Những khoảnh khắc đáng nhớ của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31
Nếu bóng đá được coi là môn thể thao "vua" thì điền kinh chính là môn thể thao "nữ hoàng" tại những kỳ thế vận hội. Đó là nhờ sự đa dạng các nội dung thi đấu như đi bộ, chạy cự ly, nhảy cao, nhảy xa...
Tại SEA Games 31, môn điền kinh thi đấu với 47 nội dung. Đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự đại hội với 65 VĐV và là đội tuyển có số thành viên đông nhất của đoàn Thể thao Việt Nam.
Kết thúc SEA Games 31, điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ được ngôi vị số 1. Các VĐV đã ghi dấu ấn rực rỡ với thành tích 22 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ. Đây là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử môn điền kinh Việt Nam khi lần đầu tiên đạt 22 HCV tại một kỳ SEA Games, qua đó tiếp tục thống trị ngôi số 1 Đông Nam Á.
Trong suốt 6 ngày thi đấu, từ 14-5 đến 19-5, điền kinh Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ.
Ở các môn thi của nữ, những tên tuổi kỳ cựu như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh... gần như không có đối thủ trong các cự ly quen thuộc 400m, 400m rào, 1.500m...
VĐV Nguyễn Thị Oanh đăng ký dự thi 3 nội dung mà cô đang là đương kim vô địch. Không chỉ tái lập thành tích đoạt cả 3 HCV, Oanh còn phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thời gian 9 phút 52 giây 46
Với những thành tích ấn tượng ở môn điền kinh SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao HCV trong lễ trao giải. Nguyễn Thị Oanh đã được BTC xét chọn là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31.
Đội tiếp sức 4x400 m nữ giành HCV - điểm sáng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31. Đây là kỳ SEA Games thứ 4 liên tiếp điền kinh Việt Nam thống trị đường đua 4x400 m nữ.
Quách Thị Lan không cầm được nước mắt khi nhận chiếc HCV cá nhân đầu tiên ở nội dung 400m rào nữ SEA Games, sau khi đánh bại đàn chị Nguyễn Thị Huyền.
Dù phải băng chân để thi đấu nhưng Phạm Thị Hồng Lệ vẫn không có đối thủ và giành HCV thuyết phục ở cự ly 10.000 m nữ
Chiến thắng của Bùi Thị Nguyên tại đường chạy 100m rào nữ gây bất ngờ với giới chuyên môn. Đây là lần đầu tiên cô gái trẻ thuộc đơn vị Quân đội này dự SEA Games, tên tuổi của cô cũng chưa được biết tới nhiều.
Một trong những bất ngờ lớn nhất tại SEA Games 31 là chiếc HCV của Nguyễn Linh Na ở nội dung 7 môn phối hợp nữ - một trong các nội dung khốc liệt nhất của môn điền kinh khi phải trải qua 7 nội dung thi đấu gồm: chạy 100m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m.
Với 5.415 điểm, cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường Nguyễn Linh Na đã mang đến điều kỳ diệu khi đoạt HCV SEA Games sau 17 năm chờ đợi, đồng thời phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này (5.350 điểm - VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập).
Nguyễn Linh Na ùa lên khán đài, ôm mẹ khóc nức nở sau khi giành HCV SEA Games 31
Ở môn ném lao nữ, các VĐV Thái Lan thống trị SEA Games kể từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, kỷ lục này đã bị đánh bại ngoạn mục bởi Lò Thị Hoàng, cô gái dân tộc Thái, tại SEA Games 31. Sau khi giành HCV lịch sử cho ném lao Việt Nam, phá kỷ lục SEA Games, Lò Thị Hoàng đã lao lên khán đài chia vui cùng bố mẹ.
Lò Thị Hoàng không cầm nước nước mắt sau khi mang về chiếc HCV lịch sử cho ném lao Việt Nam tại SEA Games 31.
Không may mắn như các đồng nghiệp nữ điền kinh, trong trận chung kết 800m nữ cùng người đồng đội Khuất Phương Anh, VĐV Đinh Thị Bích chấn thương nặng trước vạch đích. Ở cự ly này, đồng đội của Đinh Thị Bích là Khuất Phương Anh (838) đã đoạt HCV
Bất ngờ bị chấn thương khi đang thi đấu tại SEA Games 31, Đinh Thị Bích (839) không thể bảo vệ thành công HCV ở nội dung 800m
Niềm vui của Khuất Phương Anh khi có tấm HCV quý giá ở đường chạy 800m, sau đó cô cũng đã đến thăm hỏi người đồng đội của mình.
Trong khi đó, tại nội dung chạy 10.000 m nữ, đôi giày tai hại đã khiến Lò Thị Thanh bị tước HCB SEA Games 31
Trong khi các VĐV nữ của điền kinh Việt Nam duy trì được phong độ ổn định, thì các VĐV nam lại không thể hiện tốt bằng. Các nội dung sở trường như 400m, 800m hay 4x400m đều không mang về bất kỳ HCV nào.
Dù đạt thành tích khá tốt với thông số từng đạt được trước đây nhưng VĐV Quách Công Lịch vẫn có lý do tiếc nuối khi về đích thứ 2 và giành HCB
Thay vào đó, các nội dung có cự ly dài mới là "mỏ vàng" của điền kinh nam tại SEA Games 31. Nhiều gương mặt gây ấn tượng đã giành HCV như: "lão tướng" Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m), Lương Đức Phước (1.500m), Lê Tiến Long (3.000m vượt chướng ngại vật), Hoàng Nguyên Thanh (marathon) và Võ Xuân Vĩnh (20km đi bộ). Nguyễn Hoài Văn (ném lao) và Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa) cũng là những VĐV đã đóng góp HCV cho điền kinh Việt Nam.
Chân chạy 36 tuổi Nguyễn Văn Lai đang chứng minh cho câu nói “tuổi tác chỉ là con số” khi xuất sắc giành HCV ở nội dung sở trường 5.000m. Cách mà Nguyễn Văn Lai ung dung về đích, vừa chạy vừa vẫy chào khán giả trên sân Mỹ Đình, thậm chí còn chủ động giảm tốc độ ở những mét cuối cùng, đã khẳng định vị thế “độc tôn” của “lão tướng” này.
Ngoài ra, tại cự ly 10.000m, Nguyễn Văn Lai thậm chí còn về đích trước đối thủ người Myanmar San Naing 2 vòng
Ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật, VĐV người Hà Tĩnh Lê Tiến Long có màn bứt phá ngoạn mục tại vòng chạy cuối cùng và giành HCV
Khoảnh khắc VĐV ném lao Nguyễn Hoài Văn vui mừng sau khi giành HCV. Lần gần nhất Việt Nam giành HCV ném lao SEA Games đã cách đây 11 năm, do công VĐV Nguyễn Trường Giang tại SEA Games 2011.
Trong ngày thi đấu cuối cùng của điền kinh tại SEA Games 31, Hoàng Nguyên Thanh đã gây chấn động khi cán đích đầu tiên, giành HCV nội dung marathon (42,195km) với thời gian 2 giờ 25 phút 07 giây 84.
Với chiến thắng này, Hoàng Nguyên Thanh đã trở thành VĐV đầu tiên mang về HCV marathon lịch sử cho thể thao Việt Nam
HOÀNG TRIỀU thực hiện
Bình luận (0)