Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) đã khai mạc tại TP Osaka - Nhật Bản hôm 28-6 với mục tiêu đạt được sự đồng thuận về một loạt vấn đề cấp bách, bất chấp những bất đồng quan điểm và cạnh tranh lợi ích.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nhất Bản Shinzo Abe kêu gọi các lãnh đạo thế giới đoàn kết, như tinh thần của triều đại "Lệnh Hòa" vừa bắt đầu ở nước này. "Với sự góp sức của các ngài, tôi hy vọng chúng ta sẽ có được sự hòa hợp đẹp đẽ ở Osaka. Thay vì chú ý tới sự đối đầu, hãy cùng tìm ra những điều có thể gắn kết" - Thủ tướng Abe bày tỏ.
Cuôc gặp giữa một số nguyên thủ quốc gia
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra, thương mại được giới chuyên gia nhận định là một trong những vấn đề bao trùm các cuộc thảo luận, phần lớn do Mỹ thay đổi chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nhận định này đã được củng cố trong ngày đầu tiên của sự kiện.
Tại phiên họp chính thức đầu tiên của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu. Theo TTXVN, các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro, bất ổn...
Cũng trong ngày 28-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp và trao đổi song phương với lãnh đạo các nước Trung Quốc, Mỹ, Chile, Ấn Độ, Canada; chủ tịch Ủy ban châu Âu và tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để trao đổi về các biện pháp tăng cường, nâng cao quan hệ với các đối tác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao đổi nhanh với lãnh đạo các nước Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Canada, Singapore, Hà Lan để thúc đẩy hợp tác song phương và phối hợp trên các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Tổng thống Putin và Thủ tướng May đã có cuộc gặp căng thẳng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp gỡ kể từ vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông là Yulia Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok tại TP Salisbury – Anh hồi tháng 3-2018. London nhiều lần cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc, song Moscow mạnh mẽ bác bỏ.
Không khí căng thẳng của cuộc họp hôm 28-6 dường như đã được thể hiện ngay từ đầu trên nét mặt của hai nhà lãnh đạo khi họ bắt tay, chụp ảnh lưu niệm.
Trước những diễn biến căng thẳng nêu trên, đài CNN nhận định quan hệ London-Moscow dường như khó tiến triển trong thời gian tới.
Thủ tướng May khẳng định Anh có bằng chứng cho thấy Nga đứng sau vụ tấn công, đồng thời yêu cầu 2 đối tượng liên quan phải bị trừng trị. Tổng thống Putin trước đó đã nhấn mạnh rằng có quá nhiều tranh cãi xung quanh vụ đầu độc cựu điệp viên Nga, đồng thời khẳng định "những ồn ào xung quanh vụ việc này không đáng để phá vỡ quan hệ giữa các quốc gia".
Ông chủ Nhà Trắng hôm 28-6 đã có cuộc gặp 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đề cập các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Ấn, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: "Rất tích cực… Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận với Ấn Độ... Chúng ta sẽ có một số vấn đề rất lớn để công bố. Một thỏa thuận thương mại lớn".
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale cho biết Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi đã đồng ý sớm nối lại đàm phán thương mại. Thủ tướng Modi khẳng định các biện pháp áp thuế đáp trả "là chuyện đã xảy ra, bây giờ, chúng ta phải hướng về phía trước".
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Iran cũng là một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Hôm 28-6, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã "tái khẳng định cam kết của hai quốc gia đối với những thách thức an ninh chung", trong đó có Triều Tiên và Iran. Thủ tướng Abe cũng đã đưa cho Tổng thống Trump xem danh sách các đầu tư mới đây của Nhật Bản vào Mỹ. Tổng thống Trump đã ca ngợi danh sách này, nói rằng ông "rất vui".
Sau cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Ấn Độ, ông chủ Nhà Trắng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông mô tả là "một phụ nữ tuyệt vời". Cả hai đã thảo luận về Iran, Libya, hỗ trợ kinh tế Ukraine, đàm phán thương mại với Trung Quốc và các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu nói chung. Bà Merkel đã khẳng định với ông Trump rằng "các công ty Đức đang đầu tư rất nhiều vào Mỹ".
Cũng hôm 28-6, Tổng thống Trump có cuộc gặp bên lề với Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận suốt hơn 1 giờ 30 phút về các vấn đề liên quan đến Iran, Syria, Venezuela và Ukraine.
"Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã xem xét tình trạng quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga. Hai nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng các mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về mô hình kiểm soát vũ khí của thế kỷ XXI, mà Tổng thống Trump tuyên bố là cần phải bao gồm cả Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về tình hình ở Iran, Syria, Venezuela và Ukraine" - Nhà Trắng cho biết.
Tổng thống Trump cũng có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29-6. Theo tờ South China Morning Post, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nhất trí tạm đình chiến thương mại trong lúc đàm phán tiếp diễn để tìm giải pháp cho bất đồng này. Trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Trump nói rằng ông hy vọng sẽ có "những cuộc thảo luận hiệu quả" với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Dù vậy, Tổng thống Trump cảnh báo ông không hứa hẹn bất cứ điều gì về việc hoãn áp thuế bổ sung lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.
Một số hình ảnh về Hội nghị G20:
Một số hình ảnh về Hội Nghị G20
Bình luận (0)