ổng thống Mỹ Donald Trump sắp bước vào cuộc bầu cử với hy vọng ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa bất chấp các cuộc thăm dò mới cho thấy ông đang bị đối thủ Joe Biden dẫn trước.
Trước thềm cuộc bầu cử được chờ đón này, truyền thông Mỹ đã điểm lại những dấu ấn nổi bật của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên được đánh giá là gây nhiều tranh cãi của ông.
Tái định hình ngành tư pháp liên bang
Tác động lâu dài nhất của ông Trump đối với đất nước sẽ là tái định hình ngành tư pháp liên bang. Cho đến nay, nhà lãnh đạo này đã đề cử hai thẩm phán Tòa án Tối cao và 205 thẩm phán vào các tòa án liên bang. Tất cả họ đều có nhiệm kỳ trọn đời.
Những tòa án này có tiếng nói cuối cùng trong chính trường Mỹ, đặt ra những tiền lệ có thể định hình đất nước trong nhiều năm tới. Ngay cả khi ông Trump không tái đắc cử, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ tiếp tục tác động đến hướng đi của nước Mỹ do số lượng thẩm phán liên bang bảo thủ được ông lựa chọn.
Lực lượng không gian
Với việc ký ban hành luật chi tiêu quốc phòng 738 tỉ USD vào cuối năm 2019, ông Trump đã chính thức lập Lực lượng Không gian, quân chủng thứ 6 của lực lượng vũ trang Mỹ. Đây là quân chủng mới nhất của Mỹ kể từ khi Không quân được thành lập năm 1947.
Lực lượng này ra đời nhằm bảo vệ các tài sản của quân đội Mỹ trên không gian. Tướng John Raymond, người được chọn đứng đầu Lực lượng Không gian, cho biết lực lượng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của quốc gia, các đồng minh và đối tác.
Cải cách thuế
Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) ký ban hành năm 2017 được xem là thành tựu lập pháp của ông Trump khi nó đánh dấu sự cải tổ mạnh mẽ nhất đối với thuế của Mỹ trong 30 năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại sự kiện chào mừng việc Quốc hội thông qua luật cải cách thuế. Ảnh: Reuters
Người ủng hộ cho rằng TCJA sẽ giúp GDP tăng trưởng 3% (riêng ông Trump nói đến mức tăng trưởng 6%) và thúc đẩy sự thịnh vượng. Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng đạo luật chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong lúc khiến tầng lớp trung lưu chịu thiệt.
Rốt cuộc, đạo luật cho đến giờ vẫn chưa đạt được bất kỳ mục tiêu tham vọng nào mà đảng Cộng hòa đề ra.
Đạo luật Bước đầu tiên
Tổng thống Trump ký ban hành Đạo luật Bước đầu tiên (First Step Act) vào tháng 12-2018, đánh dấu thắng lợi pháp lý của những người tìm kiếm việc cải cách hệ thống tư pháp hình sự. Được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đạo luật đưa ra những thay đổi tương đối khiêm tốn đối với hệ thống nhà tù liên bang. Dù vậy, các nhà hoạt động xem đây là bước đi quan trọng để hướng đến việc chấm dứt tình trạng tống giam hàng loạt.
Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền
Nỗ lực thay thế Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) của ông Trump bị trúng đòn mạnh tại cuộc bỏ phiếu của Quốc hội hồi tháng 7-2019 khi ngón tay trỏ chĩa xuống của Thượng nghị sĩ John McCain (đã mất) ra dấu hiệu ông bỏ phiếu chống đối với dự luật bãi bỏ Obamacare. Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn thành công trong việc dỡ bỏ một số phần của đạo luật.
Charlottesville và George Floyd
Phản ứng của Tổng thống Trump đối với một cuộc tuần hành chết người của những kẻ tân phát xít ở TP Charlottesville, bang Virginia, vào tháng 8-2017 vẫn là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Những gì xảy ra nêu bật chuyện nhà lãnh đạo này gặp khó khăn trong việc đoàn kết nước Mỹ, nhất là sau khi xảy ra các thảm kịch.
Một cuộc biểu tình phản đối việc cho Derek Chauvin, cảnh sát bị buộc tội trong cái chết của George Floyd, được bảo lãnh tại ngoại tại TP Minneapolis hôm 7-10. Ảnh: Reuters
Cuộc tuần hành dẫn đến cái chết của một người phản đối phe tân phát xít. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng trách nhiệm là của "nhiều bên" về tình trạng bạo lực tại cuộc tuần hành, dẫn đến chỉ trích mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ và sự lên án mạnh mẽ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Đến năm 2020, ông Trump bị chỉ trích vì gây chia rẽ nhiều hơn là hàn gắn đất nước khi phản ứng về cái chết của một người da màu tên George Floyd trong lúc bị cảnh sát khống chế ở TP Minneapolis hồi tháng 5. Vụ việc đã dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ nhằm vào tình trạng lạm dụng bạo lực của cảnh sát.
Bị luận tội
Tổng thống Trump chính thức bị luận tội tại Hạ viện Mỹ hôm 18-12-2019. Các hạ nghị sĩ đã thông qua 2 điều khoản luận tội nhằm vào ông Trump: Lạm quyền trong việc xử lý quan hệ với Ukraine và cản trở Quốc hội tiến hành điều tra luận tội.
Dù thượng viện sau đó tuyên Tổng thống Mỹ Donald Trump trắng án, nhà lãnh đạo này vẫn đi vào lịch sử như là tổng thống thứ 3 bị luận tội.
Đại dịch Covid-19
Cách thức ứng phó dịch Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump bị chỉ trích sau khi Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Covid-19 cũng khiến hàng triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp.
Tổng thống Donald Trump rời Trung tâm quân y quốc gia Walter Reed hôm 5-10 sau vài ngày điều trị Covid-19 ở đó. Ảnh: Reuters
Ông Trump thường xuyên giảm nhẹ mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, phớt lờ khuyến nghị của các cố vấn thuộc lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ không thừa nhận trách nhiệm vì đối phó kém với Covid-19 mà cho rằng trách nhiệm do Trung Quốc, quốc gia khởi phát dịch bệnh.
Một tháng trước cuộc bỏ phiếu chính thức, ông Trump trở thành tâm điểm chú ý khi bị xác định mắc Covid-19 trong diễn biến làm gián đoạn nỗ lực tái tranh cử của mình.
Kinh tế Mỹ
Mỹ đang đối mặt một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử do tác động của dịch Covid-19. Các biện pháp phong tỏa đã khiến hàng chục triệu người mất việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 8 là 8,4%. Trong khi đó, nợ quốc gia Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ Thế chiến II.
Tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến thế giới bị sốc khi chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria rồi tuyên bố thành lập cái gọi là đế chế Hồi giáo.
Dù vậy, nỗ lực kéo dài 5 năm do Mỹ đứng đầu cuối cùng đã đánh bại được IS vào tháng 3-2019. Tổng thống Trump thỉnh thoảng vẫn tuyên bố i rằng IS đã bị đánh bại hoàn toàn. Thực tế là IS ước tính vẫn còn đến 18.000 tay súng ở Iraq và Syria.
Hình ảnh được cho là của Abu Bakr al-Baghdadi trong đoạn video đăng tải hồi tháng 4-2019. Ảnh: Al-Furqan
Vào tháng 10-2019, thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng trong một cuộc bố ráp của Mỹ, giáng một đòn mạnh lên nhóm khủng bố này,
Hình ảnh nước Mỹ trên thế giới
Hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới bị ảnh hưởng sau khi ông Trump có khuynh hướng chọc giận các đồng minh quan trọng và cô lập Washington, như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế quan trọng. Cách thức xử lý dịch Covid-19 của chính quyền ông Trump cũng khiến Mỹ để lại khoảng trống về vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị cấp cao NATO ở Anh hôm 4-12-2019. Ảnh: Reuters
Quan hệ Mỹ - Trung
Quan hệ Mỹ - Trung lao dốc không phanh sau khi ông Trump vào Nhà Trắng. Thậm chí, ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ nổ ra chiến tranh lạnh giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm ở bang Florida hôm 6-4-2017. Ảnh: Reuters
Dấu ấn đậm nét trong chính sách của Washington đối với Bắc Kinh thời ông Trump chính là cuộc chiến tranh thương mại được phát động vào năm 2018, dẫn đến động thái áp thuế trừng phạt để trả đũa nhau giữa 2 nước.
Theo giới chức Mỹ, mục tiêu của cuộc chiến là buộc Bắc Kinh thay đổi "những tập quán thương mại không công bằng", như buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ, để thặng dư thương mại với Washington ngày một tăng... Dù vậy, một số ý kiến cho rằng thương chiến Mỹ - Trung và thỏa thuận giai đoạn một đạt được đã gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ nhưng lại không đạt được mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó có đại dịch Covid-19, công nghệ, sở hữu trí tuệ, Hồng Kông, tình hình biển Đông... Đáng chú ý, Washington đã bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với biển Đông.
Iran, Syria và Afghanistan
Động thái đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế ký với Iran năm 2015 của ông Trump đã gây hỗn loạn ở Trung Đông và vấp phải phản ứng mạnh từ nhiều đồng minh của Washington.
Dù vậy, quyết định đưa ra hồi tháng 5-2018 này và chiến dịch gây sức ép tối đa sau đó không giúp Mỹ đạt được mục tiêu buộc Tehran thương thảo về một thỏa thuận thay thế. Thay vào đó, căng thẳng Mỹ - Iran không ngừng leo thang, dẫn đến nỗi lo về nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq, nơi trúng 1 tên lửa Iran hôm 13-1-2020. Ảnh: Reuters
Không dừng lại ở đó, việc ông Trump ra lệnh rút binh sĩ Mỹ khỏi miền Bắc Syria vào tháng 10-2019 cũng bị chỉ trích vì Washington coi như đã bỏ rơi lực lượng người Kurd từng tham gia cuộc chiến chống IS trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra khoảng trống an ninh tại khu vực.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không ít lần cam kết chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan và đưa mọi binh sĩ Mỹ khỏi đó trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 3-11 tới, một mục tiêu gần như bất khả thi lúc này.
Bình luận (0)