Trung Quốc đang đối mặt ngày càng nhiều thử thách trên biển Đông khi các cường quốc liên tục điều tàu chiến và máy bay đến các vùng biển mà nước này yêu sách chủ quyền phi lý. Theo các nhà phân tích, ngoài Mỹ, nay Bắc Kinh còn phải để mắt đến các chiến dịch quân sự của Anh, Nhật Bản... Trung Quốc lâu nay ngang nhiên đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, đồng thời yêu cầu các nước không có tuyên bố chủ quyền ở đây đứng ngoài cuộc nhưng xem ra đòi hỏi này đã bị phớt lờ.
Tàu chiến Mỹ - Trung đã có "pha chạm trán ở cự ly gần nhất" từ trước tới nay trên biển Đông, khi tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ, chỉ cách khoảng 40 m hôm 30-9. Vụ việc xảy ra khi tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Johnson ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Trong chuyến tuần tra hàng hải kéo dài 10 giờ nói trên của Mỹ, đã xảy ra một diễn biến mà đài ABC gọi là "pha chạm trán ở cự ly gần nhất" giữa tàu chiến 2 nước từ trước tới nay trên biển Đông.
Trong tuyên bố cuối ngày 1-10, phía Mỹ cáo buộc tàu Trung Quốc "hành xử không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" khi áp sát tàu Mỹ - chỉ cách khoảng 40 m - ở gần đá Gaven. "Tàu của quân đội Trung Quốc thực hiện một loạt hành động gây hấn trong lúc đòi tàu Decatur rời khỏi khu vực" - phó phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), ông Nate Christensen, lên tiếng.
Tàu USS Decatur đã có màn chạm trán cự ly gần với tàu chiến Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa Ảnh: Hải quân Mỹ
Đài ABC dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ mô tả sự đối đầu diễn ra trong thời gian ngắn. Một quan chức khác cho biết ban đầu tàu Trung Quốc chạy bên hông tàu Mỹ ở khoảng cách 450 m, sau đó vọt lên cắt ngang trước mũi USS Decatur. Tàu Mỹ phải di chuyển để tránh va chạm. Một ngày sau, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra thông cáo xác nhận điều một chiếc khu trục lớp Lư Dương ra "cảnh báo USS Decatur".
Trang Business Insider sau đó chia sẻ ảnh của Hải quân Mỹ về vụ việc nói trên. Một số quan chức Mỹ đã xác nhận tính xác thực của những bức ảnh, qua đó cho thấy hai tàu dường như ở gần hơn con số 41 m nói trên. Ông Ankit Panda, một chuyên gia nghiên cứu chính sách ngoại giao, khẳng định đến thời điểm hiện tại, vụ việc là động thái thách thức trực tiếp và nguy hiểm nhất của Trung Quốc với hoạt động hợp pháp của Hải quân Mỹ trên biển Đông.
Chỉ một ngày sau vụ việc kể trên, có tin Bắc Kinh hủy các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa. Liền sau đó, một quan chức Mỹ xác nhận ông Mattis hủy chuyến thăm Trung Quốc vốn được lên kế hoạch vào tháng 10. Giới quan sát cho rằng cuộc đấu đá thương mại Mỹ - Trung đã lan sang lĩnh vực quân sự và biển Đông nhanh chóng trở thành điểm nóng. Tuần trước, 2 chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ cũng bay qua biển Đông.
Sau cuộc chạm trán nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne hôm 3-10 đã bày tỏ lo ngại về những "chiến thuật hung hăng" của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo ông Pyne, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison xem mọi hành động đe dọa và các chiến thuật hung hăng là hành vi đe dọa gây bất ổn và nguy hiểm. Úc có lý do để lo ngại bởi 3 tàu chiến nước này - HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success - từng bị quân đội Trung Quốc thách thức khi đi lại ở biển Đông hồi tháng 4 qua.
Trong phiên điều trần trước đó một tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Úc khi đó là bà Marise Payne tuyên bố nước này đã tăng cường hiện diện hải quân ở biển Đông do có những lo ngại về sự ổn định tại khu vực giữa lúc Trung Quốc mở rộng quân sự tại đó.
Năm ngoái, 6 chiến hạm Úc được dẫn đầu bởi một tàu sân bay đã đi qua biển Đông và đây là lần triển khai hải quân đến khu vực lớn nhất trong 3 thập kỷ của Úc.
Vào tuần rồi, tàu khu trục Anh HMS Argyll tập trận cùng tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật ở Ấn Độ Dương trước khi đến biển Đông. Chiến hạm HMS Argyll, tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma đã luyện tập triển khai đội hình ở Ấn Độ Dương gần các làn đường biển thương mại. Ba trực thăng của tàu Kaga bay phía trên, giám sát cuộc tập trận.
Chiến hạm HMS Argyll (trước), tàu khu trục Inazuma (giữa) và tàu sân bay trực thăng Kaga tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương hôm 26-9. Ảnh: Reuters
Chiến hạm HMS Argyll được triển khai đến khu vực sau khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Anh tháng trước thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Tàu đổ bộ HMS Albion này đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Các nguồn tin ngoại giao cho hay HMS Albion trước đó đã di chuyển gần quần đảo Trường Sa nhưng không đi vào khu vực 12 hải lý. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã điều một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức hành động của tàu HMS Albion nhưng hai bên vẫn bình tĩnh trong cuộc chạm trán này.
Hành động trên thể hiện Anh không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. Một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết: "HMS Albion thực hiện các quyền tự do hàng hải của mình theo khuôn khổ luật pháp và các quy định quốc tế".
Trong diễn biến đáng chú ý, tàu ngầm Kuroshio của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) đã tham gia cuộc tập trận hải quân lần đầu tiên ở biển Đông hôm 13-9. Tham gia cuộc tập trận này còn có một số tàu chiến khác của Nhật, trong đó có tàu sân bay trực thăng Kaga. Đây là một phần hoạt động trong khuôn khổ chuyến đi kéo dài 2 tháng của Kuroshio tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Nội dung tập trận bao gồm tránh để tàu ngầm bị phát hiện khi hoạt động trong vùng địch. Cuộc tập trận diễn ra bên ngoài phạm vi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép ở biển Đông. Tuy nhiên, nó vẫn có thể khiến Bắc Kinh tức giận vì tàu ngầm được xem là mối đe dọa tiềm tàng hơn so với tàu nổi.
Theo giới phân tích, diễn biến trên đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về một lập trường cứng rắn hơn của Nhật Bản trước tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực. "Chúng ta đang phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm" - ông Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách National Graduate ở Tokyo, nhận định.
Không đứng ngoài cuộc, Pháp hồi tháng 8 tiến hành Sứ mệnh Pegase, trong đó triển khai một đội thuộc không quân nước này tới thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Các máy bay trong Sứ mệnh Pegase sẽ di chuyển qua khu vực phía Nam của biển Đông và đây được xem là cơ hội cho Pháp khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tàu trinh sát Prairial là một trong số nhiều tàu quân sự của Pháp từng tới biển Đông Ảnh: South China Morning Post
Động thái này cũng chứng tỏ sức mạnh của Không quân Pháp sau những đợt triển khai gần đây của hải quân nước này tại biển Đông. Kể từ năm 2015, sứ mệnh thường niên mang tên Jeanne d’Arc của Pháp - một cuộc huấn luyện cho các sĩ quan hải quân tương lai được thực hiện bởi tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và tàu hộ vệ - thường di chuyển qua biển Đông vào mùa xuân. Thêm vào đó, Pháp còn triển khai nhiều tàu tới vùng biển quan trọng này, như tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và 2 tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne lần lượt vào năm 2016 và 2018.
Chưa hết, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly vào cuối tháng rồi để ngỏ khả năng thảo luận với Úc về cách thức phối hợp hoạt động tại biển Đông nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở khu vực này.
Theo ông Mathieu Duchâtel, Phó Giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, việc Pháp triển khai thường xuyên các khí tài quân sự tại biển Đông phát đi những tín hiệu nhất định. Tín hiệu đầu tiên nhằm trực tiếp vào Trung Quốc và có thể tóm tắt thành: Chống lại sự hăm dọa. Trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để tạo "sự đã rồi" ở biển Đông, Paris muốn Bắc Kinh thấy rằng quân đội Pháp sẽ hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép và Bắc Kinh không thể can thiệp. Tín hiệu thứ hai hướng về cộng đồng quốc tế: Trong khi theo đuổi mục tiêu duy trì và thực thi UNCLOS, Pháp xem những hành động của Trung Quốc ở biển Đông là sự đe dọa đối với tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tín hiệu thứ ba nhằm vào các đối tác chủ yếu của Pháp tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Liên minh châu Âu (EU). Việc thực thi Hiệp ước Lancaster House Anh - Pháp năm 2010 và xây dựng một lực lượng viễn chinh chung giữa hai nước là nền tảng trong quan hệ của Pháp với Anh, đặc biệt trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU. Trong khi đó, ý muốn của Pháp với EU là tạo ra một liên minh nắm sức mạnh quân sự quan trọng và hoạt động trên toàn cầu thay vì chỉ giới hạn ở châu Âu.
Tín hiệu thứ tư của Pháp liên quan tới chính sách đang định hình dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron: Ủng hộ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và tự do.
Theo ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Đông (Trung Quốc), chính những đòi hỏi chủ quyền ngày càng rõ nét của Bắc Kinh đã gây áp lực lên Mỹ và Washington kêu gọi các đồng minh như Nhật, Anh và cả Úc tham gia chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông. "Mỹ sẽ không rời biển Đông và tiếp tục là nhân tố quan trọng trong khu vực" - ông Ngô phỏng đoán.
Thực tế này tạo thành thế khó cho các nước Đông Nam Á, giữa một bên là quan hệ kinh tế với Trung Quốc và một bên là cam kết bảo đảm an ninh từ phía Mỹ - theo ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải của Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Ông Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Trường ĐH Quốc gia Úc, cũng cho rằng Mỹ - Trung gia tăng đối địch ở châu Á sẽ đẩy các nước Đông Nam Á vào cảnh phải chọn một trong hai.
"Với các nước ASEAN, ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ sẽ đối trọng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Đây được xem là diễn biến tích cực cho lợi ích và sự ổn định của họ. Nhưng một khi sự cạnh tranh chiến lược sôi sục thì hòa bình và ổn định của khu vực cũng bị ảnh hưởng" - ông Ni phân tích.
Bình luận (0)