Theo thông lệ mỗi cuối năm, bạn đọc Báo Người Lao Động cùng tham gia bình chọn những sự kiện quốc tế nóng nhất đã xảy ra trong năm. Và dưới đây là kết quả xếp theo số lượt bình chọn.
Diễn tiến nhanh chóng của xung đột Israel - Hamas phủ bóng lên cuộc xung đột Nga – Ukraine trong những tháng cuối năm 2023. Trước đó, cục diện cuộc xung đột này không có nhiều thay đổi. Ukraine nhận xe tăng, vũ khí và sự huấn luyện của phương Tây trước khi mở chiến dịch phản công vào mùa hè nhưng không đạt nhiều kết quả.
Lực lượng hai bên vẫn giao tranh ở miền Đông và Nam Ukraine nhưng không có nhiều tiến triển từ cả 2 phía. Ngay cả khi các nước phương Tây vẫn công khai ủng hộ Ukraine, một loạt cuộc bầu cử vào năm 2024 có thể ảnh hưởng đến mức độ viện trợ dành cho Kiev trong tương lai.
Lực lượng Ukraine tấn công về phía binh sĩ Nga tại gần TP Bakhmut, vùng Donetsk hôm 5-7Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột đẫm máu nhất giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas bắt đầu hôm 7-10. Các tay súng Hamas bất ngờ xâm nhập lãnh thổ Israel, tấn công làm 1.200 người thiệt mạng và bắt hơn 200 người làm con tin.
Chiến dịch quân sự đáp trả của Israel nhằm vào Dải Gaza khiến hơn 21.300 người thiệt mạng tính đến nay. Cuộc xung đột cũng gây ra khủng hoảng nhân đạo, khiến hơn 2 triệu người Gaza thiếu lương thực, nước uống, thuốc men…
Mỹ đã điều 2 tàu sân bay, đưa binh sĩ và vũ khí đến Trung Đông trong nỗ lực ngăn xung đột lan rộng. Dù vậy, mục tiêu hủy diệt Hamas mà Israel theo đuổi báo hiệu cuộc xung đột sẽ còn kéo dài, làm gia tăng nguy cơ tình hình khu vực xấu thêm.
Rốc-két bắt từ Dải Gaza về phía Israel trong lúc xung đột diễn ra. Ảnh: AP
Một phụ nữ chạy về phía hầm trú ẩn để tránh các vụ tấn công rốc-két sau khi còi báo động vang lên tại Ashkelon, Israel. Ảnh: The New York Times/Redux
Người Palestine chạy khỏi miền Bắc Dải Gaza để tránh chiến dịch quân sự của Israel hôm 10-11. Ảnh: Reuters
Trẻ em Palestine xếp hàng chờ lấy nước tại Rafaf, phía Nam Dải Gaza hôm 5-12. Ảnh: Reuters
Trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công nghệ chủ đạo trong năm 2023 với chất xúc tác là công cụ ChatGPT. Công cụ chatbot này giúp thế giới ít nhiều biết được những bước tiến gần đây trong lĩnh vực khoa học máy tính dù không phải ai cũng hình dung được AI vận hành thế nào hoặc nên làm gì với nó.
Hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới tại TP Thượng Hải – Trung Quốc hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
Sự trỗi dậy của AI hứa hẹn thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người và doanh nghiệp, nhưng cũng đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ hơn để xoa dịu nỗi lo về những mặt trái tiềm tàng của công nghệ này.
Công cụ ChatGPT là chất xúc tác cho sự phổ biến của AI trong năm 2023. Ảnh: AP
Các ngân hàng trung ương khắp thế giới tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Dù vậy, họ cũng tìm cách cân bằng mục tiêu này với nhu cầu duy trì tăng trưởng.
Đến gần cuối năm, nhiều ngân hàng dừng tăng lãi suất dù không loại trừ động thái này trong năm 2024 nếu cần. Một số cái tên như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh duy trì lãi suất từ đầu tháng 11.
Chịu tác động bởi rủi ro địa chính trị và niềm tin FED sẽ cắt giảm lãi suất từ tháng 3 năm sau, giá vàng thế giới vào đầu tháng 12 có lúc tăng lên 2.135 USD/ounce, cao hơn kỷ lục cũ thiết lập hồi tháng 8-2020.
Sư sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) hồi tháng 3 gây ra nỗi lo trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ ở Mỹ. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual vào thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngân hàng Thung lũng Silicon ở TP Santa Clara, bang California – Mỹ. Ảnh: Reuters
Sau SVB, có thêm 2 ngân hàng sụp đổ trong vòng 5 ngày, dẫn đến cổ phiếu ngân hàng trên thế giới lao dốc, cũng như phản ứng nhanh của các cơ quan quản lý nhằm ngăn khủng hoảng lan rộng. Tính cả năm 2023, Mỹ có 5 ngân hàng sụp đổ với tổng tài sản 548,7 tỉ USD.
Năm 2023 khép lại với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo đó kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3%. Con số này phần nào cho thấy kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau "cú sốc" COVID-19.
Một cửa hàng trang sức tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ. Giá vàng đã lập kỷ lục mới trong năm 2023. Ảnh: Reuters
Phần lớn châu Âu "trúng đòn" biến đổi khí hậu trong năm 2023. Bắc bán cầu trải qua mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận. Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo năm 2023 sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ cao, đồng thời cảnh báo nguy cơ lũ lụt, cháy rừng, nắng nóng, băng tan diễn ra ngày càng nhiều.
Một khu vực bị lũ lụt tàn phá ở TP Derna – Libya. Ảnh: Reuters
Làng Cersc ở Tây Ban Nha bị khô hạn nghiêm trọng trong năm 2023. Ảnh: Reuters
Cháy rừng hoành hành trên đảo Rhodes của Hy Lạp, buộc hàng ngàn du khách đi sơ tán Ảnh: Reuters
Cháy rừng gây nhiều thiệt hại trên đảo Maui, bang Hawaii – Mỹ. Ảnh: The New York Times/Redux
Cháy rừng ở tỉnh British Columbia – Canada. Ảnh: AP
Thảm họa vỡ đập ở TP Derna - Libya hồi tháng 9 là một lời cảnh báo bi thảm! Vụ việc xảy ra sau khi bão Daniel gây mưa lớn và lũ lụt kinh hoàng tại nước này. Đập vỡ khiến một phần TP Derna bị phá hủy, con số thương vong dao động từ 5.300 đến 20.000 người.
Một điểm sáng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thỏa thuận đạt được tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Thỏa thuận này lần đầu tiên kêu gọi các nước giảm dần mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch dù các nhà hoạt động và nhiều nước cho rằng nội dung này chưa đủ mạnh.
Người dân làm mát tại đài phun nước trong đợt nắng nóng ở TP Sao Paulo - Brazil vào cuối tháng 9 Ảnh: REUTERS
Các nhà hoạt động khí hậu tại Hội nghị COP28. Ảnh: Reuters
Trận động đất gây nhiều thương vong nhất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng 2. Khi đó, một trận động đất mạnh cấp độ 7,8 khiến gần 60.000 người thiệt mạng ở hai nước này.
Một trận động đất mạnh khác làm rung chuyển Morocco hồi tháng 8, khiến gần 3.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại cho hàng ngàn ngôi làng. Đến tháng 10, động đất mạnh khiến gần 1.500 người thiệt mạng tại Afghanistan, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới.
Lực lượng cứu hộ hoạt động tại khu vực xảy ra động đất ở làng Douar Tnirt (Morocco). Ảnh: The New York Times/Redux
Một bé gái 3 tuổi được cứu sống sau thảm họa động đất tại TP Kahramanmaraş - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The New York Times/Redux
- Quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong năm 2023 có cải thiện đôi chút, thể hiện qua cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11. Đến tháng 12, quan chức quân sự cấp cao hai nước nối lại cuộc gặp trực tuyến sau hơn 1 năm đình trệ.
Trước khi những sự kiện trên diễn ra, quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này có lúc lao dốc vì một loạt tranh cãi, từ vụ Mỹ bắn hạ "khinh khí cầu do thám" của Trung Quốc cho đến căng thẳng tiếp diễn trong những vấn đề như thương mại, chất bán dẫn...
Mỹ bắn hạ "khinh khí cầu do thám" của Trung Quốc ở ngoài khơi bang Nam Carolina hôm 4-2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở bang California hôm 15-11. Ảnh: Reuters
- Quan hệ giữa Nga và phương Tây cũng chưa tươi sáng hơn kể từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraine, thể hiện qua gói trừng phạt thứ 12 của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Moscow vào cuối năm. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow đang nâng cấp kho vũ khí hạt nhân và tiếp tục đặt các lực lượng chiến lược trong trạng thái sẵn sàng cao nhất khi NATO gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện ở Đông Âu.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars tại vùng Kaluga – Nga hôm 17-12. Ảnh: Reuters
- Hội nghị thượng đỉnh của BRICS (Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil) diễn ra tại Nam Phi đạt kết quả nổi bật nhất là kết nạp thêm 6 thành viên. BRICS mở rộng để trở thành đối trọng với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) của phương Tây và trở thành một tập hợp lực lượng trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tuy nhiên, BRICS còn phải đi chặng đường dài để đạt được những mục tiêu này.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi hôm 22-8. Ảnh: Reuters
Ảnh chân dung trong hồ sơ cảnh sát của ông Trump Ảnh: VĂN PHÒNG CẢNH SÁT HẠT FULTON
Chính trường Mỹ chứng kiến không ít sự kiện hiếm thấy trong năm 2023. Nổi bật nhất là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt hồi tháng 8 trước khi được cho tại ngoại. Lần này, ông Trump đối mặt cáo buộc gian lận bầu cử ở bang Georgia.
Diễn biến này đánh dấu lần thứ tư cựu tổng thống Mỹ phải ra trình diện trước cơ quan chức năng các địa phương hoặc liên bang trong năm 2023 sau các cáo buộc hình sự chống lại ông, điều chưa từng có tiền lệ ở Mỹ.
Ông Donald Trump tại phiên tòa ở TP New York hồi tháng 4 sau khi ông trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt cáo buộc hình sự Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tòa tại TP New York hôm 7-12. Ảnh: Reuters
Hạ viện Mỹ cũng chứng kiến điều xảy ra đầu tiên trong lịch sử khi chủ tịch Kevin McCarthy bị phế truất vào đầu tháng 10. Tình trạng hỗn loạn tại Hạ viện phần nào xuất phát từ việc ông McCarthy dựa vào sự ủng hộ của đảng Dân chủ để có đủ số phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn kịch bản chính phủ đóng cửa.
Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại thủ đô Washington hôm 1-11. Ảnh: Reuters
Chương trình tên lửa và vệ tinh của CHDCND Triều Tiên có một năm bận rộn. Theo Mỹ và một số đồng minh, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng hơn 25 tên lửa đạn đạo và 3 vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo trong năm 2023. Động thái này bị cáo buộc đã vi phạm nhiều nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cũng như đe dọa đến hòa bình và ổn định của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Đáp lại, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song cho rằng năm nay là năm nguy hiểm nhất liên quan đến bối cảnh quân sự - an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Kim Song, Mỹ - Hàn Quốc đã tăng cường tập trận trong lúc Washington triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tài sản hạt nhân khác đến khu vực, từ đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra "chiến tranh hạt nhân".
Vụ phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 của Triều Tiên hôm 21-11. Ảnh: Reuters
Tàu chiến của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tham gia tập trận phòng thủ tên lửa đạn đạo hồi tháng 8. Ảnh: Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản
Mỹ và OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nhà sản xuất bên ngoài) tiếp tục đối đầu trong trận chiến thiết lập vị trí thống trị để kiểm soát giá dầu. Giá dầu đã giảm trong vài tuần cuối năm, từ mức cao 94 USD/thùng hồi tháng 9 xuống còn khoảng 75 USD/thùng.
Một cơ sở khai thác dầu tại hạt Loving, bang Texas – Mỹ Ảnh: Reuters
OPEC ra đời năm 1960, hiện chiếm 40% sản lượng dầu thô toàn cầu. Thông thường, khi giá dầu giảm xuống quá thấp, động thái cắt giảm sản xuất của OPEC thúc đẩy giá trở lại do nỗi lo thiếu nguồn cung.
Chiến thuật này được kỳ vọng tiếp tục phát huy hiệu quả khi bước đi cắt giảm sản lượng được công bố vào 12 tháng trước. Giới chức Nga và Ả Rập Saudi cảnh báo sẽ tiếp tục biện pháp này đến sau quý I/2024 với hy vọng nguồn cung thiếu hụt sẽ khiến giá tăng.
Tuy nhiên, Mỹ lại là nước đang ngăn điều này diễn ra. Trong diễn biến lịch sử, sản lượng dầu thô ở Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày hồi tháng 9, theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ.
Một cơ sở dầu tại Novorossiysk – Nga. Ảnh: Reuters
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập tại TP Doha – Qatar hôm 11-12. Ảnh: Reuters
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!