Đó là một ngày giá buốt ở Bình Nhưỡng, 28-12-2011.
Tuyết rơi dày đặc trong lúc một chiếc Lincoln Continental màu đen chạy chậm rãi trên các tuyến đường. Trên xe là quan tài của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Hai bên đường, đám đông vật vã khóc thương, tự vỗ ngực và thốt lên: "Cha, cha".
Bước đi kế bên xe tang là con trai của ông Kim Jong-il và cũng là người kế thừa quyền lực: ông Kim Jong-un. Thuở ấy, khi mới 27 tuổi, ông Kim Jong-un dường như không kìm được cảm xúc, bật khóc nhiều lần trong suốt thời gian diễn ra tang lễ.
Đứng ngay sau ông Kim Jong-un khi ấy là người dượng Jang Song-thaek, được xem là nhân vật quyền lực thứ hai ở Triều Tiên. Ở bên kia xe là Tổng Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Ri Yong-ho và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-chun.
Trong những năm 1950, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ông Kim Il-sung thiết lập chế độ lãnh đạo cha truyền con nối ở Triều Tiên.
Trong suốt gần hai thập kỷ, ông Kim Il-sung chuẩn bị cho quá trình kế ngôi của con trai cả Kim Jong-il. Dù ở đâu, ông Kim Jong-il luôn xuất hiện bên cạnh cha mình. Vào năm 1994, khi ông Kim Il-sung qua đời, ông Kim Jong-il lập tức nắm quyền điều hành đất nước. Tuy nhiên, khi ông Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, con trai của ông là ông Kim Jong-un có vẻ như chưa sẵn sàng để trở thành nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên. Nhiều chuyên gia đồn đoán rằng đây chính là sự sụp đổ của chế độ cha truyền con nối. Tuy nhiên, tất cả đã sai lầm.
Trong vài tháng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Ri Yong-ho và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-chun bị sa thải.
Sau đó, vào tháng 12-2013, ông Kim Jong-un tiến hành động thái đáng chú ý nhất. Người dượng Jang Song-thaek bị xử tử với cáo buộc phản quốc.
Trong giai đoạn 2012-2016, ông Kim Jong-un được cho là đã tiến hành chiến dịch thanh trừng lớn nhất ở Triều Tiên kể từ thời của ông Kim Il-sung. Theo Viện nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, 140 sĩ quan quân đội cấp cao và quan chức chính phủ đã bị thanh trừng trong khi 200 người khác bị cách chức hoặc bỏ tù.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã loại trừ bất cứ ai cản đường, thay thế họ bằng những người trẻ tuổi và trung thành với ông. Những người này hoạt động dưới sự lãnh đạo của cô Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un.
Ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Vào một chiều ấm áp của năm 2018, ông Kim Jong-un ngồi uống trà và trò chuyện với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trên một cây cầu gỗ ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc.
Cuộc trò chuyện của hai nhà lãnh đạo được phát trực tiếp trên toàn thế giới nhưng không có tiếng. Trong suốt 30 phút phát sóng, người ta cố đọc khẩu hình và cử chỉ để tìm hiểu xem hai nhà lãnh đạo đã nói với nhau những gì.
Vài tháng trước khi cuộc trò chuyện thân mật này diễn ra, ông Kim Jong-un đã phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, đồng thời đe dọa nhấn chìm Seoul và Mỹ trong biển lửa. Vậy mà tại DMZ, người ta lại thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên tươi cười, trò chuyện hăng say với người từng bị xem là kẻ thù không đội trời chung.
Có quá nhiều câu hỏi. Ông Kim Jong-un thật sự muốn gì? Liệu đó có phải là chiến thuật mới? Phải chăng ông Kim Jong-un đã quyết định đi theo một con đường khác? Nếu đúng như vậy, liệu đây có phải là con đường mà cha ông truyền lại?
Vào năm 1992, tại một căn biệt thự ở Bình Nhưỡng, một bữa tiệc sinh nhật vô cùng đặc biệt được tổ chức cho một cậu bé 8 tuổi. Trong số những món quà, có một món lạ thường. Đó là bộ quân phục cấp tướng. Không phải đồ chơi mà là một bộ quân phục đích thực dành cho một vị tướng của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Mọi tướng lĩnh đến bữa tiệc đều cúi chào một cậu bé 8 tuổi. Tên cậu ta là Kim Jong-un.
Người đầu tiên dự đoán quá trình nắm quyền của ông Kim Jong-un có lẽ là một đầu bếp sushi Nhật Bản với bí danh Kenji Fujimoto.
Trong những năm 1990, ông Fujimoto từng là người thân cận với gia tộc họ Kim khi nấu món Nhật Bản cho ông Kim Jong-il. Đầu bếp Fujimoto tuyên bố ông từng là "bạn chơi" của ông Kim Jong-un khi ông ta còn trẻ.
Đến năm 2001, ông Fujimoto trở lại Nhật Bản và phát hành cuốn sách đầu tiên về những câu chuyện liên quan đến gia tộc họ Kim. Trong cuốn sách này, ông Fujimoto kể lại lần đầu tiên gặp gỡ ông Kim Jong-un và người anh Kim Jong-chol.
Trong cuốn sách thứ hai xuất bản vào năm 2003, ông Fujimoto viết: "Kim Jong-chol được nhiều người xem là nhân vật kế ngôi. Tuy nhiên, tôi rất nghi ngờ điều này. Ông Kim Jong-il từng nói: ‘Kim Jong-chol không tốt, không mạnh mẽ’. Ông ấy thích cậu con trai út nhất, hoàng tử thứ hai. Ông Kim Jong-un rất giống cha. Ông ta thậm chí còn được nuôi dạy để trở thành người giống cha mình. Nhưng sự tồn tại của ông ta không được hé lộ với công chúng".
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết thông tin về tuổi thơ của ông Kim Jong-un vẫn là một bí mật.
Khi Choi Min-jun ở tuổi 14, cậu ta được chọn gia nhập một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Triều Tiên – Bộ Tư lệnh Vệ binh Tối cao. Hiện tại, Choi là một người đào tẩu đang sống ở Hàn Quốc dưới tên giả.
Choi không có cơ hội gia nhập lực lượng nói trên. Choi không đủ tiêu chuẩn về chiều cao nhưng quan trọng hơn, anh ta không sinh ra trong gia đình danh giá.
Triều Tiên sử dụng hệ thống Songbun để xác định địa vị của một người ngay khi họ được sinh ra. "Hệ thống này phân chia dân số thành nhiều nhóm dựa vào hành động và địa vị của cha ông họ trong suốt thời kỳ thuộc địa Nhật Bản và chiến tranh Triều Tiên. Songbun xác định liệu một người nào đó có được sống ở thủ đô hay không cũng như nơi làm việc và loại giáo dục mà người này được nhận" – trang tin NKNews khẳng định.
Điều đáng nói là cấp bậc Songbun không thể thay đổi. Nếu một người có ông chiến đấu chống Nhật Bản trong suốt thời kỳ thuộc địa, người này sẽ được xem là "trung thành". Tuy nhiên, nếu ông của người này theo phe Nhật, người này sẽ bị coi là "kẻ thù" và luôn luôn như thế.
Ông Kim Jong-il có đời sống tình cảm phức tạp. Ông có hai người vợ chính thức và ít nhất 3 tình nhân. Ông Kim Jong-nam là con của bà Song Hye-rim – tình nhân đầu tiên của ông Kim Jong-il. Ông Kim Jong-un là con của bà Ko Yong-hui – tình nhân thứ hai của ông Kim Jong-il.
Mặc dù là anh em cùng cha khác mẹ, ông Kim Jong-un và ông Kim Jong-nam chưa bao giờ gặp nhau.
Là con trai lớn tuổi nhất, ông Kim Jong-nam từng được xem là người kế ngôi cha. Tuy nhiên, vào năm 2001, ông bị bắt và bị trục xuất về nước sau khi nhập cảnh Nhật Bản bằng hộ chiếu giả vì muốn thăm công viên Disneyland ở Tokyo.
Đối với ông Kim Jong-il, đây là một sự xấu hổ mà ông không bao giờ quên. Ông Kim Jong-nam sau đó bị truất khỏi danh sách kế ngôi và bị đẩy sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ câu chuyện.
Nhà báo Nhật Bản Yoji Gomi khẳng định ông Kim Jong-nam bị truất khỏi danh sách kế ngôi trước khi sự cố trên xảy ra.
Theo ông Gomi, mọi chuyện bắt đầu kể từ khi ông Kim Jong-nam trở về Triều Tiên sau khi du học Thụy Sĩ trong những năm 1980. Quãng thời gian 9 năm sinh sống tại châu Âu đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông.
Nhà báo Gomi khẳng định ông Kim Jong-nam muốn cha thay đổi hệ thống kinh tế và cải cách thị trường Triều Tiên theo hướng cải cách của Trung Quốc.
"Ông Kim Jong-il nổi giận và yêu cầu ông Kim Jong-nam thay đổi tư tưởng nếu không muốn rời khỏi Bình Nhưỡng" – ông Gomi chia sẻ.
Trong cuốn sách xuất bản vào năm 2003, ông Fujimoto tiết lộ lãnh đạo Kim Jong-un từng nói với ông rằng: "Fujimoto, đất nước của chúng tôi bị tụt lại phía sau về mặt công nghệ công nghiệp ngay cả với các quốc gia châu Á khác. Chúng tôi vẫn bị mất điện".
Sau đó, ông Kim Jong-un so sánh tình hình ở Triều Tiên với Trung Quốc. "Tôi nghe rằng Trung Quốc đã thành công bằng nhiều cách. Dân số Triều Tiên là 23 triệu người. Trung Quốc có dân số hơn 1 tỉ người. Làm sao họ cung cấp điện đủ? Cung cấp đủ lương thực cho 1 tỉ người chắc khó lắm. Chúng tôi cần phải theo mô hình của họ" – ông Fujimoto viết lại lời của ông Kim Jong-un.
Hiện tại, nếu muốn phát triển kinh tế, ông Kim Jong-un cần phải đưa Triều Tiên thoát khỏi các biện pháp trừng phạt. Ông Kim Jong-un cần các hoạt động thương mại và đầu tư khổng lồ. Để đạt được điều này, Mỹ và đồng minh sẽ yêu cầu ông từ bỏ "thanh gươm báu" - vũ khí hạt nhân.
Liệu đây có phải là ý định của ông?
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim Jong-un đẩy nhanh chương trình tên lửa và hạt nhân, tiến hành nhiều vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong quãng thời gian ngắn hơn so với cha của ông.
Vào ngày 4-7-2017, Triều Tiên thực hiện một vụ thử nghiệm thành công. Tên lửa bay gần 3.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Ông Kim Jong-un vô cùng vui sướng. Loạt ảnh được đăng tải sau đó ghi lại khoảnh khắc nhà lãnh đạo Triều Tiên tươi cười và ôm các sĩ quan quân đội cấp cao.
Đến ngày 29-11-2017, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm thành công một loại tên lửa mới - Hwasong 15. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố tên lửa này có thể mang theo "đầu đạn siêu nặng" và có khả năng tấn công Mỹ.
Theo KCNA, ông Kim Jong-un khi ấy tuyên bố một cách tự hào rằng Triều Tiên đã "hoàn thành chương trình hạt nhân" và trở thành một "cường quốc tên lửa".
Nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng Bình Nhưỡng đã có có thể tấn công Mỹ.
Cho tới nay, vẫn còn một số câu hỏi chưa có lời đáp: Tại sao ông Kim Jong-un lại kiên quyết phát triển vũ khí tầm xa có khả năng tấn công Mỹ? Mục tiêu của tên lửa hạt nhân là gì?
Tại hội nghị liên Triều mới đây với Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi "phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên", đồng thời cam kết ngưng mọi vụ thử nghiệm và phá hủy các cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, theo chuyên gia vũ khí hạt nhân Duyeon Kim đến từ Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên, điều này không có nghĩa là ông Kim Jong-un sẵn sàng đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Ông ấy đã tuyên bố rằng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Đó là điều mà những cường quốc hạt nhân khẳng định. Sau 6 vụ thử nghiệm, Triều Tiên không còn phải thử nghiệm thêm bất cứ vụ nào. Do đó, ông Kim Jong-un đang nâng cao vị thế của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo của một cường quốc ngang hàng với Mỹ" – bà Duyeon cho biết.
Mọi hành vi "xúc phạm Nguyên soái Kim Jong-un" đều bị xem là trọng tội.
"Ông Kim Jong-un như một vị vua. Ông ấy không chấp nhận bị người khác chỉ trích hay chống đối. Bất cứ cá nhân hay quốc gia nào thách thức hay chống lại ông ấy đều phải đối mặt với trừng phạt" – ông Paik Hak-soon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc), khẳng định.
Triều Tiên có lịch sử bắt giam công dân nước ngoài vì những vi phạm nhỏ. Kể từ năm 2011, 16 công dân nước ngoài đã bị Bình Nhưỡng bắt giam.
Ba tháng trước khi bị bắt giữ vào năm 2016, một sinh viên Mỹ tên Otto Warmbier bị tuyên 15 năm lao động khổ sai với cáo buộc ăn cắp một khẩu hiệu chính trị tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Warmbier sau đó được trả tự do và trở về Mỹ với chấn thương não nghiêm trọng và qua đời vài ngày sau đó.
Với Bình Nhưỡng, tù nhân Mỹ giống như một quân bài trong trò chơi chính trị. Họ kéo Washington vào các cuộc đàm phán lâu dài trước khi yêu cầu một phái đoàn cấp cao đến Triều Tiên nhận tù nhân. Vào năm 2009, cựu Tổng thống Bill Clinton từng đến Bình Nhưỡng để đưa hai nhà báo Mỹ bị giam trở về.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un không muốn đàm phán với cựu tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ muốn đàm phán trực tiếp với chính quyền tổng thống đang nắm quyền.
Vào ngày 9-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un và được trao trả 3 công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giam.
Bình luận (0)