ảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian phong tỏa, được xem là nhiệm vụ sống còn của giới chức các nước. Và hầu như nước nào cũng lên sẵn kế hoạch cung ứng xuyên suốt, đồng thời kêu gọi người dân chỉ mua đủ dùng, không đổ xô đi mua tích trữ quá nhiều, ảnh hưởng đến người khác lẫn công tác phòng dịch.
Vào thời điểm Malaysia phong tỏa toàn quốc 2 tuần (bắt đầu từ ngày 1-6), Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm nước này triển khai nhiều biện pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm không bị gián đoạn.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phải tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) của chính phủ để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Nông dân, chủ trang trại và ngư dân phải luôn đeo khẩu trang, khử trùng và vệ sinh tay.
Malaysia tránh làm gián đoạn sản xuất gạo cũng như nguồn cung, quá trình trồng trọt và vận hành nhà máy hoạt động ở mức cho phép, tuân thủ SOP do Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đặt ra.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm công khai các số liệu để trấn an người dân. Ví dụ, bộ này ước tính tổng số gạo cần trên cả nước trong 14 ngày phong tỏa là khoảng 100.000 - 150.000 tấn (đã tính tới tình trạng mua sắm hoảng loạn). "Tổng lượng gạo dự trữ từ chỗ sản xuất, bán sỉ tới bán lẻ của Malaysia là 764.000 tấn, ngoài ra lượng cá dự trữ là 185.000 tấn/tháng so với nhu cầu tiêu thụ 155.000 tấn/tháng" – bộ này thông báo trước khi phong tỏa.
Để đảm bảo người dân tiếp cận được thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã thiết lập 43 khu chợ có kiểm soát trên toàn quốc. Tổng cộng 89 chợ cá và 33 trung tâm thu gom và phân phối cá vẫn hoạt động.
Khi bang Kerala của Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa, chính quyền phân phát khẩu phần ăn miễn phí cho tất cả người dân trong một tháng, cụ thể cung cấp 35 kg gạo cho các gia đình dưới mức nghèo khó (chiếm 11,3% tổng dân số bang) và 15 kg gạo cho những hộ còn lại. Ngoài ra, chính quyền bang gởi cho những người bị cách ly tại nhà một túi thực phẩm, bất kể tình trạng thu nhập của họ. Túi thực phẩm bao gồm gạo, lúa mì, đường, muối, dầu ăn, các loại đậu và gia vị cần thiết cho một tuần hoặc một tháng.
Khi các hoạt động nông nghiệp bị đe dọa, Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) trở thành cơ quan đầu mối quản lý các hoạt động lương thực trong nước. ICAR đánh giá tác động tiềm tàng đối với nông nghiệp và các ngành liên quan, sau đó đưa ra các biện pháp để giảm tác động tiêu cực đối với hệ thống lương thực địa phương.
Song song đó, ICAR thanh tra tình hình an toàn thực phẩm ở các địa phương, nhất là mặt hàng dễ hư hỏng như rau, thịt và cá. Lãnh đạo bang Kerala thiết lập các bếp ăn cộng đồng nhằm cung cấp thực phẩm nấu chín cho người nghèo.
Trong 3 tuần thủ đô Phnom Penh và tỉnh lân cận bị phong tỏa (cuối tháng 4 đầu tháng 5), Bộ Thương mại Campuchia kiểm soát nguồn cung và thiết lập cửa hàng trực tuyến để người dân "vùng đỏ" có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao đặt mua thực phẩm. Tuy nhiên, cửa hàng chỉ có 7 mặt hàng: gạo, mì, cá hộp, củ cải muối, nước mắm, nước tương và nước.
Đến khi chiến dịch cung cấp thực phẩm của chính quyền đuối sức, cư dân ở vùng phong tỏa được tiếp tế bởi các tổ chức phi chính phủ.
Singapore thường siết chặt các biện pháp hạn chế xã hội khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Trước lo lắng của người dân Singapore, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong khẳng định nguồn cung dồi dào và người dân chỉ nên mua những gì họ cần. Các cơ quan kinh tế ở Singapore làm việc với các công ty, nhất là những công ty kinh doanh hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, để giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung ứng.
Người dân xếp hàng để kiểm tra nhiệt độ bên ngoài một tòa nhà văn phòng ở khu thương mại trung tâm Singapore - Ảnh: BLOOMBERG
Hơn nữa, Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) chủ động lập kế hoạch an ninh lương thực dài hạn thông qua chiến lược "3 giỏ lương thực": đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, tăng trưởng tại địa phương và phát triển ở nước ngoài. Trong số đó quan trọng nhất là đa dạng hóa nguồn lương thực. Các nhà nhập khẩu thực phẩm của Singapore tận dụng khả năng kết nối để nhập khẩu từ nhiều nguồn tại khoảng 170 quốc gia và khu vực trên thế giới. Giới chức Singapore cũng thúc đẩy áp dụng công nghệ trong sản xuất lương thực địa phương, nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho nông dân.
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và lối sống của người tiêu dùng trên khắp thế giới, bao gồm cả Thái Lan. Theo Trung tâm phân tích thông tin kinh tế (EIC) thuộc Ngân hàng thương mại Siam, do hạn chế đi lại nên người dân tăng cường sử dụng các ứng dụng mua sắm trực tuyến để mua thực phẩm và mặt hàng thiết yếu, tránh tập trung ở các cửa hàng bán lẻ đông đúc.
Hầu hết các nhà bán lẻ phát triển cách tiếp cận đa kênh để phục vụ nhu cầu của khách hàng thông qua các kênh kỹ thuật số và trực tuyến bao gồm trang web, Facebook, ứng dụng di động, giao hàng miễn phí…
Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 gần ga tàu Hua Lamphong ở Bangkok - Thái Lan hôm 7-7 - Ảnh: BANGKOK POST
Mua sắm an toàn trong dịch
1. Giữ khoảng cách 2 m với nhân viên hay khách hàng khác. Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng cho đến khi rửa tay sạch.
2. Chỉ đi mua sắm 1 mình, không theo nhóm. Điều đó sẽ làm giảm số lượng người bên trong các cửa hàng, đồng thời giảm số người trong gia đình tiếp xúc với bên ngoài.
3. Chỉ mua những món thực sự cần để tránh lãng phí thực phẩm và cũng để những người khác có thể mua được.
4. Tôn trọng giờ mua sắm của nhân viên y tế và nhóm dễ bị nhiễm. Nhiều siêu thị có một số khung giờ nhất định trong tuần dành cho những người là lao động chính, người cao tuổi và những người có bệnh nền.
5. Sử dụng dịch vụ giao hàng khi có thể để giảm số lần phải rời khỏi nhà. Càng ít người trên đường phố và trong các cửa hàng, càng giảm nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Mời bạn đọc tiếp tục đón đọc kỳ tiếp theo trên Báo Người Lao Động điện tử ngày 11-7.
Bình luận (0)