img


Dù là đàm phán với Nga để giải quyết khủng hoảng Ukraine, thương lượng về các điều khoản cứu trợ tài chính Hy Lạp hay ứng phó làn sóng người tị nạn lớn nhất lịch sử châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2 thì bà Angela Merkel luôn đóng vai trò trung tâm với nghệ thuật đàm phán tuyệt luân.


[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 1.

Năm 2015, châu Âu lâm vào cuộc đại khủng hoảng, từ nội chiến Ukraine, cuộc hỗn loạn nợ công của Hy Lạp cho đến dòng người tị nạn lịch sử. Xuyên suốt quãng thời gian đầy bất ổn và chia rẽ đó, hình ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nổi lên như một nhà lãnh đạo châu Âu thực thụ.

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 2.

Bà Merkel tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Đức lần đầu vào tháng 11-2005. Ảnh: Alamy

Trong cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, bà Merkel đã kiên quyết thuyết phục các thành viên khu vực đồng Euro cắt giảm chi tiêu công nhằm cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Khi các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các chủ nợ quốc tế có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt, "bà đầm thép" Angela Merkel vẫn giữ niềm tin về một thỏa thuận.

"Chúng ta có thể làm được điều này" đã trở thành câu thần chú của nữ thủ tướng Đức mỗi khi bà tìm cách để thuyết phục các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Cuối cùng, Athens và EU đã đạt được thỏa thuận với sự chấp nhận của tất cả các quốc gia thành viên.

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 3.

Bà Merkel được Tạp chí Time chọn là Nhân vật của Năm vào năm 2015. Ảnh: Time

Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi về khả năng truyền cảm hứng hơn bao giờ hết, bà cũng vấp phải không ít chỉ trích. Ngay sau khi có bước đi táo bạo là mở cửa nước Đức đối với người tị nạn từ Syria, nữ thủ tướng đứng trước nhiều áp lực yêu cầu từ chức ở trong nước lẫn bị cô lập bởi một số nước thành viên EU. Tâm lý trên một phần đến từ mối lo lắng về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước Đức tại EU trong thời gian bà Merkel cầm quyền.

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 4.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Điện Elysee ngày 16-9. Ảnh: REUTERS

Nhà bình luận của tờ The New York Times Roger Cohen nhận xét bà Merkel đã trở thành một hình tượng lớn ở châu Âu, có thể sánh ngang với những cố thủ tướng Đức thời hậu chiến như Konrad Adenauer, Helmut Schmidt và Helmut Kohl, thậm chí còn vượt qua cả họ. Do đó, bất chấp khen chê trái chiều, để giữ được châu Âu vững vàng trong sóng gió thử thách, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của nước Đức, cụ thể là bà Merkel. 

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 5.


[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 6.

Không thể phủ nhận khả năng ngoại giao khéo léo của bà Merkel khi bà chủ trì cuộc đàm phán thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt giao tranh ở miền Đông Ukraine vào tháng 2-2015 giữa Ukraine và Nga. Cũng chính bà là người thuyết phục các thành viên EU duy trì trừng phạt Nga. Đây được xem là nhiệm vụ không dễ dàng trước sự hoài nghi từ Hy Lạp, Slovakia, Hungary, Cộng hòa Czech và Ý.

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 7.

Bà Merkel gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2002. Ảnh: AP

Mô tả thỏa thuận Minsk là "đứa con tinh thần" của bà Merkel, nhà quan sát chính trị Alexander Rahr cho rằng "bà đầm thép" sẽ tìm cách tạo cầu nối để người kế nhiệm mình có thể tiếp tục hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo hãng tin Tass, chuyên gia Rahr nhận định: "Bà ấy muốn kết thúc nhiệm kỳ của mình bằng một bước đi tích cực đối với Nga". Tờ Guardian bình luận chuyến thăm Moscow hồi tháng 8 vừa qua của bà Merkel là chương cuối trong mối quan hệ kéo dài hơn một thập kỷ của hai chính trị gia quyền lực nhất châu Âu. Mặc dù thường xuyên căng thẳng và đôi khi đối đầu nhưng bà Merkel và ông Putin chưa bao giờ rạn nứt quan hệ. Báo Suddeutsche Zeitung (Đức) nhận xét trước chuyến thăm của bà Merkel: "Không có chính trị gia nào trên thế giới duy trì tốt mối quan hệ cá nhân bất chấp các mâu thuẫn trong một thời gian dài như bà Merkel và ông Putin". 


[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 8.

Những năm sau này, bà Merkel quyết tâm theo đuổi cách tiếp cận đa phương cho những vấn đề của thế giới với thực tế là Mỹ ngày càng xa rời đồng minh châu Âu, còn Anh rời khỏi EU.

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 9.

Một tháng sau khi được bầu vào Quốc hội, bà Merkel được chỉ định vào nội các Đức vào tháng 1-1991 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh thiếu niên. Ảnh: Alamy

Chính quyền Đức dưới thời bà Merkel đã chịu sức ép từ Mỹ về việc phải cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, là một người sinh ra trong thời Chiến tranh lạnh, bà Merkel hiểu được tầm quan trọng của việc tránh gây ra thêm một cuộc đối đầu tương tự. Thủ tướng Đức đã nỗ lực tách biệt các vấn đề nhân quyền, an ninh với Trung Quốc và Nga khỏi việc hợp tác về kinh tế và thương mại.

[eMagazine] Câu thần chú ngự trị châu Âu của bà Angela Merkel - Ảnh 10.

Bà Merkel và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự buổi họp báo chung ở Nhà Trắng hồi tháng 3-2017. Ảnh: AP

Đến khi "Nữ hoàng châu Âu", biệt danh được giới quan sát đặt cho bà Merkel, sắp rời khỏi chính trường sau 16 năm cầm quyền, lục địa già lại thấy trống trải ngay ở vị trí trái tim. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ca ngợi "quyền lực to lớn" của bà Merkel dẫn dắt châu Âu vượt qua nhiều năm hỗn loạn gồm khủng hoảng tài chính, khủng hoảng di cư, BREXIT (Anh rời EU) và đại dịch Covid-19. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người từng phục vụ dưới thời bà Merkel với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nhấn mạnh rằng kỹ năng phân tích của bà đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán của EU. Ông Janis Emmanouilidis thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu cũng gọi sự ra đi của nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất châu Âu này là "dấu chấm hết cho một kỷ nguyên của EU".


Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Bà Angela Merkel sinh năm 1954 tại Tây Đức nhưng trưởng thành trong một thị trấn ở Đông Đức. Bà tốt nghiệp ngành vật lý tại Trường ĐH Leipzig năm 1978, trở thành tiến sĩ hóa học lượng tử vào năm 1986. Bà làm việc tại Viện nghiên cứu Hóa Lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức từ năm 1978 đến 1990. Bà Merkel tham gia chính trị sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Với sự ủng hộ của cố Thủ tướng Helmut Kohl thời gian đầu, bà Merkel thăng tiến và trở thành lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) vào năm 2000 và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức 5 năm sau đó.

Năm 2006, bà được tạp chí Forbes bình chọn đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và giữ vị trí này 13 năm tiếp theo sau đó. Bà Merkel được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm 2015 do vai trò lãnh đạo xử lý các cuộc khủng hoảng nợ công và nhập cư tại châu Âu. Năm 2017, bà Merkel tái đắc cử chức thủ tướng Đức lần thứ 4, nhiệm kỳ 2017 - 2021.


Xuân Mai - Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên