Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 27-4 (giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại đường ranh giới quân sự giữa hai nước. Ông Kim Jong-un cũng là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng băng qua vĩ tuyến 38 kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Quang cảnh làng đình chiến Bàn Môn Điếm Nguồn:Arirang News
ai nhà lãnh đạo được đội quân danh dự hộ tống đến lễ đón chính thức tại một quảng trường ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa người đứng đầu 2 nước kể từ năm 2007.
Theo kế hoạch, vào lúc 10 giờ 30 phút (giờ địa phương), tức khoảng một giờ sau khi ông Kim đi qua biên giới liên Triều, Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim bắt đầu cuộc thảo luận.
Nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo gồm có 3 chủ đề chính - phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ song phương và thiết lập hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953).
Vấn đề được quan tâm nhất là chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Kết thúc phiên đàm phán đầu tiên, hai đoàn ăn trưa riêng. Đoàn đại biểu cấp cao Bình Nhưỡng sẽ quay trở lại bên kia biên giới để dùng bữa. Sau bữa trưa, hai nhà lãnh đạo cùng dự lễ trồng cây.
Vào cuối cuộc đàm phán, ông Moon và ông Kim sẽ ký một thỏa thuận và ra tuyên bố chung. Tiếp đó, họ dự tiệc tối do phía Hàn Quốc chuẩn bị và cùng xem đoạn video có chủ đề ‘Spring of One’ (tạm dịch Mùa xuân thống nhất). Theo thực đơn được công bố từ trước, phía Hàn Quốc đem đến bữa tiệc tối trang trọng với món ăn phong phú đến từ quê hương của các cựu tổng thống Hàn Quốc, món mì từ Bình Nhưỡng và món ăn gợi nhớ thời du học của ông Kim ở Thụy Sĩ.
Khu vực phi quân sự nơi diễn ra cuộc thượng đỉnh. Nguồn: CNN (Chú thích: Peace House – Nhà Hòa bình, Military Demarcation Line – Đường Ranh giới quân sự, Freedom House – Nhà Tự do)
ới "nút hạt nhân" và quyền lực vững vàng trong nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang hướng ra ngoài biên giới trong cuộc phiêu lưu ngoại giao có thể đưa Triều Tiên từ một nước cô lập nhất thế giới trở thành "tay chơi" địa chiến lược quan trọng.
Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo trẻ tuổi này và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27-4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đánh dấu lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ở Hàn Quốc - hai hội nghị trước đó diễn ra ở Bình Nhưỡng.
Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), hội nghị thượng đỉnh liên Triều cùng với kế hoạch họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, là phép thử giúp làm sáng tỏ ông Kim sẵn sàng đến đâu trong các bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên - mục đích kép mà Seoul và Washington theo đuổi suốt nhiều thập niên qua.
Số phận của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sau đó sẽ liên quan mật thiết tới những gì diễn ra tại Ngôi nhà Hòa Bình ở khu vực phía nam của Bàn Môn Điếm, bên trong Khu vực phi quân sự (DMZ) ngày 27-4.
Những người lạc quan tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này không khó gặt hái một số bước tiến về vấn đề vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn còn lo ngại về sự đồn trú của 30.000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Moon đánh tiếng rằng Triều Tiên đã từ bỏ yêu cầu từ lâu về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc để đổi lấy phi hạt nhân hóa. Thế nhưng, theo chuyên gia nghiên cứu cấp cao Dean Cheng tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage (Mỹ), điều đó không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ không tìm cách đòi Mỹ rút quân như một phần của hiệp định hòa bình rộng hơn. "Triều Tiên không yêu cầu Mỹ rút quân làm điều kiện phi hạt nhân hóa nhưng họ có thể lấy đó làm điều kiện cho thứ khác" - vị chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, có thể đo lường thành công theo cách khác. Triều Tiên và Hàn Quốc hiện đã thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai bên, một kết quả đáng ghi nhận của hai quốc gia đã dành quá nhiều thời gian trút về nhau những đe dọa chiến tranh thay vì ngồi xuống nói chuyện.
Theo nhận định của cựu quan chức Bộ Ngoai giao Mỹ Robert Manning và chuyên gia James Przystup thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Trường ĐH Quốc phòng Mỹ, một khả năng có thể gọi là thành công nữa là Triều Tiên chịu đóng băng vũ khí hạt nhân như một bước đi đầu tiên về phía phi hạt nhân hóa. Thế nhưng, Seoul và Washington phải nói rõ rằng điều đó cần phải đi đôi với hoạt động kiểm tra của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Triều Tiên phải cho thấy sự dỡ bỏ rõ ràng các cơ sở hạt nhân.
Tháp tùng ông Kim Jong-un là 9 quan chức, bao gồm:
- Người em gái Kim Yo-jong
- Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam
- Cựu Tổng cục trưởng Tình báo Kim Yong-chol
- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong
- Tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Myong-su
- Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik
- Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho
- Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Ri Son-gwon
- Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo thể thao quốc gia Choe Hwi
Tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có 7 quan chức hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm:
- Chánh văn phòng dinh tổng thống Im Jong-seok
- Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon
- Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong
- Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon
- Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo
- Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha
- Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo
"Chất" Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ được góp nhặt trong từng sự kiện ở Thượng đỉnh liên Triều, kể cả những hoạt động bên lề.
- Trồng cây: Trong giờ nghỉ trưa giữa hội nghị, ông Kim và ông Moon sẽ trồng cây thông bằng đất lấy từ núi Halla ở Hàn Quốc và núi Baekdu ở Triều Tiên. Nước tưới cây được lấy từ sông Taedong ở Triều Tiên và sông Hàn ở Hàn Quốc.
- Thực đơn tiệc tối: Sau hội nghị thượng đỉnh là buổi tiệc tối với thực đơn gồm nhiều món đặc sản từ hai miền Nam - Bắc.
Naengmyun Bình Nhưỡng: Ông Kim Jong-un đồng ý cử đầu bếp hàng đầu của Okryugwan, một nhà hàng nổi tiếng về món Naengmyun ở thủ đô Bình Nhưỡng, cũng như đưa máy làm mì đến hội nghị để các thực khách có thể thưởng thức món mì tươi.
Bánh khoai tây chiên Thụy Sĩ kiểu Triều Tiên: Món khai vị này là một sự cải biến của Triều Tiên đối với món ăn truyền thống của người Thụy Sĩ, nhằm gợi nhắc thời trẻ của lãnh đạo Kim Jong-un khi ông còn du học ở Thụy Sĩ.
Dalgogi nướng: Đây là món hải sản nổi tiếng từ TP Busan - Hàn Quốc, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sinh sống thời thơ ấu.
Pyeonsu: Món bánh bao có tên gọi Pyeonsu được chế biến từ cá đù và hải sâm. Các đầu bếp sẽ sử dụng nguyên liệu lấy từ vùng Gageodo, quê nhà của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Chính quyền của ông Kim từng tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền vào năm 2000.
Bibimbap: Đây là món ăn làm từ gạo, rau và trứng, trong đó gạo được lấy từ làng Bongha ở tỉnh Gimhae của cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, người từng tới Bình Nhưỡng để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2007. Nguồn nguyên liệu rau xanh sẽ được thu hoạch ngay tại DMZ.
Thịt bò nướng: Khách mời sẽ được thưởng thức thịt bò lấy từ trang trại Seosan ở tỉnh Chungnam, miền Tây Hàn Quốc. Vào những năm 1990, người sáng lập hãng Hyundai đã đưa hàng trăm con bò từ trang trại này của mình vượt qua khu DMZ tới Triều Tiên để tặng cho Bình Nhưỡng.
Cá hồng và cá da trơn hấp: Cá da trơn thường được dùng trong các bữa tiệc trên bán đảo Triều Tiên. Theo chính quyền Hàn Quốc, việc đưa chúng vào thực đơn sẽ tượng trưng cho sự tương đồng của người dân hai nước.
Salad bạch tuộc lạnh: Bạch tuộc dùng để chế biến món này có nguồn gốc từ thị trấn ven biển Tongyeong, quê hương của cố nhạc sĩ, nhà soạn nhạc Yoon Yi-sang. Ông Yoon là một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng trong thời chính quyền độc tài Hàn Quốc.
Bánh mousse xoài: Theo chính phủ Hàn Quốc, xoài là loại trái cây nhiệt đới tượng trưng cho năng lượng của mùa xuân trên bán đảo Triều Tiên.
Trà và bánh gạo: Một món tráng miệng khác trong thực đơn gồm 2 phần. Trà nấm thông có nguồn gốc từ núi Baekdudaegan ở vùng cực Bắc Triều Tiên trong khi bánh Hallabong là đặc sản của đảo Jeju, một trong những vùng cực Nam của Hàn Quốc.
- Cách bài trí phòng họp
Tòa Nhà Hòa bình 30 tuổi được sửa sang cho hội nghị thượng đỉnh gồm trải thảm đỏ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, thay mới giấy dán tường, sơn lại hành lang.
Phòng họp giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên có chiếc bàn bầu dục tạo ra bầu không khí thân thiện. Chiếc bàn dài 2.018 mm tượng trưng cho năm 2018 và được thiết kế giống như 2 chiếc cầu nối lại với nhau.
Trên tường có bức tranh lớn hình ngọn núi Geumgang của Triều Tiên do họa sĩ Shin Jang-sik vẽ trong phòng họp. Núi Geumgang được xem là một biểu tượng cho sự hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Bức tranh thể hiện mong muốn cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh.
Phần tựa đầu trên ghế lớn dành cho hai lãnh đạo có thiết kế hình bản đồ bán đảo Triều Tiên. Khung cửa sổ được làm bằng gỗ theo cách truyền thống. Bàn ghế nội thất trong phòng đều được làm từ gỗ óc chó quý hiếm.
Đường đến Bàn Môn Điếm năm nay
Gần 3.000 phóng viên đến từ 41 nước đăng ký tham gia đưa tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một sự kiện mà chỉ mới năm ngoái bị xem là điều không tưởng, nhất là khi Bình Nhưỡng phóng thử hơn 20 tên lửa và tiến hành một vụ thử hạt nhân. Sau một năm 2017 đầy căng thẳng, tình hình bán đảo Triều Tiên thay đổi ngoạn mục kể từ đầu năm nay khi nhà nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ chìa "cành ô liu" cho Hàn Quốc.
Ngày 1-1: Trong thông điệp mừng năm mới, ông Kim Jong-un đề nghị hai miền đàm phán về chuyện cử phái đoàn vận động viên và quan chức cấp cao dự Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang – Hàn Quốc vào tháng 2.
Ngày 3-1: Triều Tiên gọi điện cho Hàn Quốc qua đường dây nóng lần đầu tiên trong gần 2 năm.
Ngày 9-1: Triều Tiên đồng ý gửi phái đoàn đến Pyeongchang trong cuộc hội đàm song phương đầu tiên kể từ tháng 12-2015.
Ngày 11-2: Trong thời gian ở Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa Đông, cô Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, đã gặp Tổng thống Moon và gửi lời mời nhà lãnh đạo nước chủ nhà đến Bình Nhưỡng.
Ngày 6-3: Phái đoàn quan chức Hàn Quốc thăm Bình Nhưỡng, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết sẵn sàng đàm phán với Mỹ về vấn đề từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngày 8-3: Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp ông Kim sau khi giới chức Hàn Quốc chuyển lời mời từ nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ngày 29-3: Hai miền Triều Tiên nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 27-4.
Hai lần thượng đỉnh liên Triều trước đây
Cách đây 18 năm, hội nghị liên Triều đầu tiên diễn ra từ ngày 13 đến 15-6-2000 giữa lúc Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung thúc đẩy chính sách Ánh dương nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Cuộc gặp giữa ông Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, tại Bình Nhưỡng đã khép lại với tuyên bố chung đồng ý thúc đẩy sự thống nhất độc lập, hợp tác về nhân đạo và kinh tế. Theo sau hội nghị là sự ra đời của khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong năm 2004 và một loạt cuộc gặp đoàn tụ các gia đình ly tán sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Kế nhiệm ông Kim Dae-jung, Tổng thống Roh Moo-hyun tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm bằng cách băng qua biên giới để hội đàm với ông Kim Jong-il. Tại cuộc gặp diễn ra từ ngày 2 đến 4-10-2007, theo Reuters, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về một thỏa thuận 8 điểm nhưng quan hệ liên Triều không đạt nhiều tiến triển sau đó. Một phần do Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân trong lúc Hàn Quốc có lập trường cứng rắn hơn dưới thời chính quyền bảo thủ của Tổng thống Lee Myung-bak, người kế nhiệm ông Roh Moo-huyn.
Điều trùng hợp là đương kim Tổng thống Hàn Quốc từng phụ trách công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 khi còn là chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo-hyun.
Bình luận (0)