Dưới đây là những vấn đề khiến năm 2020 trở thành một năm không thể nào quên trước khi nhân loại bước vào thập kỷ mới
-----
Virus gây bệnh Covid-19 được phát hiện lần đầu ở TP Vũ Hán – Trung Quốc vào cuối tháng 12-2019. Đến ngày 30-1-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem Covid-19 là vấn đề sức khỏe khẩn cấp toàn cầu. WHO chính thức xem Covid-19 là đại dịch vào ngày 11-3 sau khi số ca nhiễm tăng chóng mặt trên thế giới.
Ông Francisco Espana, một bệnh nhân Covid-19, nhìn ra Địa Trung Hải trong một chuyến đi nhằm đẩy nhanh tiến trình hồi phục tại TP Barcelona – Tây Ban Nha hôm 4-9-2020. Ảnh: AP
Hầu hết quốc gia bị ảnh hưởng đều thực thi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, buộc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và người dân ở nhà. Nhiều sự kiện quốc tế lớn bị hủy.
Đến cuối năm 2020, số ca nhiễm và trường hợp tử vong vì Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng giữa lúc một số nước bắt đầu cho tiêm vắc-xin phòng căn bệnh này. Số người tử vong vì căn bệnh chết chóc này đã tăng lên hơn 1,75 triệu vào cuối năm 2020. Đại dịch cũng khiến nhiều nền kinh tế lao đao và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Đội ngũ y tế quá tải, những bệnh nhân hấp hối và cỗ quan tài cô độc ám ảnh. Ảnh: AP
Sau không ít tranh cãi và kiện tụng, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 rốt cuộc cũng gần đi đến hồi kết sau khi các đại cử tri bỏ phiếu trong ngày 14-12-2020 để chính thức bầu chọn người chiến thắng.
Không có cú "lật kèo" gây sốc nào và ông Joe Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri như dự đoán của giới truyền thông, qua đó tiến thêm một bước dài trên con đường vào Nhà Trắng.
Số lượng cử tri bỏ phiếu cao kỷ lục, việc kiểm phiếu kéo dài và người dân ăn mừng tại TP Philadelphia sau khi ông Joe Biden được dự đoán thắng cử hôm 7-11-2020. Ảnh: AP, Reuters, The New York Times
Ông Biden dự kiến nhậm chức vào ngày 20-1-2021 sau khi quốc hội hoàn tất kiểm phiếu bầu của đại cử tri đoàn và công bố ông là người thắng cử tại phiên họp diễn ra ngày 6-1-2021.
Dù vậy, sự rạn nứt trong lòng nước Mỹ vẫn còn đó khi Tổng thống Donald Trump không ngừng đưa ra cáo buộc là cuộc bầu cử có gian lận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc tuần hành tranh cử ở TP Sanford, bang Florida hôm 12-10-2020, tức 10 ngày sau khi ông thông báo mình cho kết quả dương tính với Covid-19 (trái) và tại Nhà Trắng hôm 13-11-2020. Ảnh: The New York Times, Reuters
Ông Joe Biden phát biểu trước đám đông người ủng hộ và giới truyền thông ở TP Wilmington, bang Delaware hôm 7-11-2020. Ảnh: CNN/AP
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris chia sẻ niềm vui sau khi có bài phát biểu chiến thắng tại TP Wilmington, bang Delaware hôm 7-11-2020. Ảnh: The New York Times/Adam Schultz/Biden for President
Ông Joe Biden giới thiệu những nhân vật được đề cử cho đội ngũ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia hôm 24-11-2020. Ảnh: Reuters
Một diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình biển Đông năm 2020 là "cuộc chiến công hàm". Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 30-3 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối lập trường Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Sau đó, một loạt quốc gia như Malaysia, Philippines, Indonesia, Mỹ, Úc… cũng gửi công hàm về vấn đề biển Đông đến LHQ.
Đối mặt sức ép gia tăng về ngoại giao, Trung Quốc hôm 29-7 đệ trình lên LHQ công hàm phản bác nội dung công hàm được Úc đưa ra 6 ngày trước đó. Nội dung công hàm của Úc khẳng định các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên biển Đông là phạm pháp.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna gần biển Đông hôm 8-1-2020. Indonesia là một trong những nước gửi công hàm về biển Đông lên Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13-7-2020 tung ra "đòn ngoại giao" mạnh mẽ chưa từng có về vấn đề biển Đông khi bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc tại vùng biển quan trọng này. Ông Pompeo cũng khẳng định thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc đối xử với vùng biển này như là đế chế hàng hải của riêng họ. Riêng Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ và các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế.
Đến ngày 15-7, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thông qua các phương tiện ngoại giao thay vì quân sự.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ hoạt động tại biển Đông hôm 21-11-2020 (trái) và
máy bay ném bom B-52 Stratofortress tập trận với máy bay từ 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz ở biển Đông hôm 4-7. Ảnh: Hải quân Mỹ
Quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2020 lao dốc không phanh và dự kiến tiếp tục căng thẳng sau đó. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề như thương mại, do thám mạng, tham vọng của Bắc Kinh ở biển Đông, tình hình Hồng Kông… Chính quyền Tổng thống Donald Trump có những bước đi nhằm chấm dứt những hành vi mà Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm, như thâu tóm công nghệ nhạy cảm của Mỹ, tập quán thương mại không công bằng…
Sau khi ông Joe Biden thắng cử, đã xuất hiện kỳ vọng rằng vấn đề biến đổi khí hậu có thể là chất xúc tác để hai nước hạ nhiệt căng thẳng. Dù vậy, tổng thống đắc cử Mỹ dự kiến tiếp tục có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về những vấn đề như chuyển giao công nghệ và cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Tình hình biển Đông là một trong những vấn đề khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm xấu thời Tổng thống Donald Trump. Trong ảnh: Hai tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và một số tàu chiến, máy bay Mỹ tập trận ở biển Đông hôm 6-7-2020. Ảnh: Hải quân Mỹ
Năm 2020 chứng kiến các thảm họa thiên nhiên gây nhiều thiệt hại về người và của trong bối cảnh thế giới vật lộn đối phó với dịch Covid-19. Tại Mỹ, các vụ cháy rừng lớn hoành hành tại nhiều khu vực miền Tây từ cuối mùa hè sang mùa thu, buộc hơn nừa triệu người phải đi sơ tán.
Thảm họa cháy rừng tại TP Oroville, bang California – Mỹ hôm 9-9-2020. Ảnh: AP
Các cơn bão mạnh và lũ lụt nghiêm trọng cũng gây nhiều thiệt hại ở khắp thế giới, bao gồm nhiều nước ở Đông Á, Nam Á, vùng Caribe… Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết số lượng thảm họa liên quan đến khí hậu (bão lũ, hạn hán kéo dài, thời tiết giá rét…) đã tăng cao kỷ lục tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người đang lao đao bởi dịch Covid-19.
Những gì còn sót lại sau vụ cháy rừng ở Pearblossom, bang California – Mỹ hôm 20-9-2020 Ảnh: EPA-EFE
Một khu vực ở thủ đô Manila (trái) và một con đường ở tỉnh Rizal – Philippines ngập trong nước lụt hôm 12-11-2020. Ảnh: Reuters
Mưa lũ từ đầu tháng 6 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều khu vực của Trung Quốc, trong đó thị trấn Dương Sóc thuộc Khu tự trị dân tộc Choang (phải) chìm trong nước lũ trong năm 2020. Ảnh: China Daily/ Reuters
Ngày 31-1-2020 đánh dấu Anh trở thành nước đầu tiên rời Liên minh châu Âu (EU), khép lại tiến trình đầy hỗn loạn được gọi là Brexit. Sau ngày này, hai bên bước vào giai đoạn chuyển giao kéo dài 11 tháng để bàn về quan hệ kinh tế trong tương lai.
Sau tiến trình đàm phán kéo dài, hai bên rốt cuộc đã được thỏa thuận thương mại hậu Brexit hôm 24-12 sau khi tìm được tiếng nói chung về những bất đồng chính, trong đó có quyền đánh bắt cá, quy định về thương mại công bằng và cơ chế thực thi các tiêu chuẩn liên quan đến quy định…
Đám đông vui mừng sau khi Anh chính thức rời EU hôm 31-1-2020 và bìa các tờ báo Anh nói về các cuộc thương thảo hậu Brexit ngày 8-12Ảnh: Reuters/ The Guardian
Cái chết của tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), hôm 3-1-2020 báo hiệu một năm đầy sóng gió không chỉ đối với quan hệ Iran – Mỹ mà còn cả khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ra lệnh không kích ám sát tướng Soleimani tại Iraq, lấy lý do ông này đang lên kế hoạch tấn công người Mỹ. Vài ngày sau đó, Iran trả đũa bằng cách phóng tên lửa về 2 căn cứ có binh sĩ Mỹ đóng quân, khiến một số người bị thương.
Người dân tập trung tại thủ đô Tehran – Iran để dự tang lễ của tướng Qasem Soleimani hôm 6-1. Ảnh: Văn phòng nhà lãnh đạo tối cao Iran
Căng thẳng liên quan đến cái chết trên cũng khiến một máy bay chở khách của Ukraine gặp nạn, làm 176 người thiệt mạng hôm 7-1. Tehran thừa nhận đã bắn hạ chiếc máy bay do nhầm nó là "một tên lửa hành trình".
Nguy cơ nổ ra chiến tranh Mỹ - Iran dù không còn cao như trước nhưng hai nước vẫn còn đối đầu căng thẳng sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế năm 2015 về chương trình hạt nhân của Tehran và tăng cường trừng phạt nước này.
Hiện trường vụ máy bay của hãng hàng không quốc tế Ukraine gặp nạn sau khi bị bắn hạ ở Iran (trái) và binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở tỉnh Anbar hôm 13-1-2020 sau khi nơi này bị trúng tên lửa Iran. Ảnh: Reuters
Năm 2020 ghi nhận giá dầu thô ở Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức âm (có lúc chỉ còn -37,63 USD/thùng) hồi tháng 4. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, thứ hàng hóa được xem là quan trọng nhất thế giới này đang nhanh chóng mất đi mọi giá trị. Hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào đình trệ, tiêu dùng thấp chưa từng có, đẩy tồn kho tăng cao và thiếu kho dự trữ. Các nhà giao dịch tìm đủ mọi cách để tránh né việc vận chuyển và giao dầu.
Các bể chứa dầu tại Ả Rập Saudi (trái) và một bể chứa dầu tại bang Texas - Mỹ. Ảnh: Reuters
Đến cuối năm, giá dầu dao động ở mức khoảng 50 USD/thùng. Dù vậy, nhu cầu về dầu được dự báo vẫn ở mức thấp trong thời gian dài do các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa vẫn còn được thực thi.
Bình luận (0)