Đo lường mức độ quan tâm của bạn đọc, báo Người Lao Động chọn ra những sự kiện quốc tế nổi trội nhất của năm 2021.
Khi năm 2021 gần khép lại, bức tranh đại dịch Covid-19 toàn cầu vẫn khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, trong đó nổi bật là Delta và đến gần cuối năm là Omicron.
Dòng xe hơi xếp hàng đợi xét nghiệm Covid-19 ở sân vận động Dodger, TP Los Angeles – Mỹ hồi đầu năm 2021. Ảnh: Los Angeles Times
Chiến dịch tiêm chủng quy mô chưa từng có (gần 8 tỉ liều đã được tiêm cho đến nay) và các cuộc thử nghiệm lâm sàng liên quan đến thuốc điều trị Covid-19 đang mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã khiến hơn 5 triệu người thiệt mạng trên thế giới. Vấn đề là nhiều nước nghèo vẫn chưa tiếp cận được vắc-xin Covid-19 và một số nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế vào cuối năm.
Thi thể nạn nhân Covid-19 được đưa đi hỏa táng tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ vào tháng 4-2021 (bỉa trái) và Kelvia Andrea Goncalves, 16 tuổi, đau buồn tại đám tang mẹ, người qua đời vì Covid-19 ở TP Manaus – Brazil hồi đầu năm 2021. Ảnh: Reuters
Đúng 12 giờ trưa 20-1-2021 (giờ địa phương), ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ. Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Joe Biden và bà Kamala Harris diễn ra rất khác biệt do rủi ro từ Covid-19 và vụ bạo loạn xảy ra không lâu trước đó tại tòa nhà Quốc hội.
Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo tờ USA Today, thành tựu lớn nhất của ông Biden trong năm đầu cầm quyền là gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 ngàn tỉ được ông ký ban hành hồi tháng 3. Những dấu ấn khác là kinh tế Mỹ đang trên đường hồi phục và dự luật hạ tầng 1,2 ngàn tỉ USD được ông Biden ký ban hành gần đây. Dù vậy, năm đầu tiên tại Nhà Trắng của ông Biden cũng bị phủ bóng bởi không ít rắc rối, như quốc hội còn chia rẽ, sứ mệnh rút quân khỏi Afghanistan, lạm phát leo thang…
Thế giới năm 2021 chứng kiến hàng loạt sự kiện khí hậu khắc nghiệt, từ lũ lụt thảm khốc ở Đức và Bỉ đến các trận cháy rừng kinh hoàng ở Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Algeria… Riêng nhiệt độ ở miền Tây Canada đã tăng lên 50 độ C hồi tháng 6 do tác động của hiện tượng "vòm nhiệt".
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland vào tháng 11, gần 200 quốc gia cam kết hành động chống lại tình trạng toàn cầu ấm dần lên. Sau hơn 2 tuần diễn ra, hội nghị đã thông qua thỏa thuận với nội dung chính là duy trì mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, tức không để nhiệt độ bình quân toàn cầu vào cuối thế kỷ này tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và lần đầu tiên đề cập nhiên liệu hóa thạch trong cuộc khủng hoảng khí hậu.
Khung cảnh tan hoang sau mưa lũ tại Kreuzberg – Đức hôm 19-7-2021 (trái) và Cháy rừng ở TP Strawberry, bang California - Mỹ hôm 28-8-2021
Dù vậy, mục tiêu 1,5 độ C đã bị chỉ trích là quá khiêm tốn. Bởi lẽ, cho dù các nước thực hiện đúng cam kết cắt giảm khí thải nhà kính tại COP26 thì cũng chỉ ngăn nhiệt độ bình quân toàn cầu không tăng quá 2,4 độ C, theo nghiên cứu gần đây của tổ chức Climate Action Tracker. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cam kết ngừng sử dụng than đá vào những năm 2030 và những năm 2040 là chưa đủ quyết liệt, đặc biệt là khi nhiều nền kinh tế lớn phụ thuộc vào than đá như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ không chưa chịu ký thỏa thuận nêu trên.
Chưa hết, giữa các nước phát triển và đang phát triển chia rẽ sâu sắc về chuyện đóng quỹ để thích ứng với khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là khi các nước giàu bác bỏ thẳng thừng ý tưởng lập một quỹ "bồi thường thiệt hại" mới.
Một lính cứu hỏa chống chọi đám cháy tại Grizzly Flats, bang California – Mỹ hôm 22-8-2021 và Ông Theophilus Charles, 70 tuổi, ngồi bên trong ngôi nhà bị bão Ida tàn phá nặng nề ở TP Houma, bang Louisiana – Mỹ hôm 30-8-2021. Ảnh: Reuters
Mặt tích cực là Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có giảm phát thải khí methane, bảo vệ rừng và loại bỏ dần than đá bên lề hội nghị.
Myanmar
Ngày 1-2-2021, quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp, phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các. Quân đội Myanmar tuyên bố lên nắm quyền trong 1 năm, với quyền lực được giao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Lý do đảo chính được đưa ra là đáp trả "cuộc bầu cử gian lận". Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra sau đó, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt giữ cho tới nay.
Bà Aung San Suu Kyi và Một cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở TP Naypyitaw – Myanmar hôm 9-2-2021. Ảnh: Reuters
Hôm 6-12-2021, một tòa án kết án bà Aung San Suu Kyi 4 năm tù giam vì tội kích động bất đồng chính kiến và phá vỡ các quy định về dịch Covid-19 dựa trên luật thiên tai.
Mali
Ngày 24-5-2021, đại tá Assimi Goita tiến hành cuộc đảo chính thứ hai chỉ trong vòng 10 tháng tại quốc gia Tây Phi này.
Tunisia
Ngày 25-7, Tổng thống Kais Saied tuyên bố cách chức Thủ tướng Hicham Mechichi, đình chỉ hoạt động của quốc hội và tạm thời tước quyền miễn trừ của các nghị sĩ. Động thái bị xem là đảo chính này đã kéo đất nước chìm sâu hơn vào chuỗi ngày bất ổn.
Guinea
Tổng thống Alpha Condé bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự ngày 5-9-2021.
Sudan
Quân đội tiến hành đảo chính hôm 25-10-2021, bắt giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok cùng những quan chức khác trong chính phủ chuyển tiếp. Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình trên khắp Sudan, yêu cầu quay lại chế độ dân sự.
Ngày 3-5-2021, xung đột đã nổ ra giữa Israel và Palestine sau các cuộc đụng độ ở khu Sheikh Jarrah, phía Đông Jerusalem. Bạo lực sau đó lan sang đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, khiến hàng trăm người bị thương. Trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày (xảy ra sau khi các tay súng Hamas phóng rốc-két về phía Israel), 260 người Palestine đã thiệt mạng. Phía Israel có 1 binh sĩ và 13 người thiệt mạng.
Người dân Palestine rời bỏ nhà cửa để tránh các vụ tấn công của Israel ở TP Gaza hôm 14-5-2021. Ảnh: Reuters
Chính trường Israel cũng có biến động mạnh sau cuộc chiến trên. Ngày 13-6, Israel có chính phủ mới với người đứng đầu là Thủ tướng Naftali Bennett, chấm dứt 12 năm cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu.
Israel có chính phủ mới với người đứng đầu là Thủ tướng Naftali Bennett (phải), chấm dứt 12 năm cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters
Ngày 15-8-2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul - Afghanistan mà không gặp phải sự kháng cự nào trong bối cảnh binh sĩ Mỹ và NATO đang rời đi. Với kết cục này, Taliban đã giành lại quyền lực tại Afghanistan sau 20 năm bị lật đổ.
Hoạt động sơ tán diễn ra hỗn loạn bên ngoài sân bay ở thủ đô Kabul – Afghanistan hôm 19-8-2021. Ảnh: Reuters
Hỗn loạn đã xảy ra khi hàng ngàn người đổ xô tới sân bay Kabul để tìm cách rời Afghanistan trong lúc các nhà ngoại giao, người nước ngoài và người Afghanistan được sơ tán. Nhiều người đã thiệt mạng vì chen lấn xô đẩy hoặc bị sát hại trong các vụ đánh bom tự sát. Những binh lính Mỹ cuối cùng đã được rút khỏi Afghanistan ngày 30-8, khép lại cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ.
Lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan hôm 28-8-2021 (trái) và Tướng Chris Donahue là quân nhân Mỹ cuối cùng rời Afghanistan hôm 30-8-2021. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Kể từ đó, tình hình nhân đạo và an ninh tại Afghanistan ngày một xấu đi. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo hàng triệu người Afghanistan sẽ đối mặt với nạn đói trong mùa đông này nếu không có hành động khẩn cấp. Riêng Mỹ ngày càng lo ngại về nguy cơ nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, ISIS-K, sẽ gia tăng các vụ khủng bố.
Ngày 15-9-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên (gọi là AUKUS) nhằm tăng cường sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và mở rộng ảnh hưởng.
Theo sáng kiến trên, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, qua đó hải quân Úc đối phó tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc tại khu vực. Mỹ, Úc, Anh cũng có kế hoạch tăng cường chia sẻ công nghệ về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo…
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về liên minh với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson bên trong Nhà Trắng ở Washington ngày 15-9-2021. Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc không nói đến Trung Quốc trong công bố nói trên. Giới chức Mỹ cũng khẳng định quan hệ đối tác an ninh 3 bên này không nhằm chống lại Bắc Kinh. Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng thỏa thuận "phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời thúc đẩy chạy đua vũ trang".
Giá dầu đã tăng hơn 50% trong năm 2021, với nhu cầu vượt xa nguồn cung khi nhiều nước thoát khỏi tình trạng đóng cửa và dừng các hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng do dịch Covid-19 kể từ năm 2020. Việc nối lại di chuyển quốc tế khi nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới cũng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay.
Một số chuyên gia phân tích nhận định giá dầu có thể tăng cao hơn, bất chấp Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn khác xả hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ vào cuối năm. Trong khi đó, tại cuộc họp vào tháng 12-2021, OPEC+ (liên minh giữa OPEC và các nước sản xuất dầu bên ngoài) quyết định tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 1-2022. Một số quốc gia cho rằng mức tăng như hiện nay là quá ít trong bối cảnh nhu cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Nguồn cung tiếp tục hạn chế từ OPEC là một trong những lý do chính đằng sau các các khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong những tháng cuối năm. Những nguyên nhân khác được nói đến là nhu cầu năng lượng đã hồi phục sau khi xuống thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành và hoạt động phân phối còn nhiều khó khăn.
Dù vậy, những cuộc khủng hoảng trên cũng có một số điểm khác biệt, qua đó cho thấy chúng liên quan nhiều đến chuyện lựa chọn chính sách hơn là phản ánh sự thiếu hụt của nguồn cung năng lượng toàn cầu. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, yếu tố hàng đầu là tình trạng thiếu nguồn cung than đá khiến giá điện tăng cao. Còn với EU, lý do giá điện tăng đến từ một số yếu tố, như nguồn cung khí đốt thiếu hụt, sản lượng điện mặt trời và điện gió thấp, các nhà máy điện hạt nhân tạm ngưng hoạt động để bảo trì…
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong những nguyên nhân khiến giá dịch vụ và hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh, gây tác động tiêu cực đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu trong những tháng cuối năm. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại các nền kinh tế đang phát triển ở Trung Âu và Đông Âu. Theo giới chuyên gia, châu Âu đang đối mặt với mức tăng lạm phát nhanh chưa từng thấy trong lịch sử châu lục này. Tại Mỹ, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong hai tháng 10 và 11-2021 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong gần 3 thập kỷ.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng trái cây ở thủ đô Madrid – Tây Ban Nha hôm 29-11-2021
Đến giữa tháng 12, ba ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới - gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu - đồng loạt triển khai những bước đi quyết đoán để đối phó tình trạng giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng phi mã. Riêng Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng cơ quan này cần chuẩn bị ứng phó với kịch bản lạm phát không suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022 như phần lớn dự đoán.
Sau khi rời khỏi thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1-1-2021, Anh đối mặt cuộc khủng hoảng nhiên liệu vì thiếu lao động, nhất là tài xế xe tải.
Brexit (việc Anh rời EU) cũng gây căng thẳng giữa Vương quốc Anh và các nước láng giềng trong vấn đề ngư nghiệp và người di cư. Khẩu chiến đã nổ ra giữa Anh với Pháp sau khi 27 người di cư thiệt mạng khi thuyền của họ bị chìm ở eo biển Manche hồi tháng 11-2021.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel hôm 8-12-2021 khép lại 16 năm cầm quyền, nhường lại chiếc ghế này cho lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz.
Chưa hết, tranh cãi đã bùng nổ tại EU sau phán quyết ngày 7-10-2021 của Tòa án Hiến pháp Ba Lan, theo đó luật châu Âu chỉ có thể được áp dụng trong một số lĩnh vực cụ thể. Phán quyết này đặt Ba Lan vào thế đối đầu với phần còn lại của khối.
Người di cư trên tàu của nhà chức trách Anh sau khi băng qua Eo biển Manche hôm 19-11-2021. Ảnh: Reuters
Vào tháng 11-2021, nhiều người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, phải sống tạm bợ trong cảnh lạnh giá ở biên giới của Belarus giáp với Ba Lan với hy vọng vào được Liên minh châu Âu (EU). Phương Tây cáo buộc Minsk đẩy dòng người tị nạn này tới biên giới để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU. Đáp lại, Belarus và Nga khẳng định không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng và chỉ trích EU vì không tiếp nhận những người tị nạn này.
Tình cảnh của người di cư tại biên giới Belarus – Ba Lan hôm 27-11-2021. Ảnh: Reuters
Mở rộng ra, cuộc khủng hoảng di cư vẫn tiếp tục thách thức thế giới trong năm 2021. Đại dịch Covid-19, khó khăn kinh tế, cùng các sự kiện chính trị, tự nhiên đã thúc đẩy làn sóng người di cư trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này khó có thể giảm bớt trong những năm tới, nhất là khi xung đột, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu có nguy cơ làm tăng số người buộc phải rời bỏ nhà cửa trên thế giới.
Bình luận (0)