khá chững chạc, luôn quan tâm chăm sóc cha mẹ. BS Minh nhớ lại những lần con trai dặn dò: "Mẹ phải quay video gửi về để con kiểm tra xem chỗ mẹ có đồ ăn không?"; "Ba mẹ phải ăn uống đúng giờ nha!"; "Ở nhà có cơm ngon lắm, ba mẹ nhanh về ăn với con"... Những câu nói ấy khiến nữ BS ấm lòng, xua đi những mệt mỏi bởi trận chiến cam go.
Trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng BS Minh, niềm hạnh phúc đơn giản chỉ là gia đình quây quần cùng nhau ăn bữa cơm. Thế nhưng, nghề BS là luôn phải chạy đua với thời gian nên nếu phải đi trực vào dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới thì cũng là điều bình thường với họ.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, cũng ngần ấy thời gian nên duyên vợ chồng, BS Minh - BS Giang vẫn giữ thói quen dành cho nhau những lời ngọt ngào trước khi đi làm. "Công việc luôn bận rộn, vì thế nếu sắp xếp được ngày nào rảnh dành cho nhau thì đó chính là ngày Valentine" - BS Minh bộc bạch.
Hiện tại, BS Minh đã quay trở lại với công việc chính của mình tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy, còn BS Giang vẫn đang "cắm chốt" tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, vợ chồng họ vẫn còn phải xa nhau.
Theo BS Giang, đã là người thầy thuốc thì hạnh phúc lớn nhất là cứu sống được bệnh nhân. Trong gian khó, niềm vui được nhân lên khi mỗi ngày có thêm bệnh nhân xuất viện.
Thương cha mẹ vất vả, nhân dịp lần gần đây nhất BS Giang được về thăm nhà, bé An Khang cùng em trai là An Phúc, 3 tuổi, đã tổ chức một lễ cưới bất ngờ cho cha mẹ. Hai bé dùng những mảnh lego ghép thành lâu đài và trang trí ngôi nhà như lễ đường thu nhỏ. Xúc động với những gì các con đã làm, chị Minh không cầm được nước mắt.
Tối 20-2, một lễ cưới tập thể đã được tổ chức cho 20 cặp cô dâu, chú rể là các y - BS của Bệnh viện Quân y 175. Lễ cưới như một sự tri ân dành cho các y - BS đã gác lại hạnh phúc riêng của mình để chung tay chống dịch. Họ mang theo lời thề Hippocrates bước vào "trận chiến" chống dịch Covid-19 khốc liệt, sẵn sàng tâm thế "chưa hết dịch thì chưa về". Những câu chuyện xúc động về những cặp đôi này lan tỏa giá trị nhân văn, về sự quên mình, thầm lặng cống hiến của người thầy thuốc.
Một trong những cặp đôi đó là thượng úy - BS Nguyễn Cảnh Chung và trung úy - BS Hoàng Thị Lâm. Theo kế hoạch, cuối tháng 5-2021, hai người sẽ cũng nắm tay nhau đến lễ đường nhưng mọi thứ phải tạm gác lại để nhường cho việc cứu người.
BS Chung là người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Bệnh viện Quân y 175. Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, số ca nhập viện tăng cao, anh Chung cùng đội ngũ y - BS của bệnh viện phải "căng não" để giành giật mạng sống cho bệnh nhân. Khi biết tin vợ có thai, BS Chung vừa mừng vừa lo. Rồi những lúc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là sản phụ, anh thượng úy trẻ lặng người, nhớ đến vợ một mình ở nhà. Trong thâm tâm, anh tự nhủ phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ, nhanh chóng dập dịch để về với vợ con.
Vì chưa tiêm vắc-xin, để giữ an toàn cho 2 mẹ con nên ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho BS Hoàng Thị Lâm làm việc tại nhà. "Vợ ở nhà rất mệt, bản thân tôi ở khu điều trị Covid-19 cũng rất nhọc nhằn. Ông bà nội ở Nghệ An, ông bà ngoại ở Thanh Hóa, một mình vợ phải trải qua những ngày căng thẳng của thai kỳ" - BS Chung nắm chặt tay vợ tại lễ cưới, nhớ lại giai đoạn khó khăn đã qua.
Trong khi đó, BS Lâm bộc bạch: "Không có chồng ở bên, tôi cũng cảm thấy tủi thân nhưng ngoài kia còn rất nhiều người đang cần giúp đỡ hơn. Những lúc mệt mỏi, tôi thường xoa bụng và thỏ thẻ tâm sự với con: "Ráng lên con nhé! Hết dịch ba về với mẹ con mình". Giờ thì ước mơ ấy đã tròn vẹn".
Giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bé trai Nguyễn Cảnh Hoàng Đức chào đời tại Bệnh viện Quân y 175. Tiếng khóc đầu đời của con là món quà vô giá của vợ chồng bác sĩ quân y này.
Kỳ tới: Ở nơi cuộc chiến tiếp diễn
HAI LẦN HOÃN LỄ CƯỚI
Trong số 20 cặp đôi y - BS được Bệnh viện Quân y 175 tổ chức lễ cưới tập thể, chúng tôi còn chú ý đến trung úy Trần Văn An - trung úy Bùi Thị Hoài Thu, công tác tại Khoa Hồi sức ngoại của bệnh viện. Họ bén duyên nhau khi cùng làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Hoàn thành niệm vụ về nước, anh chị quyết định tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên lễ cưới phải tạm hoãn 2 lần để tập trung cho công tác chống dịch.
Trung úy Trần Văn An và trung úy Bùi Thị Hoài Thu
Tối 20-2, lễ cưới được diễn ra tại bệnh viện, cả 2 người vỡ òa cảm xúc vì sau bao khó khăn cũng có thể trao nhẫn và cắt bánh kem cùng nhau. Lễ cưới càng đặc biệt hơn khi có sự chứng kiến của thiên thần nhỏ vừa tròn 1 tuổi của họ.
Chia sẻ về ngày trọng đại của mình, nữ BS - trung úy Bùi Thị Hoài Thu bày tỏ: "Cưới hỏi là chuyện quan trọng của đời người nhưng việc chữa bệnh lại là sứ mệnh của các BS. Vợ chồng chúng tôi cảm thấy tự hào vì mình đã làm điều đúng đắn".
Bình luận (0)