oàng gia được xem là một trong những nơi mà phụ nữ Nhật Bản gặp nhiều khó khăn để thích ứng nhất mặc dù đã có sự thay đổi tư tưởng đáng kể trong những năm gần đây.
Gần 3 thập kỷ trước, Hoàng hậu Michiko (nay là Thượng Hoàng hậu Michiko) từng bị mất giọng nói sau khi công chúng bàn tán về những khuyết điểm của bà trên cương vị là vợ của Thiên hoàng Akihito (nay là Thượng hoàng Akihito).
Xuất thân là dân thường, Hoàng hậu Michiko đã đồng hành cùng chồng và phụ giúp ông rất nhiều công việc. Người phụ nữ này thường xuất hiện với vẻ ngoài thân thiện, sẵn sàng ngồi quỳ gối trò chuyện với các nạn nhân gặp thảm họa hay người khuyết tật.
Song khi Hoàng hậu Michiko cải tạo lại dinh thự hoàng gia hay mặc quá nhiều bộ trang phục khác nhau, truyền thông đã lên án. Có tin đồn các quan chức hoàng gia và mẹ chồng của Hoàng hậu Michiko đánh giá bà "không thể hiện đủ sự tôn kính đối với hoàng gia". Năm 1963, sau 4 năm kết hôn, Hoàng hậu Michiko mang thai nhưng bị thai trứng nên phải phá bỏ. Bà lui về một biệt thự để tịnh dưỡng 2 tháng.
Khoảng 10 năm sau, con dâu của Hoàng hậu Michiko, Thái tử phi Masako (nay là Hoàng hậu Masako), cũng phải ngừng tham gia các hoạt động công cộng và điều trị chứng trầm cảm do áp lực từ truyền thông vì không thể sinh con trai.
Bà Masako từng tốt nghiệp Trường ĐH Harvard danh tiếng của Mỹ và có một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực ngoại giao trước khi kết hôn với Thái tử Naruhito (nay là Thiên hoàng Naruhito) vào năm 1993.
Nhiều nhà bình luận hy vọng bà có thể giúp hiện đại hóa hoàng gia và đóng vai trò là hình mẫu cho phụ nữ trẻ Nhật Bản nhưng điều đó đã không thành hiện thực. Hoàng hậu Masako từng tuyên bố bà bị kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất.
Đầu tháng 10-2021, Hoàng gia Nhật Bản tiết lộ cháu gái của Thượng Hoàng hậu Michiko là Công chúa Mako (30 tuổi) bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương bởi không được tán thành ý định kết hôn với Kei Komuro - một dân thường vừa tốt nghiệp trường luật.
Theo báo The New York Times, bác sĩ tâm thần của Công chúa Mako phát biểu tại một cuộc họp báo khi đó: "Cô ấy cảm thấy như nhân phẩm của mình bị chà đạp. Cô ấy nghĩ bản thân mình không có giá trị".
Ai là công chúa xinh đẹp nhất hoàng gia Nhật Bản?
Đáng nói là một bộ phận công chúng Nhật Bản vẫn muốn Công chúa Mako đạt được kỳ vọng của hoàng gia dù theo luật nước này, cô buộc phải từ bỏ tước hiệu sau khi kết hôn. Chồng của cô, anh Komuro, một dân thường có gia đình dính vào bê bối tài chính, bị cho là không xứng đáng làm chồng công chúa.
Tám công chúa Nhật Bản khác kết hôn với thường dân và cũng bị mất tước hiệu song không ai bị công kích nặng nề như Công chúa Mako.
Hoàng đế Naruhito và Hoàng hậu Masako trong một cuộc diễu hành hoàng gia ở thủ đô Tokyo năm 2019. Ảnh: AP
Liên quan đến sức khỏe tâm thần của con gái Mako, Thái tử Akishino nhấn mạnh vào dịp sinh nhật lần thứ 56 của mình hồi tháng 11 năm ngoái rằng cần "thiết lập các quy định để bác bỏ những báo cáo sai lầm".
Sau khi từ bỏ tước hiệu trong hoàng gia để kết hôn, Công chúa Mako cùng chồng đến New York - Mỹ để bắt đầu cuộc sống mới hồi cuối năm ngoái.
Hiện tại, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Công chúa Aiko, 20 tuổi, con gái của Thiên hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Cô sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính thức với tư cách là một thành viên trưởng thành của hoàng gia Nhật Bản.
Bất chấp việc kết hôn với thành viên hoàng gia hay sinh ra trong hoàng gia Nhật Bản, những người phụ nữ đó phải chịu áp lực từ truyền thông, công chúng và chịu sự giám sát của các quan chức hoàng gia trong cuộc sống hằng ngày.
Họ cũng gặp tình trạng bất bình đẳng giới lớn hơn, có thể bị chỉ trích nặng nề hơn nam giới và không đủ điều kiện ngồi lên ngai vàng.
"Ngoài việc làm một phụ nữ của hoàng gia, bạn còn phải ăn mặc đẹp. Sau khi kết hôn, mục đích của bạn là sinh con. Mọi người sẽ hỏi bạn có phải là một người mẹ tốt không? Bạn có mối quan hệ tốt với mẹ chồng không? Làm thế nào bạn ủng hộ chồng trong cuộc sống? Bạn phải làm nhiều công việc một cách hoàn hảo" - GS kiêm bác sĩ tâm thần tại Trường ĐH Rikkyo (thủ đô Tokyo) Rika Kayama nói.
Nhật Bản đang dần thay đổi. Cuộc bỏ phiếu của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền hồi tháng 9 năm ngoái để chọn ra thủ tướng có tới 2 ứng cử viên nữ là Sanae Takaichi và Seiko Noda. Một số tập đoàn ở Nhật Bản cũng nâng đỡ nhiều phụ nữ vào bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản vẫn không coi trọng nữ giới bằng nam giới. Họ phải gọi theo tên của chồng, chưa được cất nhắc vào vị trí quản lý, quốc hội và các trường đại học uy tín trong nước.
Giám đốc Trung tâm Nhân văn tại Trường ĐH Miami (Mỹ) bình luận rằng phụ nữ hoàng gia Nhật Bản "không phải là một phần của xã hội hiện đại".
Bình luận (0)