Thông qua việc bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13-7 tung ra "đòn ngoại giao" mạnh mẽ chưa từng có về vấn đề này.
Hai tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và một số tàu chiến, máy bay Mỹ tập trận ở biển Đông hôm 6-7 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Ông Pompeo cũng khẳng định thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc đối xử với vùng biển này như là đế chế hàng hải của riêng họ. Riêng Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ và các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế.
Đến ngày 15-7, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thông qua các phương tiện ngoại giao thay vì quân sự. "Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia trên khắp thế giới cho rằng họ bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lãnh hải hợp pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù là tại các cơ quan đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ có thể" - Ngoại trưởng Pompeo nói tại một cuộc họp báo.
4 điểm nhấn trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ
- Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho cái gọi là "đường chín đoạn" ở biển Đông kể từ năm 2009.
- Công khai ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng.
- Bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
- Bác yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và đảo Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối việc đánh cá và phát triển của các bên khác ở những vùng biển này hoặc đơn phương thực hiện các hành động đó là phi pháp.
Cộng đồng quốc tế lập tức bày tỏ lập trường về tuyên bố nói trên của Mỹ, trong đó nhiều nước lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải trên biển Đông
+ Việt Nam
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15-7 lên tiếng về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở biển Đông. "Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36 rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
+ Úc
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 16-7 tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ "rất mạnh mẽ" hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông. "Úc sẽ theo đuổi một lập trường rất nhất quán" - Thủ tướng Morrison khẳng định khi được hỏi liệu quốc gia của ông có ủng hộ lập trường của Mỹ trên biển Đông hay không.
+ Nhật Bản
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 14-7 hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về lập trường của Washington đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Theo ông Suga, tuyên bố cho thấy "cam kết vững chắc" của Washington đối với hòa bình và ổn định tại khu vực này. Bên cạnh đó, ông Suga cho biết Nhật Bản quan ngại về các động thái của Trung Quốc ở biển Đông, đồng thời khẳng định Tokyo phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển này.
Trong khi đó, sách trắng quốc phòng Nhật Bản được chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe thông qua hôm 14-7 cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trong bối cảnh đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) hoành hành trên thế giới. Liên quan đến tình hình biển Đông, theo hãng tin Kyodo, Sách trắng nhận định Trung Quốc đang quân sự hóa các tiền đồn tại đó trong lúc dùng các biện pháp phi quân sự để buộc thay đổi hiện trạng khu vực, dẫn đến phản ứng mạnh của các quốc gia liên quan.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nhận định Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng tại "nhiều nơi" trên thế giới như những khu vực dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ, biển Hoa Đông, biển Đông...
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (phải) và 2 tàu huấn luyện JS Kashima, JS Shimayuki của Nhật Bản tập trận tại biển Đông hôm 7-7 - Ảnh: Hải quân Mỹ
+ Philippines
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 14-7 tuyên bố đồng ý mạnh mẽ với Mỹ rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật quốc tế ở biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thúc giục chính phủ Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hồi năm 2016, trong đó khẳng định cái gọi là "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra là không có cơ sở pháp lý. Ông Lorenzana cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã tham gia ký kết.
+ Ấn Độ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava hôm 16-7 cho biết New Delhi ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trên các tuyến đường hàng hải quốc tế, trong đó có biển Đông. Quan chức này cũng cho biết Ấn Độ tin rằng mọi khác biệt có thể được giải quyết một cách hòa bình bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tuyên bố mới của ông Pompeo mang lại sự rõ ràng về lập trường của Mỹ đối với biển Đông, cũng như mở đường cho những phản ứng mạnh mẽ hơn của Washington. Chính sách trước đó của Mỹ là kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng thông qua luật pháp quốc tế, cụ thể là tòa trọng tài do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Ông James Chin, chuyên gia tại Trường ĐH Tasmania (Úc), cho rằng lập trường trên của Mỹ không mới vì nước này vẫn luôn phản đối yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" của Bắc Kinh. Cái mới ở đây là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xem biển Đông là một trọng tâm mới trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, ông Daniel Markey, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng tuyên bố trên có thể là nhằm phản ứng các hành động gây hấn của Trung Quốc ở khắp châu Á, trong đó có biển Đông. Theo ông, Mỹ muốn cho khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, thấy rằng đại dịch Covid-19 không khiến họ bị phân tâm hoặc gặp khó.
Hai tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và một số tàu chiến, máy bay Mỹ tập trận ở biển Đông hôm 6-7 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Đáng chú ý, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao về quốc phòng tại tổ chức RAND Corporation (Mỹ), nhận định tuyên bố của ông Pompeo đánh dấu bước ngoặt so với các chính sách trước đây của Mỹ. "Lập trường truyền thống là Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 90% diện tích biển Đông nhưng Washington không chính thức đưa ra lập trường với từng tuyên bố chủ quyền cụ thể" - ông Grossman nói với tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản).
Viết trên trang Asia Times, ông Richard Javad Heydarian, một học giả người Philippines, cho rằng Mỹ đã đưa ra tuyên bố chưa từng có nhằm phản đối các động thái hàng hải của Trung Quốc, từ đó đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc đối đầu trên biển giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Không những thế, theo ông Heydarian, bước đi trên còn báo trước khả năng Lầu Năm Góc can thiệp mạnh mẽ hơn nếu Bắc Kinh tiếp tục có hành vi sai trái ở biển Đông.
Ông Murray Hiebert, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Công ty BowerGroupAsia (Mỹ), hôm 14-7 cho rằng nhiều nội dung trong tuyên bố của ông Pompeo là chưa từng có và mạnh mẽ hơn so với những tuyên bố trước đây. Trong khi đó, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, đánh giá tuyên bố của ông Pompeo là quan trọng nhưng cần có hành động thêm nữa để ngăn chặn các chính sách bành trướng của Trung Quốc, như thông qua các biện pháp trừng phạt và tăng cường hiện diện, hoạt động của hải quân Mỹ tại khu vực.
Tương tự, bà Bonnie S. Glaser, một chuyên gia của CSIS, đánh giá động thái mới của Mỹ về biển Đông tạo cơ sở pháp lý để Washington có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm ủng hộ quyền đánh cá và khai thác năng lượng của các nước trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Thông điệp đầu tiên về một phản ứng mạnh mẽ như thế được đưa ra ngay tức thì. Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) hôm 14-7, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ, khẳng định Washington sẽ không tiếp tục nói "chúng tôi trung lập" về vấn đề biển Đông. Ông Stilwell cho biết Washington để ngỏ khả năng trừng phạt các quan chức, công ty Trung Quốc dính líu đến các hành vi phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông.
Bên cạnh đó, theo ông Stilwell, Mỹ còn đang gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra, chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, hàng không của tàu chiến, nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay. Các nước có cùng chí hướng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu còn bắt tay để bảo đảm Bắc Kinh không nói một đường, làm một nẻo. Hải quân Mỹ cùng một số nước đồng minh, như Nhật, Pháp, Anh, Úc…thường xuyên tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do đi lại ở biển Đông thời gian qua.
Trong diễn biến cho thấy ông Stilwell không chỉ nói suông, hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiếp tục tập trận chung ở biển Đông ngày 17-7. Đây là lần thứ hai hai tàu sân bay này tập trận ở biển Đông trong tháng 7. Ngoài ra, có thông tin cho biết quân đội Mỹ lên kế hoạch triển khai một đơn vị đặc biệt đến biển Đông vào năm 2021, đảm nhận nhiều hoạt động như tác chiến điện tử, chiến tranh mạng, hỗ trợ tấn công chính xác bằng tên lửa…
Trước đó, hải quân Mỹ hôm 14-7 triển khai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson hoạt động gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) mới nhất. Theo Business Insider, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ít nhất 6 FONOP tại biển Đông từ đầu năm đến giờ, bên cạnh nhiều hoạt động khác tại khu vực. Vào đầu tháng này, hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã đến biển Đông để tập trận. Không quân Mỹ cũng thường xuyên triển khai máy bay ném bom đi qua vùng biển quan trọng này.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan tại biển Đông hôm 16-7 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Không dừng lại ở đó, hai tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) gần đây cũng tập trận chung với tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu khu trục USS Mutin của Mỹ ở biển Đông. Theo báo The Times hôm 14-7, giới chức quân sự Anh đã lên kế hoạch triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến vùng Viễn Đông vào đầu năm 2021 để tham gia chiến dịch đối phó với một Trung Quốc ngày càng khiêu khích. Với sự hậu thuẫn của 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ, 2 tàu chở dầu cùng các máy bay trực thăng, HMS Queen Elizabeth sẽ tập trận chung với những đồng minh như Mỹ và Nhật.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn tiến hành các hoạt động hàng hải trên biển Đông, tương tự Mỹ, Anh và những quốc gia khác để duy trì cân bằng sức mạnh trong khu vực.
Theo sau tuyên bố mới nhất của Mỹ về vấn đề biển Đông, một số chuyên gia nhận định những gì xảy ra sắp tới có thể là sự gia tăng căng thẳng quân sự, các biện pháp trừng phạt và khẩu chiến với Trung Quốc.
Máy bay ném bom B-52 Stratofortress tập trận với máy bay từ 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz ở biển Đông hôm 4-7 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo đài CNBC, nhiều nhà phân tích cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn gia tăng trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới) đang đến gần. "Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về chính sách đối ngoại đã leo thang đáng kể từ đầu năm đến giờ và sẽ không bên nào chịu có động thái hạ nhiệt" - Công ty tham vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định, đồng thời bày tỏ lo ngại phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc có thể làm gia tăng rủi ro xảy ra đụng độ ngoài ý muốn, khiến tình hình trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng Bắc Kinh có thể tăng cường các biện pháp nhằm thách thức hoạt động quân sự của Mỹ ở biển Đông. Theo ông Koh, điều này đe dọa làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố, từ đó khiến tình hình khu vực thêm nóng.
Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông
Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần chuẩn bị cho khả năng Mỹ tiếp cận quyết liệt hơn nữa đối với vấn đề biển Đông, như tăng cường hiện diện quân sự tại đó và thúc giục các đồng minh, đối tác khu vực đối đầu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Một kịch bản được nói đến là Mỹ có thể đưa tàu tuần duyên đến biển Đông để đối phó với "mối đe dọa đang tăng" từ tàu hải cảnh và tàu cá bán quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay bị cáo buộc sử dụng các lực lượng này để mở rộng hiện diện ở biển Đông. Ở chiều ngược lại, một số biện pháp đáp trả khả dĩ của Trung Quốc là lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông và tăng cường xây dựng hạ tầng phi pháp tại đó.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng nguy cơ Mỹ và Trung Quốc đẩy căng thẳng lên mức xung đột quân sự ở biển Đông là không cao. Cuộc tập trận của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan ở biển Đông gần đây diễn ra trong sự theo dõi của tàu Trung Quốc gần đó. Đô đốc James Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Nimitz dẫn đầu, hôm 6-7 cho biết không có sự cố nào xảy ra liên quan đến tàu Trung Quốc trong suốt tiến trình tập trận.
Bình luận (0)